Bể nước trang trí

Một phần của tài liệu Bài giảng Quy hoạch cảnh quan (Trang 47 - 48)

4. Bố cục tạo hình và trang trí các yếu tố tạo cảnh trong quy hoạch cảnh quan

4.2.3. Bể nước trang trí

Bể nước trang trí thường được bố trí trên đường phố, quảng trường, sân trong trong các trung tâm thương nghiệp, công cộng nhằm tô điểm thêm cảnh quan đô thị và cải thiện vi khí hậu khu vực cũng như có tác dụng giáo dục thẩm mỹ cho nhân dân. Đôi khi, bể nước trang trí cũng làm nhiệm vụ trung tâm bố cục (trường hợp không gian nhỏ như các sân nghỉ, quảng trường quy mô nhỏ, vườn hoa... ).

Thông thường bể nước trang trí có hai loại: bể nước động (có vòi phun) và bể nước tĩnh (lặng).

a. Bể nước tĩnh

Bể nước tĩnh thường có hai dạng: bể nước tĩnh kết hợp với các yếu tố tạo cảnh khác (non bộ, cây dưới nước: sen, súng) và bể nước tĩnh thuần tuý (không có sự kết hợp với các yếu tố khác).

- Bể nước có trang trí non bộ và thả cây, thường được bố trí trong sân nhà ở và một số công trình cổ làm nhiệm vụ trung tâm bố cục. Do đó kích thước bể thường không lớn lắm.

- Bể nước tĩnh thuần tuý thường làm nhiệm vụ soi bóng các yếu tố phong cảnh là chính.

b. Bể nước động

Bể nước động có tính trang trí cao nhờ sự sinh động của nó. Vì vậy bể nước động thường được dùng để tô điểm cho các quần thể kiến trúc cảnh quan đô thị, nhất là những đô thị tập trung đông người.

- Bể nước động là một trong những thành phần bố cục chính trong bố cục chung của quần thể kiến trúc trên các quảng trường đô thị, các trung tâm thương nghiệp hay các khu vực công cộng khác.

- Để tăng cường giá trị trang trí, có thể kết hợp mặt nước với các vật liệu trang trí bằng đá, thép, thuỷ tinh tạo màu sắc góp phần làm tăng vẻ đẹp, đặc biệt có giá trị về ban đêm.

- Bể nước động hiện nay đang được sử dụng trong các công trình kiến trúc độc lập với tư cách là những chi tiết bố cục của toà nhà chính.

- Các bể nước động bố trí trên quảng trường, trước cổng công viên và trên sân trung tâm công viên thường được sử dụng làm trung tâm bố cục. Để đạt được điều đó, bể nước động cũng thường có quy mô lớn, tạo dáng đẹp mắt.

- Trong các vùng chức năng riêng biệt của công viên, sân trong, vườn nhỏ cũng có thể sử dụng bể nước động làm trung tâm bố cục. Trong các trường hợp này bể nước động thường có quy mô bé, hình dạng tự nhiên, nước phun nhẹ.

4.3. Cây xanh

Cây xanh là một trong những đặc trưng không thể thiếu trong kiến trúc cảnh quan, khác với những loại hình khác như điêu khắc, hội hoạ và các loại hình kiến trúc khác.

Cây xanh ở vùng ngoại đô thường ở những mảng rộng, cảnh quan lớn nên có dạng tự nhiên. Trong đô thị, để tổ hợp với khu xây dựng, thực vật thường ở dạng cây trồng theo mảng, rừng nhỏ, khóm cây, cây độc lập... , hình thức cây có thể ở dạng tự nhiên hay tạo dáng nhất định.

Để sử dụng tối đa giá trị nghệ thuật và các tính chất khác của cây xanh cần nghiên cứu việc chọn loại cây và nguyên tắc phối kết cây xanh.

Một phần của tài liệu Bài giảng Quy hoạch cảnh quan (Trang 47 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(55 trang)