Các khái niệm cơ bản

Một phần của tài liệu Luận án Nguyễn Thu Cúc (Trang 39 - 46)

- Kết quả đạt được về thực tiễn

2.1.1.1. Các khái niệm cơ bản

* Nhân lực

Nhân lực (NL) là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả cả những người làm việc cho một công ty hoặc tổ chức và bộ phận chịu trách nhiệm quản lý các nguồn lực liên quan đến nhân viên. Thuật ngữ này lần đầu tiên được đặt ra vào những năm 1960 khi giá trị của quan hệ lao động bắt đầu thu hút sự chú ý và khi các khái niệm như động lực, hành vi tổ chức và đánh giá lựa chọn bắt đầu hình thành. Tuy đến nay đã có những nhận thức khác nhau về NL, nhưng cách tiếp của C. Mác về khái niệm sức lao động là căn cứ rất quan trọng để hiểu thực chất khái niệm NL. Theo C. Mác, "Sức lao động hay năng lực lao động là toàn bộ những năng lực thể chất và tinh thần tồn tại trong cơ thể, trong một con người đang sống, và được người đó đem ra vận dụng mỗi khi sản xuất ra một giá trị sử dụng nào đó"" [59, tr.251]. Điều này tức là người có sức lao động phải là người đang sống và phải có cả hai yếu tố cấu thành là thể lực và trí lực. Thiếu một trong hai yếu tố này thì một người không thể có khả năng lao động bình thường và cũng rất khó có thể tham gia vào thị trường lao động.

Người mang theo hai yếu tố thể lực và trí lực, đủ điều kiện để lao động, nếu được tuyển dụng vào làm việc trong một tổ chức thì đều được gọi là NL.

Nhân lực là những người tạo nên lực lượng lao động của một tổ chức, khu vực kinh doanh hoặc nền kinh tế. Người đó phải có sức lao động

và sẵn sàng sử dụng sức lao động của mình vào hoạt động của tổ chức. Nhân lực được nhiều nhà chiến lược kinh doanh coi là quan trọng nhất trong tất cả các nguồn lực của DN. Bởi vì người lao động có thể đạt được các kỹ năng mới, do đó tăng quy mô của một DN có lợi thế cạnh tranh theo thời gian. Các tài nguyên khác chỉ đơn giản là không thể có khả năng đó. Xét trên bình diện vĩ mô, NL là một bộ phận nguồn lực của xã hội, là yếu tố cấu thành lực lượng sản xuất, giữ vai trò quyết định sự phát triển kinh tế

- xã hội của mọi quốc gia. Cùng với quá trình phát triển lực lượng sản xuất và tiến bộ về khoa học và công nghệ, chất lượng NL có xu hướng ngày càng tăng lên.

Tổng số NL trong một tổ chức, DN hay của toàn bộ nền kinh tế còn được nhiều nhà nghiên cứu gọi là nguồn NL [138]. Nguồn NL cũng được nhấn mạnh là nguồn tài nguyên con người trong đó chủ yếu nhấn mạnh kiến thức, kỹ năng và động lực của con người. Nguồn NL là “thiết bị di động” ít nhất trong bốn yếu tố sản xuất (lao động, tài nguyên thiên nhiên, tư bản và công nghệ) và (trong điều kiện phù hợp) nó cải thiện theo tuổi tác và kinh nghiệm, điều mà không nguồn lực nào khác có thể làm được. Do đó, nó được coi là nguồn lực sản xuất quan trọng nhất tạo ra lợi thế lớn nhất và lâu dài nhất cho một tổ chức.

Như vậy, NL là tổng thể các yếu tố cấu thành thể lực và trí lực của con người đang sống, của toàn bộ lực lượng lao động xã hội làm việc trong một tổ chức kinh tế, xã hội, trong một doanh nghiệp, một ngành, một địa phương và một quốc gia được xác định trong một điều kiện lịch sử cụ thể nhất định. Ngoài các yếu tố thể lực và trí lực, NL còn được cấu thành bởi các yếu tố truyền thống, kinh nghiệm lao động, sức suy nghĩ, sức sáng tạo của con người được vận dụng để sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai của đất nước.

* Vốn nhân lực

Hoạt động đầu tư nhằm nâng cao chất lượng nguồn NL để người lao động làm việc có năng suất và hiệu quả cao hơn, được gọi là đầu tư vào con người. Vốn NL là vốn hình thành thông qua đầu tư vào con người (Becker, 1978). Vốn NL là kiến thức, kỹ năng và khả năng thể chất có thể làm tăng thêm thông tin về tiền bạc và vật liệu trong tương lai. Vốn NL liên quan đến năng lực của con người, và có thể được phân loại thành bốn loại bao gồm giáo dục, công nghệ và vốn kiến thức, vốn sức khỏe, di cư và vốn di chuyển [98].

Từ những nhận thức nêu trên, nghiên cứu sinh quan niệm, vốn NL hay còn gọi là tư bản con người (human capital) là khái niệm dùng để chỉ toàn bộ hiểu biết của con người về phương thức tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nó là vốn đầu tư để có được kiến thức, kỹ năng làm cho một người hay một tập thể người có thể thực hiện và hoàn thành một công việc nhất định. Nền tảng kiến thức của một quốc gia được tăng cường nhờ các hoạt động nghiên cứu (cơ bản và ứng dụng) và truyền bá kiến thức thông qua hệ thống giáo dục và đào tạo nghề. Đội ngũ cán bộ, nhân viên và tất cả kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm v.v... mà họ sở hữu làm cho chúng có giá trị đối với một doanh nghiệp hoặc nền kinh tế được gọi là vốn NL của một tổ chức. Việc đầu tư vào vốn NL sẽ tạo ra điều kiện để sản xuất được nhiều sản phẩm mới và cải tiến, nhiều quy trình công nghệ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Vốn NL cũng có ý nghĩa quan trọng như vốn vật chất trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các nhà kinh tế chính trị cổ điển Anh như Adam Smith từ cuối thế kỷ XVIII đã quan tâm đến đối tượng đầu tư này khi ông cho rằng con người phải có những chi phí cho việc học tập, rèn luyện thì mới có được một kỹ năng hay một tài năng làm việc tốt hơn. Chi phí đó chính là vốn NL [136]. Đầu tư vào vốn NL bao gồm những chi phí để có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cho mỗi con người nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thành một công việc

nhất định. Vốn NL là tài sản vô hình hoặc chất lượng không được liệt kê trên bảng cân đối kế toán của DN hay của toàn bộ nền kinh tế. Nó có thể được phân loại là giá trị kinh tế của kinh nghiệm và kỹ năng của một nhân lực. Nó bao gồm các giá trị tài sản như giáo dục, đào tạo, trí thông minh, kỹ năng, sức khỏe và những thứ khác mà nhà tuyển dụng đánh giá cao như sự trung thành và đúng giờ...Vốn NL được đầu tư bởi cá nhân hoặc tổ chức tuyển dụng NL là DN, tổ chức xã hội hay tuyển dụng nhà nước.

Vốn NL là tài sản của một cá nhân, nhưng nó cũng có thể là tài sản của một tổ chức tùy thuộc vào việc đầu tư để tạo ra nguồn vốn đó. Vốn NL của một tổ chức là kết quả của việc tuyển dụng và đào tạo NL của tổ chức đó. Nhờ có những đầu tư này mà tổ chức có được một tập thể, một đội ngũ lao động vừa có tính chuyên môn hóa trong phân công lao động, vừa có sự gắn kết, phối hợp và nhờ đó có sức mạnh để hoàn thành mục tiêu chung của tổ chức. Sức lao động tập thể của tổ chức là bộ phận nguồn lực đặc biệt quan trọng tạo nên “thương hiệu” của tổ chức trong quan hệ với các tổ chức khác và với nền sản xuất xã hội. Ngày nay, do sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, nên kiến thức chuyên ngành cần thiết ngày càng trở nên phức tạp. Nó đã trở thành yếu tố quyết định sự thành công của DN, của ngành và của nền kinh tế. Theo đó, vai trò của sở hữu kiến thức của các nhà quản lý, nhà khoa học, kỹ sư, luật sư, v.v... càng được đề cao. Theo đó, vai trò của vốn NL ngày càng được coi trọng trong tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Lý thuyết và thực tế cho thấy, các nhà tuyển dụng NL có thể cải thiện chất lượng của nguồn vốn đó bằng cách đầu tư vào nhân viên, giáo dục, kinh nghiệm,năng lực sáng tạo, khả năng làm việc trong điều kiện áp lực cường độ cao và tinh thần hợp tác, tính kỷ luật của nhân lực. Những đầu tư để có được nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật và kỹ năng lao động cao, có kỷ luật và có sức sáng tạo đáp ứng yêu cầu của một công việc

nhất định không chỉ có giá trị kinh tế cho bản thân nhân lực và người sử dụng lao động mà còn cho toàn bộ nền kinh tế.

* Ngành công nghiệp nội dung số

Trong lịch sử, con người đã biết đến máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên do hãng Kodak phát minh vào những năm 1970. Tuy nhiên, chỉ đến những năm 1990, xu hướng phát triển sản xuất và phân phối các sản phẩm NDS mới trở thành một ngành công nghiệp và gia nhập vào hệ thống các ngành trong nền kinh tế quốc dân của một số nước đi trước. Ngành CN NDS Việt Nam được coi là xuất phát chậm hơn thế giới khoảng 10 năm nhưng đến nay khoảng cách về trình độ và quy mô phát triển đã tăng nhiều. Để nhận biết ngành kinh tế này, trước hết phải bắt đầu tư khái niệm về NDS.

Nội dung số ((Digital Content) là khái niệm mới được biết đến trong ba thập kỷ vừa qua và nó ngày càng được nhắc nhiều khi có sự bùng nổ thông tin trong những năm gần đây. Theo các từ điển về CNTT thì NDS là những sản phẩm có sẵn theo dạng số như âm nhạc, thông tin, hình ảnh, video... có thể tải về từ trên mạng Internet hoặc được phân phối trên hệ thống mạng thông tin truyền thông. Nội dung số là bất kỳ loại nội dung nào tồn tại dưới dạng dữ liệu số. Nội dung số có thể được lưu trữ trên các thiết bị lưu trữ kỹ thuật số hoặc thiết bị lưu trữ kỹ thuật tương tự ở các định dạng cụ thể. Các hình thức của NDS bao gồm các thông tin được phát sóng quảng bá, truyền phát trên mạng bằng công nghệ số hoặc chứa trong các tập tin máy tính. Có ý kiến cho rằng, NDS là các dữ liệu hoặc các sản phẩm thông tin được cung cấp ở định dạng kỹ thuật số như là một chuỗi các số 0 và 1 mà chúng có thể được đọc bằng máy tính và đưa ra các chỉ lệnh cho máy tính. Nội dung số bao gồm nhạc số, phần mềm, các bộ phim được truyền phát qua mạng, sách điện tử, game online và các ứng dụng. Phương thức cung cấp các NDS rất đa dạng, nó có thể được tải hoặc truyền phát qua Internet, gửi qua email hoặc qua các phương thức khác như cung cấp

qua phương thức vật lý (ví dụ như đĩa DVD) hoặc tích hợp vào các sản phẩm khác (ví dụ như xe ô tô với hệ thống dẫn đường). Hoạt động sản xuất và phân phối NDS đã đem lại thu nhập không nhỏ cho những DN hoạt động trong lĩnh vực này.

Ngành công nghiệp NDS (tiếng Anh: Digital content industry - DCI) là ngành sản xuất, cung cấp và kinh doanh các dịch vụ NDS ở mức chuyên sâu và đạt được quy mô lớn. Theo Leo Hwa Chiang, chuyên gia về phát triển ngành game và NDS của Cục Phát triển CNTT Hàn Quốc, thì “Công nghiệp NDS đơn giản là nội dung cộng với công nghệ số”. Theo Bộ CNTT Hàn quốc, ngành CN NDS đưa lại lợi ích trực tiếp từ các sản phẩm như đào tạo, giải trí, y tế, ngân hàng, mua sắm trực tuyến đã đưa ra một khái niệm rất rộng. Ngành CN NDS là ngành mang đến:

Một cuộc sống tiện nghi, an toàn, nhiều niềm vui, giàu có tương ứng với những sản phẩm mà ngành CN NDS đã mang lại như học tập trực tuyến, điều trị bệnh theo hướng cá nhân hoá, điều khiển từ xa, mạng băng rộng, game giải trí, quản lý thông tin cá nhân, phòng chống tội phạm, ngân hàng tực tuyến, mua sắm trực tuyến,... [158].

Các quốc gia, lãnh thổ khác như Đài Loan, Ailen, Áo, Úc... là những nơi có ngành CN NDS phát triển mạnh cũng không đưa ra một khái niệm đồng nhất nào về ngành CN NDS mà chỉ phân loại ngành công nghiệp thành các lĩnh vực chính. Đài Loan phân thành 8 lĩnh vực chính bao gồm: Game kỹ thuật số, phim, hình ảnh trên máy tính, đào tạo trực tuyến, âm thanh và các ứng dụng video, nội dung mạng di động, các dịch vụ mạng, nội dung phần mềm, xuất bản - lưu trữ và cơ sở dữ liệu số. Ailen nhóm thành 5 lĩnh vực cơ bản: game, thư viện số, đào tạo số; các dịch vụ trên nền viễn thông/không dây. Viện CNTT, truyền thông và nghệ thuật của Áo đã đưa ra 4 nội dung quan trọng của CN NDS: trò chơi tương tác, tương tác đa

phương tiện; quảng cáo; nội dung giáo dục. Hiệp hội công nghiệp truyền thông đa phương tiện Úc về Tiêu chuẩn của ngành CN NDS định nghĩa về ngành CN NDS tương ứng với các lĩnh vực: hình ảnh hiệu ứng và hình ảnh động (bao gồm cả thực tế ảo và các sản phẩm 3D), tương tác đa phương tiện (các trang web ví dụ như, CD-ROM), phát triển phần mềm máy tính, các trò chơi trực tuyến, giáo dục đa phương tiện (e-learning) và sản xuất phim truyền hình kỹ thuật số. Một số quốc gia thậm chí còn coi ngành công nghiệp nội dung như là "ngành công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa, ngành công nghiệp bản quyền, hoặc ngành công nghiệp giải trí bởi vì đặc điểm của sản phẩm sáng tạo và văn hóa” [130]. Tức là cho đến nay gần như không có một khái niệm thống nhất chung về CN NDS. Với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT, xu hướng hội tụ số kết hợp nhiều ngành nghề với công nghệ số tạo thêm nhiều mảng sản phẩm mới sẽ khiến khái niệm theo sản phẩm ngày càng được mở rộng và thay đổi không ngừng.

Tại Việt Nam, khái niệm NDS được đề cập tại Điều 4, Luật CNTT: "Công nghiệp NDS là một lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp CNTT, bao gồm các hoạt động sản xuất và cung cấp sản phẩm nội dung thông tin số, tức các thông tin được tạo lập bằng phương pháp dùng tín hiệu số” [64]. Khái niệm đó được chi tiết hơn trong Nghị định 71/2007 /NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, CN NDS là ngành công nghiệp sản xuất, cung cấp và phân phối các sản phẩm và nội dung thông tin số, gồm: Giáo trình, bài giảng, tài liệu dưới dạng điện tử; sách, báo, tạp chí dưới dạng số; các loại trò chơi điện tử; sản phẩm giải trí trên mạng viễn thông; thư viện số, kho dữ liệu số; phim, ảnh, nhạc, quảng cáo số.

Các quan niệm ở trong và ngoài nước nêu trên cho thấy, CN NDS là một ngành mới được gia nhập vào hệ thống các ngành kinh tế quốc dân trong những năm gần đây. Nó phản ánh trình độ phát triển mới của lực lượng sản xuất dưới tác động của tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là sự

phát triển mạnh mẽ của CNTT. Những tiến bộ và phát triển đó đã thúc đẩy phân công lao động xã hội và chuyên môn hóa sản xuất ngày càng sâu rộng làm ra đời và phát triển các ngành kinh tế mới. Có thể hiểu, CN NDS là ngành sản xuất, cung cấp và phân phối các sản phẩm và nội dung thông tin số. Ở nước ta hiện nay, đã có một số tài liệu có nhắc đến Thương mại điện tử là một thành phần trong ngành CN NDS. Tuy nhiên, trong nhiều nghiên cứu đã coi Thương mại điện tử là một ngành riêng biệt, thuộc về Thương mại nhiều hơn là NDS. Vì vậy, trong luận án sẽ không xét đến lĩnh vực Thương mại điện tử cũng như lĩnh vực tiếp thị số trong ngành CN NDS.

Một phần của tài liệu Luận án Nguyễn Thu Cúc (Trang 39 - 46)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(174 trang)
w