4. Bố cục tạo hình và trang trí các yếu tố tạo cảnh trong quy hoạch cảnh quan
4.5. Các tác phẩm nghệ thuật trang trí
Nghệ thuật trang trí chiếm một vị trí quan trọng trong cảnh quan do có sức khái quát lớn về nội dung và phong phú trong hình thức biểu đạt, góp phần cùng với các yếu tố khác của kiến trúc cảnh quan tạo nên môi trường không gian đáp ứng nhu cầu sinh hoạt vật chất, tinh thần và văn hoá của nhân dân.
Có thể phân loại trên cơ sở mức độ tiếp xúc với con người của các tác phẩm tạo hình theo ba nhóm sau đây:
- Nhóm sử dụng định kỳ bao gồm các đài kỷ niệm, các quần thể tưởng niệm lịch sử cách mạng, các đài liệt sĩ, tượng đài những nhà hoạt động văn hoá, hoạt động cách mạng...
- Nhóm sử dụng hàng ngày bao gồm các tác phẩm nghệ thuật trang trí thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày trong quá trình làm việc, nghỉ ngơi, giải trí... (panô, biển quảng cáo, phù điêu, tượng trang trí trên sân... )
- Nhóm sử dụng đột xuất bao gồm các panô, áp phích bài trí trong những ngày lễ tết trên các đường phố, quảng trường, sân các công trình công cộng với mục đích cổ động, thông tin nhanh, ngắn ngày.
Để phát huy được vai trò của nghệ thuật trang trí trong cảnh quan, khi xác định địa điểm xây dựng cần phải tuân theo những nguyên tắc cơ bản sau đây:
- Tượng đài, các quần thể tưởng niệm phải được bố trí ở các quảng trường trung tâm, ở vườn – công viên mới bảo đảm bao quát được từ mọi phía.
- Các sự kiện lịch sử cần phải được xác định chuẩn xác vị trí, nơi xảy ra sự kiện ấy trong mặt bằng thành phố để xây dựng biểu tượng (đài tưởng niệm).
- Vị trí xây dựng tượng đài và biểu tượng phải là nơi thường xuyên tiếp xúc với nhân dân nhằm đạt hiệu quả giáo dục cao và có tính phổ cập.
- Trường hợp trong cảnh quan đô thị có đồi núi thì chính những hình dạng địa hình đó sẽ là điều kiện tốt để gợi ý bố cục quần thể tưởng niệm. Thiên nhiên, kiến trúc và tượng đài phải tạo thành một khối thống nhất trong quy hoạch cảnh quan.