Vai trò củacông ty chứng khoán

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn tại công ty cổ phần chứng khoán MB ( MBS ) (Trang 25 - 28)

Công ty chứng khoán là một nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nói chung và của thị trường chứng khoán nói riêng. Nhờ các công ty chứng khoán mà thị trường hoạt động liên tục, hàng hóa của thị trường (cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh,…) được lưu thông buôn bán trao đổi từ nhà phát hành tới các nhà đầu tư. Theo cơ chế này mà lượng vốn khổng lồ đã được huy động từ nguồn nhàn rỗi của công chúng để đem đầu tư sinh lời .

Đối với mỗi chủ thể khác nhau trong nền kinh tế, vai trò của các CTCK cũng được nhìn nhận dưới những góc độ khác nhau

 Đối với các tổ chức phát hành.

Các tổ chức phát hành khi tham gia vào thị trường chứng khoán đều với mục đích là huy động vốn từ việc phát hành chứng khoán. Công ty chứng

khoán với các nghiệp vụ của mình như môi giới, bảo lãnh phát hành đã tạo ra chiếc cầu nối, đồng thời là kênh dẫn cho vốn chảy từ nơi thừa vốn của nền kinh tế đến nơi thiếu vốn mà độ an toàn cao hơn. Bởi qua hoạt động bảo lãnh phát hành, nếu số chứng khoán không được bán hết thì công ty chứng khoán sẽ mua lại toàn bộ số chứng khoán còn để giao dịch sau, đảm bảo cho đợt phát hành thành công. Khi đó, tổ chức phát hành không phải lo lắng. Công ty chứng khoán còn giúp bình ổn giá của những chứng khoán mới phát hành qua việc mua vào hay bán ra chứng khoán.

Tổ chức phát hành có thêm kênh huy động vốn chủ động mà không còn phụ thuộc nhiều vào các tổ chức tín dụng khác nữa, không còn lo lắng khi muốn huy động vốn mà không có tài sản đảm bảo nữa. Như vậy, công ty chứng khoán đã tạo ra cơ chế huy động vốn cho nền kinh tế thông qua thị trường chứng khoán.

Nhờ các dịch vụ mà công ty chứng khoán cung cấp như tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, tư vấn cổ phần hóa… doanh nghiệp đã có những cách tiếp cận với phương thức quản lý mới, đánh giá được giá trị của doanh nghiệp mình từ đó có chiến lược phát triển mới cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.

 Đối với nhà đầu tư.

Các nhà đầu tư luôn muốn có khả năng chuyển đổi chứng khoán có giá thành tiền mặt và ngược lại trong môi trường ổn định. Công ty chứng khoán bằng các nghiệp vụ của mình như môi giới, tư vấn, quản lý danh mục đầu tư đã làm giảm chi phí, thời gian giao dịch từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư.

Công ty chứng khoán với đầy đủ các dịch vụ tiện ích không chỉ nhận lệnh mà còn tư vấn, nghiên cứu, phân tích thị trường rồi cung cấp thông tin để khách hàng biết mà có quyết định đúng trong đầu tư; giảm thiểu rủi ro, nâng cao lợi nhuận.

Công ty chứng khoán cũng cung cấp cho thị trường cơ chế xác lập giá thông qua hệ thống khớp giá hoặc khớp lệnh. Nhà đầu tư hoàn toàn có thể chủ động đặt giá một cách khách quan. Với các nguồn thông tin có được về thị trường, về tình hình kinh doanh của các công ty, về cơ chế giao dịch,…nhà đầu tư sẽ đánh giá được chính xác giá trị của các khoản đầu tư.

 Đối với thị trường chứng khoán.

Thị trường chứng khoán hoạt động theo nguyên tắc trung gian, người mua và người bán không được gặp nhau trực tiếp để trao đổi về giá cả, hàng hóa mà phải tiến hành giao dịch thông qua công ty chứng khoán. Do đó, giá cả chứng khoán là do thị trường quyết định. Công ty chứng khoán là thành viên của thị trường cũng sẽ góp phần tạo lập giá cả. Khi các công ty phát hành chứng khoán lần đầu tiên, giá của chứng khoán sẽ do tổ chức phát hành và công ty chứng khoán bàn bạc, thống nhất. Trên thị trường thứ cấp, công ty chứng khoán với vai trò tạo lập thị trường cũng tham gia điều tiết giá. Chính vì vậy, giá cả của mỗi loại chứng khoán đều có sự can thiệp của công ty chứng khoán. Công ty chứng khoán góp phần tạo lập giá, điều tiết thị trường.

Công ty chứng khoán làm tăng tính thanh khoản cho các tài sản tài chính. Dựa vào hoạt động bảo lãnh phát hành trên thị trường sơ cấp, công ty chứng khoán đã đưa vào thị trường lượng chứng khoán lớn và nó sẽ được giao dịch trên thị trường thứ cấp, chuyển đổi chứng khoán thành tiền mặt và ngược lại nhờ hoạt động mua đi bán lại của nhà đầu tư, tổ chức.

Ngoài cổ phiếu (thường và ưu đãi) và trái phiếu, các công ty chứng khoán còn mua bán trái phiếu Chính phủ, chứng quyền, trái quyền, các hợp đồng tương lai, hợp đồng lựa chọn và các sản phẩm lai tạo đa dạng chủng loại; từ đó làm đa dạng lượng hàng hóa giao dịch cho thị trường.

 Đối với cơ quan quản lý.

CTCK thực hiện các giao dịch mua bán chứng khoán, nắm giữ các tài khoản giao dịch của khách hàng, vì vậy nó có được thông tin về các giao dịch trên thị trường, thông tin về các loại cổ phiếu, trái phiếu, thông tin về tổ chức phát hành và nhà đầu tư... CTCK có nghĩa vụ phải cung cấp các thông tin đó cho các cấp có thẩm quyền khi có yêu cầu. Dựa vào nguồn thông tin này, các cơ quan quản lý thị trường có thể theo dõi giám sát toàn cảnh hoạt động trên TTCK để từ đó đưa ra các quyết định, chính sách đúng đắn, phù hợp, kịp thời đảm bảo cho thị trường diễn ra một cách trật tự, khuôn khổ và có hiệu quả.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn tại công ty cổ phần chứng khoán MB ( MBS ) (Trang 25 - 28)