4. Bố cục tạo hình và trang trí các yếu tố tạo cảnh trong quy hoạch cảnh quan
4.3.1. Phân loại cây cỏ hoa
Cây cỏ hoa có rất nhiều loại, được các nhà thực vật học phân thành cây họ dầu, cây họ dẻ, cây thân gỗ, cây thân thảo... ở đây, với mục đích sử dụng trong nghệ thuật bố cục, cây được phân theo hình khối, dáng dấp, độ cao và màu sắc.
a. Phân loại cây theo hình khối, dáng dấp:
+ Phân biệt theo hình thức cây (một thân, hai thân, nhiều thân hay không có thân),
+ Tiến trình sinh trưởng và phát triển theo mùa, tính chất tán cây (đặc rỗng, thưa thoáng),
+ Hình dáng tán (tán tròn, tán nấm, tán phân tầng, tán rủ, tán chùm, tán tự do...),
+ Hình thức lá (lá kim, lá bản).
b. Phân loại cây theo độ cao: độ cao của cây ảnh hưởng đến sự phối kết cây xanh cũng như việc lưạ chọn cây phù hợp với tính chất sử dụng (cây cao che mát trên hè phố, cây thấp che bụi, chống ồn... ). Thông thường cây được chia theo các nhóm độ cao như sau:
+ Dưới 1m: cúc ngũ sắc, tai tượng, tóc tiên...
+ Từ 5 – 10m: mai, cau bụng, phật bà, mai vàng, bưởi, hồng xiêm, móng bò tím...
+ Từ 10 – 15m: bạch đàn liễu, bạch đàn đỏ, bàng lang nước, muồng hoa đào...
+ Từ 15 – 20m: sanh, gạo, xà cừ...
+ Trên 20m: chò chỉ, long não, thông đuôi ngựa...
c. Phân loại cây theo màu sắc hoa: các loài hoa và màu sắc hoa ở nước ta rất phong phú, đa dạng:
+ Có loài cây tỷ lệ hoa nở chiếm phần lớn khối cây (đào, mai, hồng... ), có loài giữa hoa và lá không có sự phân biệt lớn (cây hoa sữa... )
+ Màu sắc hoa rất phong phú: đỏ, vàng, trắng, tím, hỗn hợp màu. Cấu trúc cánh hoa cũng rất đa dạng.
Tất cả những đặc điểm trên của phân loại cây cỏ hoa đều có ảnh hưởng rất lớn tới việc phối kết tạo cảnh trong quy hoạch cảnh quan.