Hai thuộc tính của hàng hoá

Một phần của tài liệu Bài giảng những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa mác lênin 2 (Trang 27 - 29)

I. điều kiện ra đời, đặc trưng và ưu thế của sản xuất hàng hoá

b,Hai thuộc tính của hàng hoá

Trong mỗi hình thái kinh tế - xã hội khác nhau, sản xuất hàng hoá có bản chất khác nhau, nhưng một vật phẩm sản xuất ra khi đã mang hình thái là hàng hoá thì đều có hai thuộc tính cơ bản là giá trị sử dụng và giá trị.

- Giá trị sử dụng

Với tư cách là giá trị sử dụng, hàng hoá trước hết "là một vật nhờ có nhũng thuộc tính của nó mà thoả mãn được một loại nhu cầu nào đó của con người"[1;61], không kể nhu cầu đó được thoả mãn một cách trực tiếp , nếu vật ấy là một tư liệu sinh hoạt, hay gián tiếp, nếu vật ấy là một tư liệu sản xuất.

Các Mác đã chỉ rõ: "Là những giá trị sử dụng, các hàng hoá khác nhau trước hết về chất …"[1;65]. Giá trị sử dụng của cơm là để ăn, của áo là để mặc, của máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu là để sản xuất… Và ngay mỗi một vật cũng có thể có nhiều thuộc tính tự nhiên khác nhau, do đó nó có nhiều giá trị sử dụng hay công dụng khác nhau gạo có thể dùng nấu cơm, nhưng gạo cũng có thể dùng làm nguyên liệu trong ngàh rượu, bia hay chế biến cồn y tế…

Số lượng giá trị sử dụng của một vật không phải ngay một lúc đã phát hiện ra được hết, mà nó được phát hiện dần dần trong quá trình phát triển của khoa học - kỹ thuật.

Giá trị sử dụng hay công dụng của hàng hoá là do thuộc tính tự nhiên của vật thể hàng hoá quyết định. Với ý nghĩa như vậy, giá trị sử dụng là một phạm trù vĩnh viễn.

Giá trị sử dụng chỉ thể hiện khi con người sử dụng hay tiêu dùng, nó là nội dung vật chất chủa của cải, không kể hình thức xã hội của của cải đó như thế nào. C. Mác chỉ rõ: Chỉ có trong việc sử dụng hay tiêu dùng, thì giá trị sử dụng mới được thể hiện.

Con người ở bất kỳ thời đại nào cũng đều cần đến các giá trị sử dụng khác nhau của vật phẩm để thoả mãn những nhu cầu muôn vẻ của mình. Do đó, Mác viết: "Giá trị sử dụng cấu thành cái nội dung vật chất của của cải, chẳng kể hình

thái xã hội của của cải đó như thế nào"[1;63].

Một vật, khi đã là hàng hoa sthì nhất thiết nó phải có giá trị sử dụng. Nhưng không phải bất cứ vật gì có giá trị sử dụng cũng đều là hàng hoá. Chẳng hạn, không khí rất cần cho cuộc sống con người, nhưng không phải là hàng hoá. Nước suối, quả dại cũng có giá trị sử dụng, nhưng không phải là hàng hoá. Như vậy, một vật muốn trở thành hàng hoá thì giá trị sử dụng của nó phải là vật được sản xuất ra để bán, để trao đổi, cũng có nghĩa là vật đó phải có giá trị trao đổi. Trong kinh tế hàng hoá, giá trị sử dụng là cái mang giá trị trao đổi.

- Giá trị hàng hoá

Muốn hiểu được giá trị hàng hoá phải đi từ giá trị trao đổi. Mác viết: "Giá trị trao đổi trước hết biểu hiện ra như là một quan hệ về số lượng, là một tỷ lệ theo đó những giá trị sử dụng loại này được trao đổi với những giá trị sử dụng loại khác"[1;63].

Ví dụ : 1 mét vải = 10 kg thóc

Vấn đề đặt ra là, tại sao vải và thóc là hai hàng hoá có giá trị sử dụng khác nhau lại có thể trao đổi được với nhau, hơn nữa chúng lại trao đổi với nhau theo một tỷ lệ nhất định?

Sở dĩ hai hàng hoá khác nhau là vải và thóc lại có thể trao đổi được với nhau, bởi vì giữa những hàng hoá khác nhau đó có một cái gì đó chung, cái chung đó không phải là vải, là thóc…, nhưng lại là cái mà cả vải, thóc… đều có thể quy về được. Các giá trị trao đổi khác nhau phải được quy thành cái chung đó, và mỗi giá trị trao đổi đều đại biểu cho một lượng nhiều hay ít của cái chung đó.

Vậy cái chung ấy phải chăng là giá trị sử dụng của hàng hoá

Mác viết : "Nét đặc trưng của quan hệ trao đổi hàng hoá chính lại là việc phải tạm gạt giá trị sử dụng của hàng hoá ra một bên"[1;65].

Nếu không phải là giá trị sử dụng, thì cái gì là chung cho mọi giá trị trao đổi?

Mác đã chỉ rõ: "Nếu gạt giá trị sử dụng của vật thể hàng hoá ra một bên, thì vật thể hàng hoá chỉ còn có một thuộc tính mà thôi, cụ thể là chúng là sản phẩm của lao động"[1;65].

Như vậy một khi không kể đến giá trị sử dụng của hàng hoá, có nghĩa nó không còn là vải, là thóc… hay là một vật có ích nào nữa, nó cũng không còn là sản phẩm lao động của người thợ dệt, người nông dân, hay là của bất cứ một lao động sản xuất cụ thể nào nữa, nó chỉ còn lại có tính chất của các thứ lao động khác nhau,đó là sự hao phí lao động của con người.

Rõ ràng, nếu bóc cái vỏ giá trị sử dụng, cũng như tính hữu ích của lao động ra, gạt bỏ cái vẻ bề ngoài tuỳ tiện ngẫu nhiên của giá trị trao đổi, thì ta sẽ thấy tất cả các hàng hoá đều giống nhau hoàn toàn, đều có một thực thể xã hội như nhau, đều là những vật kết tinh đồng nhất - đó là sức lao dộng của con người được tích luỹ lại. Nhờ có cơ sở chung đó mà các hàng hoá có thể trao đổi được với nhau. Vì vậy, người ta trao đổi hàng hoá cho nhau chẳng qua là trao đổi lao động của mình ẩn giấu trong những hàng hoá ấy. Chính lao động hao phí để tạo ra hàng hoá là cơ sở chung của việc trao đổi và nó tạo thành giá trị của hàng hoá.

Vậy, giá trị của hàng hoá là lao dộng xã hội của người sản xuất kết tinh trong hàng hoá, còn giá trị trao đổi chẳng qua chỉ là hình thái biểu hiện của giá

trị hàng hoá.

Nhưng cũng cần nhận thấy hao phí lao động của con người kết tinh trong sản phẩm không phải lúc nào cũng là giá trị. Trong các xã hội mà người ta sử dụng sức lao động làm ra sản phẩm để tự tiêu dùng cho bản thân và gia đình mình, thì sự hao phí lao động đó không có hình thái giá trị. Chỉ trong những xã hội người ta làm ra sản phẩm để trao đổi, thì hao phí lao động đó mới mang hình thái giá trị. Do đó, giá trị là một phạm trù mang tính lịch sử.

Đến đây ta nhận thức được, thuộc tính tự nhiên của hàng hoá là goá trị sử dụng, thuộc tính xã hội của hàng hoá là hao phí lao động kết tinh trong nó và là giá trị. Bất cứ một vật nào muốn trở thành hàng hoá đều phải có đủ hai thuộc tính: giá trị sử dụng và giá trị, nếu thiếu một trong hai thuộc tính đó, sản phẩm không thể là hàng hoá.

Một phần của tài liệu Bài giảng những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa mác lênin 2 (Trang 27 - 29)