1.4.2.1. Chủ thể quản lý
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Với vai trò là lực lượng nòng cốt, chủ công trong đảm bảo tự an toàn giao thông đường bộ, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Bộ Công an, trong những năm qua, lực lượng cảnh sát giao thông đã cố gắng, nỗ lực phối hợp với ngành Giao thông vận tải tổ chức thực hiện nhiều nội dung, biện pháp công tác đảm bảo tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn toàn quốc.
Bên cạnh đó, ở một số địa phương, cấp ủy, thủ trưởng công an chưa quan tâm chỉ đạo đúng mức đến công tác của lực lượng cảnh sát giao thông, nhất là công tác quản lý, giáo dục, tạo điều kiện nâng cao phẩm chất, năng lực của cán bộ, chiến sĩ; công tác chấp hành, điều hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của lực lượng cảnh sát giao thông chưa đáp ứng được đòi hỏi của tình hình; sự giúp đỡ, phối hợp của các cấp, các ngành, các đoàn thể với lực lượng cảnh sát giao thông chưa chặt chẽ, nhiều nơi, nhiều lúc chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ, tâm lý ỷ lại vẫn tồn tại; trong khi đó, một bộ phận cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, nhận mãi lộ, tiêu cực, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, vi phạm quy trình, quy chế, kỷ luật công tác, cá biệt, một số trường hợp còn vi phạm pháp luật.
Chính những hạn chế, yếu kém trên đã làm suy giảm những ấn tượng tốt đẹp về người chiến sỹ cảnh sát giao thông “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” trong lòng nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, truyền thống của công an nhân dân và làm giảm đáng kể vai trò của lực lượng cảnh sát giao thông đối với nhiệm vụđảm bảo trật tự an toàn giao thông.
1.4.2.2. Chủ thể tham gia giao thông
Trước đây đường xấu, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông là điều dễ hiểu, đổ trách nhiệm cho cầu đường. Nhưng hiện nay nhiều tuyến đường tốt, rộng rãi và hiện đại, vậy tại sao tai nạn giao thông vẫn gia tăng khủng khiếp đơn giản là do người điều khiển phương tiện giao thông chủ quan, xem thường luật lệ giao thông.
Nguyên nhân gia tăng tai nạn và ùn tắc giao thông là do sự "bùng nổ" của phương tiện cơ giới, dẫn đến sự bất cập về cơ sở hạ tầng, về năng lực quản lý và tổ chức giao thông, về ý thức của người tham gia giao thông. Đặc biệt là ý thức của người dân khi tham gia giao thông, chỉ cần trực tiếp tham gia giao thông trong vài giờ đồng hồ, bất kỳ ai cũng có thể nhận thấy sự “thiếu văn hóa” của người tham gia giao thông. Các phương tiện tham gia giao thông trên đường như một bầy ong vỡ tổ mạnh ai nấy đi, không phân biệt làn đường, vạch phân làn, vượt xe khác chẳng theo bất kỳ một quy định nào. Tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều, đường cấm, bấm còi inh ỏi diễn ra như chuyện thường ngày ở bất cứ nơi đâu, đặc biệt tại những nơi không có cảnh sát giao thông. Thậm chí có nhiều người còn cho rằng tâm lý đối phó đã ngấm vào máu và rất khó để từ bỏ đối với đại bộ phận người tham gia giao thông. Thực tế, trong những năm gần đây, tình hình trật tự an toàn giao thông diễn biến khó lường, mặc dù Chính phủ, các cơ quan chức năng đã áp dụng rất nhiều biện pháp kiềm chế tai nạn giao thông, nhưng chưa mang lại hiệu quả rõ rệt.
Công an giao thông có cố gắng đến đâu thì cũng chỉ là muối bỏ bể, khi ý thức của một số người tham gia giao thông tỷ lệ nghịch với lưu lượng xe ngày một tăng. Ðể nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, ngay từ bây giờ phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về pháp luật và đặc biệt là văn hóa giao thông, nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hóa, coi việc
tự giác tuân thủ pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đức truyền thống và là biểu hiện văn minh của người tham gia giao thông, bao gồm cả việc khắc phục bất cập về cơ sở hạ tầng và hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông.