3. Các đặc trưng văn hoá của tộc người Dao
1.2. Tộc người Tày
Tộc người Tày thuộc ngữ hệ Nam Á, xuất hiện vào thời đại đồ đồng thau, ở miền Bắc Việt Nam, được hình thành trên cơ sở những loại hình Anhđônêđiêng bản địa, tổ tiên trực tiếp của người Nam á hiện nay, trong đó có người Kinh, Mường, Tày, Thái....
Lịch sử của miền Nam Trung Quốc và miền núi Bắc Bộ Việt Nam là lịch sử của những đợt di cư của các tộc người thuộc các ngôn ngữ khác nhau. Kết quả của các đợt di cư rộng lớn từ thế kỉ III trước Công nguyên đến đời Tần Hán về sau đã làm cho các tộc người bản địa vùng này bị biến động, phải thiên di xuống phía nam hoặc phải dạt vào các miền rừng núi. Sự hỗn nhập nhân chủng và văn hoá qua các lần di cư đã làm thay đổi cục diện và đã thúc đẩy khối Tày - Thái cổ tách làm hai vào khoảng những thế kỉ trước, sau Công nguyên. Sự phân bố của khối Tày - Thái phía đông về cơ bản được ổn định vào đầu Công nguyên với ranh giới khu vực là miền núi rừng Đông Bắc (Việt Bắc) ngày nay.
Đây cũng chính là thời kì diễn ra quá trình hình thành nhà nước Văn Lang ở miền đất cổ Phong Châu. Các bộ lạc Tày - Thái cổ được coi như là một thành phần quan trọng trong sự liên minh bộ lạc lần thứ nhất. Sau thời Chiến Quốc (481 - 221 trước Công nguyên), nhà Tần thống nhất Trung Quốc và bành trướng xuống phương Nam. Nhà nước Văn Lang không thể đủ sức để chống lại sức mạnh của tư tưởng "bình thiên hạ" của nhà Tần. Một tình hình thực tế lúc bấy giờ là các bộ phận khác của Bách Việt đã bị Tần thôn tính đều ra nhập cộng đồng Hán tộc. Nhu cầu cấp bách chống ngoại xâm đã thúc đẩy sự liên minh lần thứ hai giữa các bộ tộc Tày - Thái cổ với các bộ tộc Lạc Việt để dựng lên nhà nước Âu Lạc trên cơ sở kế thừa và phát triển nhà nước Văn Lang.
Trong trường kì lịch sử chống giặc ngoại xâm dưới thời Bắc thuộc, liên minh bộ lạc giữa các tộc người chủ yếu sinh sống ở miền xuôi, miền trung du và đồng bằng châu thổ (Lạc Việt), với các tộc người chủ yếu sống ở miền rừng núi (Âu Việt) càng trở nên vững chắc. Sự thực lịch sử với nhiều sự kiện từ Hai Bà Trưng cho đến Nùng Trí Cao đã khẳng định một bước phát triển mới của các bộ tộc Tày - Thái cổ qua sự củng cố ý thức tộc người để vươn lên thành một cộng đồng lãnh thổ tộc người tự cường ở vùng phía bắc Việt Nam. Sau cuộc nổi dậy của Nùng Trí Cao thì lịch sử chung của tổ tiên các nhóm dân tộc Tày - Thái phía đông đã chấm dứt với sự hình thành dân tộc Choang ở Trung Quốc và sự hình thành dân tộc Tày ở Việt Nam. Chính vì thế mà học giả Đào Duy Anh đã nhận định "người Tày ở Việt Bắc nước ta ngày nay cũng cùng một tổ tiên với người Choang", "người Choang là thành phần quan trọng nhất của tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc ngày nay và người Tày là thành phần quan trọng nhất ở khu Việt Bắc nước ta ngày nay... người Choang, tức là người Tây Âu (một nhóm Bách Việt) vào miền Bắc Việt Nam thì thành các bộ lạc mà di huệ ngày nay là người Tày"
81 Nếu như, trong lịch sử xa xưa, có một bộ phận người Tày cổ đã cùng với các tộc người khác qua quá trình giao thoa, dung hợp văn hoá, nhân chủng đã hoà nhập với người Việt cổ để hình thành người Việt hiện đại, thì ngược lại, vào các giai đoạn lịch sử sau này, nhất là từ thế kỉ XIII – XVIII, người Việt lại trở thành một trong những nhân tố quan trọng góp phần tạo nên diện mạo tộc người Tày hiện đại. Trong nhiều thời điểm khác nhau của lịch sử, có một bộ phận người Tày được Việt hoá thì cũng không ít người Việt được Tày hoá. Trong suốt gần mười thế kỉ của quốc gia phong kiến tự chủ đã có khoảng nửa triệu người Kinh lên Việt Bắc, đã bị Tày - Nùng hoá.