Julie hay nàng Héloise mới là một tiểu thuyết bằng thư cho nên hầu như tất cả các
bức thư ít hay nhiều người viết đều có thể nói chuyện này, chuyện khác bằng liên hệ tạt ngang. Vì thế người nghiên cứu không thể thống kê chính xác có bao nhiêu thư được kết cấu bằng liên hệ tạt ngang. Chúng tôi chỉ dẫn ra một số ví dụ tiêu biểu để chứng minh. Ví dụ như trong thư XII, Phần 1, Saint-Preux gửi Julie. Anh đang bày tỏ sự cảm động của mình khi đọc những dòng chữ cuả Julie “Vẻ giản dị của thư cô thật cảm động biết bao! Ở đó tôi thấy rõ chừng nào cái thanh thản của một tâm hồn ngay thật và cái ân cần đầm ấm của tình yêu” [25, 59], thì bỗng nhiên bàn ngay đến kế hoạch học tập giữa Julie, Claire với thầy dạy Saint-Preux : “Vậy để lấy lại thời gian đã mất, tôi đã nghĩ ra một kế hoạch để có thể dùng phương pháp sửa chữa cái thiệt hại mà những đãng trí gây ra cho sự hiểu biết” [25, 60]. Hay thư XLIII, Phần 1 của Saint-Preux gửi Julie lúc nói về lòng hào hiệp của viên đại uý của Clôt Anet lại chuyển sang cuộc hẹn hò, xin nàng cho gặp ở nhà ván trước khi mẹ nàng trở về. Hay thư XIII, Phần 2 của Saint-Preux gửi Julie khi anh đang ở Paris. Trong khi bày tỏ sự nhung nhớ và thề giữ lòng chung thuỷ với người yêu, anh lại quay sang nói về sự hào phóng của tôn ông Édouard. “Em hãy nên biết ông dám lạm dụng cái quyền do những ân huệ của ông đối với anh để mở rộng những thu xếp ấy quá mức chính đáng...” [25, 276].
Như vậy, lối kết cấu liên hệ tạt ngang giúp nhân vật có thể nói nhiều chuyện không liên quan đến nhau trong một bức thư làm cho nội dung càng thêm phong phú.