Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Tap chi Moi truong full_51f68334 (Trang 64 - 69)

NGUYỄN NGỌC

HTX Nông nghiệp số

Làng thông minh (LTM) được hiểu là cộng đồng (xóm, thôn, xã) ở khu vực nông thôn, sử dụng các giải pháp sáng tạo dựa trên thế mạnh và tận dụng cơ hội của địa phương, có sự tham gia, chia sẻ của cộng đồng, nhằm cải thiện điều kiện về kinh tế, xã hội và môi trường bằng cách huy động các giải pháp công nghệ kỹ thuật số.

KINH NGHIỆM QUỐC TẾ

Từ năm 2016, Uỷ ban châu Âu đã phối hợp với Nghị viện châu Âu đưa ra chính sách xây dựng thí điểm LTM giai đoạn 2016 - 2020 với tên gọi “Châu Âu hành động vì LTM” tại một số nước, lấy nền tảng là công nghệ kết nối với giá trị bản địa, nhằm bảo tồn, phát triển các giá trị châu Âu và giúp cho người dân nông thôn có việc làm, cuộc sống thịnh vượng. Năm 2017, Ủy ban châu Âu đã đưa ra Hành động của Liên minh châu Âu (EU) đối với LTM với mục đích khởi xướng một số định hướng về các ngôi làng trong tương lai. Bên cạnh những quỹ và chính sách đã tồn tại trước đó (Chính sách nông nghiệp chung, phát triển nông thôn, liên kết của EU), một số chính sách mới đã được đề xuất: Quan hệ đối tác đổi mới nông nghiệp châu Âu (EIP-AGRI) hướng tới phát triển trong lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp và thực phẩm; mạng lưới phát triển nông thôn châu Âu (ENRD)... Để quảng bá LTM, kế hoạch đã đề xuất 16 hành động gồm nhiều chuyên đề, hội thảo, hội nghị, nhóm chuyên đề; thiết lập Văn phòng cạnh tranh băng thông rộng; đề xuất Dự án SMARTA (Giao thông nông thôn thông minh) và Làng sinh thái thông minh. Sau này, đặc biệt tập trung vào các giải pháp kết nối và kỹ thuật số, nhằm mục đích khám phá một số tính năng cơ bản của Làng xã hội sinh thái thông minh và xác định các ví dụ tốt nhất có thể được sử dụng trong cộng đồng nông thôn để xây dựng chiến lược trong tương lai.

Trước đó, năm 2011, Quỹ CGIAR (Quỹ của Nhóm tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế) và Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế đã tài trợ Chương trình nghiên cứu CIGAR về biến đổi khí hậu (BĐKH), nông nghiệp và an ninh lương thực (Aggarwal, 2018; CCAFS-CSV, 2020). Trong

khuôn khổ Chương trình, khái niệm LTM thích ứng với BĐKH được phát triển và đưa vào sử dụng ở các khu vực khác nhau trên thế giới, trong khi những người gặp khó khăn nhất liên quan đến khí hậu được chọn (Tây và Đông Phi, Mỹ La tinh, Nam và Đông Nam Á). Đây là Chương trình, nơi các bên liên quan khác nhau, gồm những nhà nghiên cứu, chính trị gia, nhà soạn thảo, cư dân địa phương hợp tác để tìm ra giải pháp thông minh, giúp nâng cao năng suất dựa trên điều kiện thực tiễn của địa phương. Chương trình đã thành công với việc xây dựng thành công hơn 30 LTM khí hậu trên toàn cầu.

Một ví dụ khác cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách triển khai khái niệm LTM là Dự án “Làng kỹ thuật số” của Đức, thực hiện từ năm 2015 - 2019, được tài trợ bởi Bộ Nội vụ và Thể thao vùng Rhineland- Palatinate với tổng ngân sách khoảng 4,5 triệu euro. Phần lớn người dân ở Đức sống ở khu vực nông thôn (63,3%) (Hess et al, 2020), do đó, việc áp dụng

chiến lược thông minh cho phát triển nông thôn phù hợp với mục tiêu phát triển chung của đất nước. Đi đầu trong Dự án là sự chuyển đổi kỹ thuật số của ba cộng đồng được lựa chọn: Eisenberg, Gollheim, Beztdorf-Gabhardshain, với mục tiêu khuyến khích sự đổi mới, hợp tác (cư dân - chính quyền địa phương - ngành công nghiệp địa phương) và các giải pháp liên ngành, bền vững. Dự án nhận được sự ủng hộ của dân làng khi nhận ra nhu cầu của người dân là điểm khởi đầu; sự tham gia thường trực là rất quan trọng.

Các mô hình LTM trên thế giới cho thấy, nếu chúng ta bắt đầu xây dựng LTM theo phong cách Việt Nam từ bây giờ thì khoảng cách sẽ dần thu hẹp, đời sống người dân vùng nông thôn ngày càng được nâng cao.

THỰC TIỄN ÁP DỤNG TẠI VIỆT NAM TẠI VIỆT NAM

Xây dựng LTM góp phần hiện đại hóa nông thôn là nội dung mới nên chưa được nghiên cứu một cách toàn diện ở Việt Nam. Việc ứng dụng công

NHÌN RA THẾ GIỚI

nghệ cao, kỹ thuật số, nông nghiệp 4.0, công nghệ thông minh nhân tạo, hệ thống cơ sở dữ liệu lớn là những khởi đầu cần được áp dụng trong mô hình xây dựng LTM, xã kết nối hiện nay. Do đó, cần có nghiên cứu về LTM và kiểm chứng mô hình làng vận hành thông minh dựa trên nền tảng các tiêu chí nông thôn mới (NTM) đã đạt được, kết hợp với ứng dụng của công nghệ số (CNS) trên các mặt: Kinh tế - xã hội, môi trường và hành chính công quy mô cấp xã. Trong đó, đặt người dân ở vị trí trung tâm, nhằm phát huy tính năng ưu việt của CNS, góp phần gia tăng năng suất lao động, thu nhập, an sinh xã hội, BVMT sinh thái.

Xuất phát từ con người, lấy con người là đối tượng phục vụ, xây dựng kết nối trực tiếp, tiết kiệm, đầy đủ nhất có thể, theo đó, LTM sẽ bao gồm 3 hợp phần: Thiết chế thông minh, con người thông minh (được đào tạo, chuyên nghiệp) và công nghệ thông minh (dễ sử dụng, tiện ích). Thiết chế thông minh là hệ thống các cơ quan quyền lực đại diện cho cộng đồng, đảm bảo đáp ứng những nhu cầu khác nhau của cộng đồng và cá nhân dựa trên hạ tầng NTM đã đạt được trong thời gian qua về điện, đường, trường, trạm; sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền; thể chế về tổ chức, hoạt động của chính quyền cũng như quyền hiến định của người dân trong đời sống và sản xuất. Từ nền tảng này, ứng dụng công cụ CNS để làm mềm hóa, linh hoạt hóa, kịp thời hóa tác vụ điều hành của chính quyền và tương tác giữa người dân - chính quyền (ứng dụng tiếp dân, đối thoại trực tuyến với dân, họp trực tuyến cấp xã/thôn, khảo sát/lấy ý kiến người dân về chính sách, việc làm của chính quyền…). Con người thông minh là sự đổi mới tư duy, bồi dưỡng kiến thức, thay đổi cách tiếp cận, giải quyết vấn đề đối với công việc của cán bộ; hoạt động sản xuất kinh doanh, nếp sinh hoạt của người dân khi ứng dụng CNS, công nghệ sinh học trong nông nghiệp. Còn công nghệ thông minh là công nghệ mà mọi người ở trình độ khác nhau đều có thể sử dụng, khai thác. Đây là yêu cầu bắt buộc để giúp cho người dùng (người dân, cán bộ, đối tượng khác…) có thể ứng dụng công nghệ mới vào thực tiễn.

Với 100% xã đạt chuẩn NTM, 3/7 đơn vị cấp huyện, thị xã đạt chuẩn NTM, Bình

Dương là một trong những tỉnh đi đầu trong phong trào xây dựng NTM của cả nước. Hướng đến xây dựng mô hình NTM nâng cao, kiểu mẫu, ngày 22/1/2020, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch số 09/KH-UBND về việc thực hiện Đề án Thành phố thông minh Bình Dương năm 2020, trong đó chọn xã Bạch Đằng (thị xã Tân Uyên) triển khai thực hiện thí điểm xây dựng LTM. Đây là một trong những xã NTM đầu tiên của cả nước được chọn thí điểm xây dựng LTM giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu nhằm gắn kết thành tựu công nghệ với nội dung xây dựng NTM để làm bật các nhóm vấn đề trọng tâm. Cuối năm 2013, Bạch Đằng đạt 19/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về NTM và xã đang tiến hành lập hồ sơ xét công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, hướng đến triển khai xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Với điều kiện đặc thù là xã cù lao, bao bọc bởi sông Đồng Nai, tiếp giáp các khu đô thị, khu công nghiệp, song vẫn lưu giữ giá trị bản sắc truyền thống của nông thôn, Bạch Đằng có diện tích tự nhiên 1.078,60 ha, dân số 7.336 người (năm 2019). Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn xã được đầu tư đồng bộ; 100% hộ dân có điện sinh hoạt, nhà ở kiên cố, mạng viễn thông và hệ thống truyền thanh; 3/3 trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% đường giao thông được nhựa hóa, các tuyến đường trục chính được lắp đặt hệ thống chiếu sáng; thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/người/năm.

Trên cơ sở đó, Bạch Đằng đã được chọn làm địa điểm thí điểm xây dựng NTM thông minh, dựa vào Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu, khu dân cư

kiểu mẫu, vườn mẫu ban hành tại Quyết định số 3499/ QĐ-UBND ngày 27/11/2019 của UBND tỉnh, gắn kết các thành tựu công nghệ với nội dung xây dựng NTM để làm bật 5 nhóm vấn đề trọng tâm: Hạ tầng, sản xuất, quản lý nhà nước, sự tham gia của cộng đồng dân cư và thông tin truyền thông. Từ việc định hướng được khái niệm và cách tiếp cận LTM cho xã Bạch Đằng sẽ tạo tiền đề hướng đến xây dựng xã NTM thông minh trong thời gian tới.

Việc triển khai xây dựng LTM là đáp ứng xu thế toàn cầu, tuy nhiên, cần làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn đề xuất được mô hình LTM phù hợp với điều kiện Việt Nam trong thời kỳ hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và hệ sinh thái số theo chiều sâu giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, xây dựng bộ tiêu chí LTM trên cơ sở các tiêu chí NTM nâng cao, tiêu chí bổ sung phù hợp về tính chất thông minh, kết nối phù hợp với thời đại kinh tế số. Cùng với đó, thí điểm thực tế thành công LTM tại một số địa phương đại diện cho các vùng kinh tế, sinh thái lựa chọn trong số xã đạt đủ tiêu chí NTM để đánh giá hiệu quả, tồn tại, hạn chế làm bài học kinh nghiệm. Đặc biệt, nâng cao năng lực ứng dụng CNS cho chính quyền, người dân thông qua đào tạo, tập huấn, chuyển giao mô hình, ứng dụng thực tế cũng như đánh giá được hiện trạng hạ tầng, khả năng ứng dụng CNS của cộng đồng dân cư nông thôn và chính quyền tại một số xã đạt chuẩn NTM. Từ đó, tổng kết làm cơ sở lý luận thực tiễn, đề xuất giải pháp áp dụng cũng như nhân rộng LTM phù hợp cho các vùng và trên phạm vi toàn quốcn

Một phần của tài liệu Tap chi Moi truong full_51f68334 (Trang 64 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(69 trang)