1. Những đặc điểm cần xem xét khi tổ chức GDTTMT vùng ven biển. biển.
* Vùng ven biển là nơi năng động kinh tế, tài nguyên thường bị tranh chấp cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau. Đây gần như là một xã hội thu nhỏ với sự có mặt của gần như đủ các ngành kinh tế: Công nghiệp, nông nghiệp, giao thông thủy bộ, du lịch, ngư nghiệp (đánh bắt, nuôi trồng, chế biến), an ninh, quốc phòng… Vùng ven biển vừa có nông thôn, đô thị, và các điểm du lịch. Vì thế, cộng đồng dân cư rất đa dạng, đòi hỏi bước phân tích đối tượng truyền thông phải chi tiết.
* Vùng ven biển là nơi tương tác giữa nhiều quá trình động lực môi trường: Nước, khí, đất và con người, trong đó, tương tác biển – lục địa là quá trình cơ bản. Các thành tạo tự nhiên – sản phẩm của quá trình tương tác biển – lục địa như cửa sông, cồn cát, bãi biển, rừng ngập mặn, rạn san hô, vũng vịnh… có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho các hệ sinh thái ven bờ. Việc duy trì các “van” an toàn nàyphải là chìa khóa của các chương trình, kế hoạch GDTTMT.
* Các cộng đồng ngư dân ven biển là một đối tượng giáo dục truyền thông đặc biệt vì lối sống, văn hóa, ngôn ngữ của họ không giống cộng đồng dân cư làm nông dân, công nghiệp và du lịch. Khi phân tích đối tượng và mục tiêu truyền thông cần chú ý đến cộng đồng ngư dân. Hoạt động ngư nghiệp là một hoạt động đặc thù về nhiều mặt, như phân công lao động theo giới, mùa vụ đánh bắt. Các làng chài ven biển cũng thường đông đúc, chật chội, tốc độ tăng dân số tự nhiên cao, mặt bằng dân trí thấp hơn các cộng đồng khác, nhiều vấn đề môi trường khó giải quyết.
* Một nhóm ngư dân đặc biệt không có chỗ ở cố định, là dân sống du cư trên sông nước. Nhóm dân cư này có lối sống tách biệt so với nhóm dân cư sống trên đất liền về nhiều mặt.
* Bão, nước dâng do bão, triều cường, nhiễm mặn, ô nhiễm biển, cát bay… là các tai biến môi trường thường gặp. Những dịch bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường hay gặp là tiêu chảy, lị trực trùng, bệnh ngoài da, và phần lớn liên quan đến ô nhiễm nước.
2. Những gợi ý để lựa chọn phƣơng pháp GDTTMT vùng ven biển.
Do sự phức tạp, đa dạng của cộng đồng và hoạt động kinh tế vùng ven biển nên rất khó tổ chức một chương trình giáo dục, một chiến dịch truyền thông phù hợp tối đa về nội dung và phương pháp với tất cả các cộng đồng ven bờ biển. Tùy theo mục tiêu nhằm vào những cộng đồng nào để lựa chọn phương pháp phù hợp.
* Đối với các cộng đồng định cư trên mặt đất, có thể sử dụng các phương pháp truyền thông đặc thù cho nông dân hay đô thị tùy theo đối tượng.
* Đối với cộng đồng trên thuyền, tốt nhất là tổ chức các tàu/thuyền truyền thông. Ngôn ngữ, thông điệp, áp phích, các hoạt động tham gia của cộng đồng cũng phải được soạn thảo phù hợp với cộng đồng sống du cư trên sông nước.
* Cần gắn kết nội dung truyền thông môi trường với các hoạt động văn hóa truyền thống của người vùng biển như đua thuyền, lễ hội cầu ngư, lễ cúng các vị thần biển…
3. Gợi ý một số nội dung GDTTMT vùng ven biển.
* Bảo vệ nguồn lợi gắn với bảo vệ đa dạng sinh học: Bảo vệ rạn san hô, các bãi cá đẻ, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ chắn sóng, chắn cát, chắn gió, kiểm soát các hoạt động đánh bắt quá mức, các phương tiện đánh bắt hủy diệt, giới thiệu các mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững…
* Nước sạch và vệ sinh môi trường: Bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, quản lý phân rác thải…
* Vệ sinh an toàn thực phẩm: 10 lời khuyên vàng dành cho người tiêu dùng, 10 lời khuyên vàng dành cho người sản xuất – kinh doanh thực phẩm (theo tài liệu của Cục vệ sinh an toàn thực phẩm – Bộ Y Tế).
* Lồng ghép dân số và môi trường.
* Tai biến môi trường: Bão, nước dâng, xói lở biển, lụt cửa sông, tràn dầu, nhiễm mặn, cát bay…
* Sức ép môi trường từ các hoạt động du lịch biển.