Kịch bản chuyển thể căn bản trung thành với nguyên tác

Một phần của tài liệu 7.-PHMai-LUẬN-ÁN-1 (Trang 70 - 73)

10. Bố cục của luận án

2.1.1.Kịch bản chuyển thể căn bản trung thành với nguyên tác

Dựa vào Lý thuyết chuyển thể, đã được trình bày ở trên về mức độ trung thành với văn bản gốc, cũng như các cách chuyển thể, có thể thấy, các bộ phim hoạt hình cổ tích của Disney được sáng tạo và sản xuất giống với cách Chuyển thể

trung thực (Faithfull), như nhà phê bình Louis D. Giannetti [69, tr. 1] đã chỉ ra.

Tức là chuyển thể gần với nguyên tác và hầu như giữ nguyên hệ thống nhân vật, cũng như duy trì cách kể chuyện đã có, cùng với đó là phần lớn các sự kiện của văn bản gốc. Cách chuyển thể này vừa thể hiện mức độ trung thành một cách tương đối với câu chuyện ban đầu, vừa tạo điều kiện cho các nghệ sỹ thể hiện ý đồ nghệ thuật và sáng tạo của mình đối với các nhân vật trong phim. Nó đòi hỏi nguyên tác phải có chuyện với nội dung xác định cụ thể và nhân vật phải gắn bó, có vai trò trong câu chuyện đó. Có nghĩa là, các câu chuyện nói chung, chuyện cổ tích nói riêng muốn được chuyển thể thì phải đáp ứng đầy đủ các yếu tố mang tính “kỹ thuật” sau:

- Câu chuyện phim phát triển tuyến tính; - Nhân vật chính có mục tiêu rõ ràng; - Kết quả đạt được, ai cũng nhận thấy.

Trong truyện cổ tích Bạch Tuyết của anh em Grimm, Bạch Tuyết là công chúa, mồ côi mẹ. Khi vua cưới hoàng hậu mới (hoàng hậu dì ghẻ), bà ta ghét Bạch Tuyết vì cô xinh đẹp và sai người thợ săn mang cô vào rừng để giết. Người thợ săn thương tình thả cô đi, rồi về nói dối là đã giết cô. Bạch Tuyết lang thang trong rừng, lạc đến nhà bảy chú lùn và ở lại giúp việc nhà, trong khi họ đi làm ở mỏ. Khi biết Bạch Tuyết chưa chết, hoàng hậu dì ghẻ ba lần tìm đến nhà các chú lùn để hãm hại cô và lần cuối, bà ta mới đạt được mục đích bởi miếng táo độc. Tuy Bạch Tuyết đã chết, nhưng vẫn xinh đẹp như như đang ngủ, các chú lùn xót thương, đặt cô vào chiếc quan tài thủy tinh, đặt nó trên núi, trong một cái hang và chia nhau trông coi. Một hoàng tử nước láng giềng lạc

rừng đến ở nhà các chú lùn và thấy Bạch Tuyết trong chiếc quan tài liền xin, các chú lùn đồng ý tặng cho chàng. Trên đường đi, thị vệ khiêng quan tài bị vấp, miếng táo trong cổ họng cô văng ra nên Bạch Tuyết sống lại. Hoàng tử và Bạch Tuyết lấy nhau và sống hạnh phúc, còn hoàng hậu dì ghẻ độc ác bị trừng phạt.

Kịch bản chuyển thể của bộ phim giữ lại nhân vật chính là Bạch Tuyết và các mối quan hệ –hoàng hậu dì ghẻ độc ác – người thợ săn - các chú lùn – hoàng tử cũng như diễn tiến của câu chuyện, hoàng hậu dì ghẻ muốn giết Bạch Tuyết để trở thành người đẹp nhất vương quốc – Bạch Tuyết được các chú lùn giúp, thoát chết, gặp và cưới hoàng tử - hoàng hậu dì ghẻ bị trừng phạt. Rõ ràng là khi chuyển thể, các tác giả kịch bản Ted Sears, Otto Englander, Webb Smith đã giữ lại khung chức năng cốt yếu của nguyên tác và bổ sung các chức năng

xúc tác hỗ trợ cho các chức năng cốt yếu. Họ đã thay đổi một số tình huống

trong khi chuyển thể, và làm cho Bạch Tuyết cùng bảy chú lùn trở thành câu chuyện cổ tích theo phong cách của Disney. “Ông ta đã dùng chất liệu của anh em Grimm và thay đổi nó theo thẩm mỹ và tín ngưỡng của mình” [51, tr. 347]. Trước hết, các tác giả bỏ qua phần hoàng hậu, mẹ của Bạch Tuyết ngồi khâu áo, bị kim đâm vào tay, máu nhỏ trên tuyết tạo nên một màu rất đẹp và bà ta ước rằng sẽ sinh cô con gái môi đỏ như máu, da trắng như tuyết, tóc đen như gỗ mun. Họ cũng bỏ luôn cả vua cha, mà để cho Bạch Tuyết hoàn toàn mồ côi, lau dọn lâu đài giống như một người hầu. Bạch Tuyết đã gặp hoàng tử trên con ngựa trắng ngay từ đầu phim, và chàng hát bài ca về tình yêu, lòng chung thủy cho cô nghe. Có thể thấy, nhân vật hoàng tử được các tác giả đưa vào như một mục đích mà Bạch Tuyết hướng tới. Trong khi đó, hoàng tử trong chuyện cổ Grimm xuất hiện ở cuối câu chuyện và không tạo được ấn tượng gì nhiều, ngoài việc xin được mang quan tài có cô ở trong đi. Trong phim, hoàng hậu dì ghẻ không chỉ ghen tị với sắc đẹp của Bạch Tuyết, mà còn với cả tình yêu hoàng tử

dành cho cô, vốn là không có trong nguyên tác văn học. Các chú lùn trong truyện cổ Grimm không có tên và đóng vai trò khiêm tốn, giống như những nhân vật hỗ trợ cho nhân vật Bạch Tuyết mà chẳng thể hiện nhiều các chức năng của nhân vật điện ảnh. Còn các chú lùn trong phim có tên cụ thể với từng tính cách riêng, trở thành một tuyến nhân vật chủ đạo, có các chức năng nổi bật và tạo nên sự lôi cuốn mạnh mẽ với người xem. Các nhân vật chú lùn tượng trưng cho sức mạnh chính nghĩa loại trừ cái ác, bảo vệ sự lương thiện và cái đẹp. Họ vừa là các yếu tố xúc tác, vừa là yếu tố hỗ trợ, khiến cho câu chuyện phim vui hơn, hài hước hơn, có cảm xúc hơn và cũng hay hơn. Nếu cái kết trong nguyên tác là hoàng hậu dì ghẻ bị buộc phải nhảy trên đôi giày bằng sắt, nung nóng cho đến chết, thì hoàng hậu dì ghẻ trong phim bị chết khi cố gắng lăn tảng đá xuống dưới núi với ý định giết chết các chú lùn. Còn cái kết hạnh phúc, Bạch Tuyết sống lại và gặp hoàng tử, trong văn học và phim cũng khác nhau. Trong nguyên tác, sự sống lại của Bạch Tuyết đến một cách ngẫu nhiên. Khi khiêng cỗ quan tài kính, có Bạch Tuyết nằm trong đó, các thị vệ bị vấp vào rễ cây, tác động mạnh đến cô, làm cho miếng táo độc văng ra khỏi cổ họng cô, khiến cô sống lại. Còn ở trong phim, tình huống này được các tác giả xử lý một cách chủ động, có chủ đích. Hoàng tử tìm kiếm cô, nụ hôn của hoàng tử như là thuốc giải độc, khiến cô tỉnh lại. Cô gặp lại người yêu, họ cưới nhau và sống hạnh phúc. Bạch Tuyết đạt được mục tiêu khi tìm thấy tình yêu mà cô mong muốn. Đó là một cái kết viên mãn.

Cách chuyển thể kịch bản so với nguyên tác truyện cổ tích Nàng tiên cá

của nhà văn Christian Andersen được các tác giả của hãng Disney thực hiện đã được nhà nghiên cứu lý luận về văn học trẻ em Roberta Trites (Mỹ) phân tích khá rõ ràng [103]. Bộ phim cũng được làm theo theo khuynh hướng giữ nguyên cốt truyện và các nhân vật chính, nhưng loại bỏ nhân vật khác, đó là người bà – thái hậu và thay vào đó là vua cha. Các cô chị của nàng tiên cá vốn được miêu

tả tỉ mỉ trong nguyên tác, thì trong phim, hầu như họ không mấy rõ nét, ngoài những cái tên và vài lần xuất hiện thoáng qua. Trong khi đó, nhân vật mụ phù thủy được xây dựng thực sự ấn tượng cả về mặt tạo hình và tính cách, tạo nên sự đối lập “thiện – ác” trong nội dung cũng như chủ đề của bộ phim một cách rõ ràng. Mặc dù, có những thay đổi trong phim, nhưng khung cơ bản của câu chuyện, các chức năng cốt yếu tạo nên cách kể chuyện và các nút thắt theo hướng câu chuyện diễn ra vẫn được giữ nguyên. Đó là, công chúa con vua Thủy tề trong truyện cổ của Andersen cũng như công chúa Ariel trong phim của Disney đều mong muốn được biến thành người và có được hoàng tử. Cả hai cô công chúa này đều nhờ mụ phù thủy giúp đổi giọng nói, giọng hát để lấy đôi chân. Hoàng tử trong nguyên tác cưới người khác, còn trong phim Disney, bị phù thủy Ursula ám, đã không hôn Ariel trước bình minh của ngày thứ ba, và một cuộc chiến xảy ra với sự chiến thắng của cái thiện. Công chúa nguyên tác biến thành nàng tiên bay trong không trung, đi làm việc thiện để có linh hồn bất tử sau ba trăm năm. Còn nàng tiên cá Ariel được vua cha biến đuôi của cô thành chân và sống với hoàng tử một cuộc đời hạnh phúc. Cả hai đều có cái kết viên mãn của riêng mình và đạt được mục tiêu.

Phần lớn các bộ phim truyện hoạt hình chuyển thể của Disney đều có sự thay đổi một số tình tiết, thêm, bớt nhân vật, bổ sung những thành phần xúc tác tạo xung đột và cao trào. Tuy nhiên những chức năng cốt yếu của các nhân vật trong nguyên tác thường vẫn được giữ lại.

Một phần của tài liệu 7.-PHMai-LUẬN-ÁN-1 (Trang 70 - 73)