và nghỉ dưỡng từ mỏ than cũ ở Đức
PGS. TSKH. NGUYỄN TRUNG DŨNG
Đại học Thủy lợi
Vùng Lausitz nằm ở miền Đông Đức, tập trung nhiều mỏ than nâu cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện lớn trong vùng. Những năm gần đây, do Chính phủ Đức thực hiện Chiến lược năng lượng quốc gia chuyển trọng tâm sang năng lượng sạch và tái tạo, nên các mỏ than nâu bị đóng cửa, trong đó có mỏ than nâu Cottbus-Nord, nằm gần thành phố Cottbus (vùng Lausitz, bang Brandenburg, Đức). Mỏ than được khai thác trong thời gian từ năm 1978 - 2015, chuyên cung cấp than cho nhà máy nhiệt điện Jänschwalde, nhà máy nhiệt điện lớn thứ ba ở Đức có công suất 3.000 MW. Sau khi bị đóng cửa, Công ty Vattenfall Europe Mining AG (Đức) đã thực hiện Dự án xây dựng biển hồ Bantic phục vụ du lịch ở Cottbus (Đức), với quy mô 1.900 ha từ mỏ than cũ Cottbus-Nord. Đây là một ví dụ điển hình về công tác hoàn nguyên cảnh quan, tái tạo cảnh quan thiên nhiên và phát triển kinh tế vùng/địa phương ở Đức.
KẾT QUẢ TRIỂN KHAI DỰ ÁN
Ý tưởng cải tạo mỏ than cũ Cottbus-Nord thành biển hồ Bantic ở Cottbus nhằm phục vụ du lịch và nghỉ dưỡng do Văn phòng quy hoạch lãnh thổ (Đức) đề ra từ 20 năm trước, sau đó, khi mỏ than bị đóng cửa hoàn toàn vào năm 2015, năm 2016, Công ty Vattenfall Europe Mining AG đề xuất xây dựng Dự án xây dựng biển hồ Bantic ở Cottbus, với mục tiêu sử dụng hồ cho nhiều hoạt động (du lịch, nghỉ dưỡng, bảo vệ thiên nhiên, thủy sản và thủy lợi). Dự kiến đến năm 2030, sẽ xây dựng xong biển hồ rộng 1.900 ha, nằm ngay sát thành phố Cottbus, đáp ứng mọi nhu cầu về thể thao và nghỉ dưỡng. Do đây là vùng có mạng lưới kênh rạch dày nhất nước Đức nối với sông Spree nên việc xây dựng biển hồ sẽ phát triển được các tiềm năng du lịch của vùng như các hoạt động bơi, lặn, câu cá, nuôi cá, thuyền buồm, chèo thuyền Kayak, đua thuyền canoe, đi tham quan bằng thuyền, mô tô nước Jetski, cano kéo dù bay, lướt/trượt ván, thuyền hơi… và các hoạt động khác: Du lịch và nghỉ
dưỡng, chăm sóc sức khỏe, tham quan và trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên, tổ chức hội thảo, xây dựng khách sạn, nhà hàng, sòng bài, vũ trường, khu giải trí… Dự án đã được lên kế hoạch thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ của các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực trong quy hoạch, xây dựng, kỹ thuật môi trường và phát triển kinh tế.
Căn cứ vào Luật khoáng sản Liên bang và Luật Tài nguyên nước Đức, Công ty Vattenfall Europe Mining AG đã tiến hành các thủ tục xin cấp phép Dự án, với các nội dung được thông qua như: Cải tạo/mở rộng dòng chảy sông Spree; đảm bảo an toàn cho công trình; làm đường cho người đi bộ và xe đạp cũng như các cơ sở hạ tầng khác, xây dựng cảng tàu, xây dựng các cơ sở hạ tầng cho du lịch; điều chỉnh việc đi lại của tàu thủy; xây dựng hồ, lấy/hút nước từ sông Spree; tính toán lượng nước chứa trong hồ; đánh giá sự phục hồi, hoàn nguyên cảnh quan, tái trồng cây/rừng và cảnh quan thiên nhiên khu vực xung quanh hồ... Việc xây dựng một biển hồ lớn cần có nguồn vốn đầu tư lớn để xây dựng công trình và quản lý vận hành. Do vậy, bên cạnh vốn đầu tư từ Chính phủ bang Brandenburg và hỗ trợ của khối EU cho cơ sở hạ tầng chính, dự án còn nhận được sự cam kết tài chính từ phía các nhà đầu tư và người dân.
Triển khai Dự án, các chuyên gia đã tiến hành nắn dòng chảy của sông Spree về trạng thái tự nhiên và dịch
chuyển đê bao cho phù hợp. Chuyển đổi 306 ha đất của khu Lakomaer Teich nằm xung quanh khu vực mỏ than thành các công trình công năng xung quanh hồ. Đồng thời, Dự án đã chuyển 146.000 loài động thực vật lưỡng cư ở khu vực này về nơi mới. Sau đó, dọn mặt bằng mỏ than cũ và tiến hành xây dựng công trình thủy lợi cung cấp nước cho hồ. Công việc dọn mặt bằng mỏ than khá phức tạp vì phải tháo dỡ: Toàn bộ hệ thống đường sắt như 11 km đường ray (gồm tà vẹt và đá dăm), 4 cầu đường sắt và đường bộ, 18.000 vật cản và 26 điểm nút trong hệ thống đường sắt; dịch chuyển khối lượng lớn đất đá và san ủi lòng hồ; tháo dỡ 5.000 tấn sắt thép của các trang thiết bị khai mỏ như cần cẩu, băng chuyền... Để xây dựng hồ, các công nhân tiến hành nạo, vét vận chuyển 20 triệu m3 đất, đắp bờ hồ và đầm mái bờ đảm mái bờ theo thiết kế. Áp dụng phương pháp đầm rung để gia cố bờ hồ...
Việc xây dựng các công trình thủy lợi đầu mối và thông số cơ bản của hồ, gồm có: Cống dẫn nước vào tối đa 5 m3/s; Cống lấy nước tối đa 2 m3/s; Kênh Willmerdorf nằm sát mép hồ và nhiều kênh mương kết nối bằng đất. Thông số chính của hồ: Diện tích hồ 1.900 ha; Đảm bảo bờ hồ với cốt nước dao động từ +61,8 đến +63,5 m (chiều cao tích nước +1,7 m). Sau khi xây dựng xong các công trình thủy lợi, việc tích nước hồ được tiến hành từ năm 2018. Nguồn nước được lấy từ sông Spree và nguồn nước ngầm từ phía
NHÌN RA THẾ GIỚI
Nam và Đông Nam của vùng Lausitz, (với dung tích khoảng 280 triệu m3, trong đó 88 % lấy từ sông Spree, 12 % nước ngầm và nước mưa). Chất lượng nước hồ đảm bảo các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Đức: pH 7,5-8, Sulfat 500 mg/l, axit 0,6 mmol-l, sắt hòa tan <0,5 mg/l, Ammonium <0,2 mg/l. Nước hồ phù hợp hoàn toàn cho bơi và lặn. Do điều kiện thủy văn nên thời gian tích đầy dự kiến khoảng 5 - 6 năm tới mới đủ lượng nước theo tính toán.
Đến nay, công trình xây dựng biển hồ Bantic đã hoàn thành giai đoạn đầu, kết quả bước đầu của dự án cho thấy, việc xây dựng biển hồ Bantic đã thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn từ khu vực tư nhân, tạo việc làm cho người dân trong vùng từ các hoạt động du lịch, bảo vệ hiệu quả tài nguyên nước, cải tạo cảnh quan thiên nhiên trong vùng.
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
Công trình xây dựng biển hồ Bantic ở Cottbus (Đức) là một ví dụ điển hình cho
tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) nơi có nhiều mỏ than đã và đang khai thác. Số liệu thống kê của tỉnh Quảng Ninh cho thấy, hiện trên địa bàn tỉnh có 36 khu vực, mỏ than lộ thiên tại 3 vùng Uông Bí - Mạo Khê, Hòn Gai và Cẩm Phả. Theo Quyết định số 403/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 14/3/2016) về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, xét triển vọng đến năm 2030, trong đó có điều chỉnh, bổ sung một số đề án đóng cửa mỏ. Như vậy, có nhiều mỏ than sau khi dừng khai thác cần chuyển sang mục đích phát triển kinh tế như sân golf, khu du lịch,
dịch vụ… Có thể nói, biển hồ Bantic ở Cottbus là một ví dụ tốt để học hỏi, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ của các chuyên gia nhiều lĩnh vực trong quy hoạch, xây dựng, kỹ thuật môi trường và phát triển kinh tế nhằm khai thác triệt để chuỗi giá trị của biển hồ. Đặc biệt, về pháp lý cần có sự phối hợp hài hòa giữa các luật như Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai, Luật BVMT… Trong đó, phải đặt yếu tố môi trường, sinh thái và cảnh quan lên hàng đầu. Để thành công cần huy động vốn đầu tư hiệu quả của các đối tác quan tâm và người dân theo nguyên tắc cùng chia sẻ lợi íchn
VHình 1. Biển hồ Bantic khi hoàn thành giai đoạn đầu (ảnh trái) và dự báo nhu cầu tiềm năng của hồ (ảnh phải)