II. quá trình sản xuất ra giá trị thặng dư trong xã hội tư bản
2. Bản chất của tư bản Sự phân chia tư bản thành tư bản bất biến và tư bản khả biến
tư bản khả biến
tư bản khả biến
Muốn tiến hành sản xuất, nhà tư bản phải ứng tư bản ra để mua tư liệu sản xuất và sức lao động, tức là biến tư bản tiền tệ thành các yếu tố của quá trình sản xuất, thành các hình thức tồn tại khác nhau của tư bản sản xuất. Vậy các bộ phận khác nhau của tư bản có vai trò như thế nào trong quá trình sản xuất giá trị thặng dư?
Trước hết, xét bộ phận tư bản tồn tại dưới hình thức tư liệu sản xuất. Tư liệu sản xuất có nhiều loại, có loại được sử dụng toàn bộ trong quá trình sản xuất, nhưng chỉ hao mòn dần, do đó chuyển dần từng phần giá trị của nó vào sản phẩm như máy móc, thiết bị, nhà xưởng..., có loại khi đưa vào sản xuất thì chuyển toàn bộ giá trị của nó trong một chu kỳ sản xuất như nguyên liệu. Song, giá trị của bất kỳ tư liệu sản xuất nào cũng đều nhờ có lao động cụ thể của công nhân mà được bảo toàn và di chuyển vào sản phẩm, nên giá trị đó không thể lớn hơn giá tị tư liệu sản xuất đã bị tiêu dùng để sản xuất ra sản phẩm. Cái bị tiêu dùng của tư liệu sản xuất là giá trị sử dụng, kết quả của việc tiêu dùng đó là tạo ra một giá trị sử dụng mới. Giá trị tư liệu sản xuất được bảo toàn dưới dạng giá trị sử dụng mới chứ không phải là được sản xuất ra.
Bộ phận tư bản biến thành tư liệu sản xuất mà giá trị được bảo toàn và chuyển vào sản phẩm, tức là không thay đổi về lượng giá trị của nó,được C.Mác gọi là tư bản bất biến, và ký hiệu là C.
Bộ phận tư bản dùng để mua sức lao động thì lại khác. Một mặt, giá trị của nó biến thành các tư liệu sinh hoạt của người công nhân và biến đi trong tiêu dùng của công nhân. Mặt khác, trong quá trình lao động, bằng lao động trừu tượng, công nhân tạo ra giá trị mới lớn hơn giá trị của bản thân sức lao động, nó bằng giá trị sức lao động cộng với giá trị thặng dư. Như vậy, bộ phận tư bản dùng để mua sức lao động đã không ngừng chuyển hóa từ đại lượng bất biến thành một đại lượng khả biến, tức là đã tăng lên về lượng trong quá trình sản xuất.
Bộ phận tư bản biến thành sức lao động không tái hiện ra, nhưng thông qua lao động trừu tượng của công nhân làm thuê mà tăng lên, tức là biến đổi về lượng,được C.Mác gọi là tư bản khả biến, và ký hiệu là V.