7. Bố cục của luận án
1.2.2. Nghiên cứu ảnh hưởng của triết lý Phật giáo trong văn học Việt Nam
1.2.2.1. Nghiên cứu ảnh hưởng của triết lý Phật giáo trong văn học Việt
Nam trước 1945
Bên cạnh những nghiên cứu về văn học Phật giáo, nhiều nhà nghiên cứu
văn học sử đã chỉ ra ảnh hưởng của Phật giáo đến văn học Việt Nam nói chung,
từ văn học dân gian/truyền miệng đến văn học viết. Cuốn Ca dao tục ngữ Phật
giáo Việt Nam do Lệ Như Thích Trung Hậu sưu tập có nhận định: “Nhiều câu ca
dao tục ngữ nói đến Phật, đến Pháp, đến chư Tăng; nhiều câu có nhắc đến thuật ngữ Phật giáo như: nhân duyên, quả báo, công đức, thiện ác, hiếu thảo, hào quang, chân lý... và nhiều câu xem ra chỉ phản ánh cái quan niệm thiện ác thông thường thậm chí nhiều câu diễn giải chưa đúng mức về Phật giáo cũng được xem là liên hệ với Phật giáo” [58; tr. 9]. Cao Huy Thuần khi đọc cuốn này cũng nhận xét: “Những khái niệm hoặc ngôn ngữ như: phước, đức, tội, nghiệp, phận, số,
kiếp...; hoặc những hình ảnh, âm thanh, như: chùa, tượng, hương đèn, hoa sen, chuông mõ... nằm trong rất nhiều thề thốt, ví von, hẹn hò, trách móc” [58; tr.13].
Trong nghiên cứu văn học trung đại, các công trình nghiên cứu ảnh hưởng Phật giáo tiêu biểu có thể kể như: Ảnh hưởng của Phật giáo trong văn học cổ điển Việt Nam (Hán - Nôm) [106], “Ảnh hưởng của Phật giáo trong truyện Nôm
Quan Âm Thị Kính” (Đinh Thị Khang)... Cuốn Ảnh hưởng của Phật giáo trong văn học cổ điển Việt Nam (Hán - Nôm) đúng như tên gọi của nó là những khảo cứu, những luận cứu, luận chứng bước đầu vềảnh hưởng của Phật giáo đối với các tác giảtrong văn học Cổđiển Việt Nam (bao gồm cảvăn học chữHán và văn học chữ Nôm) từđầu thế kỷXV đến cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.Nghiên cứu của tác giảĐinh ThịKhang đã chỉ ra những dấu ấn Phật giáo trong truyện Nôm Quan
Âm Thị Kính trên các phương diện ngôn ngữ tác phẩm, sự thể hiện hình tượng nhân vật và lí giải số phận nhân vật. Nói về số phận nhân vật chính của tác phẩm, nhà nghiên cứu cho rằng: “Kết cục cuộc đời Thị Kính là kết cục cuộc đời một con
người “kiên trì cầu đạo”, nhẫn nhục chịu đựng, tự giác đi tìm và đã tìm thấy lối thoát cho cuộc đời mình theo con đường của Phật giáo” [150; tr. 326].
Có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra ảnh hưởng Phật giáo trong Truyện Kiều
của Nguyễn Du, chẳng hạn: Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (Phạm Thế Ngũ), Giá trị triết học tôn giáo trong Truyện Kiều” (Thích Thiên Ân), “Bóng trăng thiền với Nguyễn Du” (Nguyễn Đăng Thục), “Nguyễn Du trên con đường trở về của Phật giáo” (Chơn Hạnh)... Trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Phạm Thế Ngũ dành hẳn một chương để nghiên cứu về Nguyễn Du và
Truyện Kiều. Về nhân vật Thúy Kiều, tác giả viết: “Kiều phải đày đọa vào kiếp
đoạn trường không phải chỉ vì tài mệnh tương đố mà cũng bởi cái nghiệp của nàng đã hình thành từ kiếp trước” [112; tr. 365]. Gần đây, một số nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục quan tâm vấn đề này, tiêu biểu là: “Nguyễn Du với triết lý tài mệnh
tương đố và nỗi cô đơn của những kiếp tài hoa” (Đoàn Thị Thu Vân), “Nguyễn
Du và Truyện Kiều trong tiếp nhận của phê bình văn học ở miền Nam 1954- 1975” (Trần Hoài Anh)... Trong bài viết của Đoàn Thị Thu Vân có đoạn: “Nguyễn Du đã lý giải quy luật tài mệnh tương đố này bằng khái niệm “nghiệp”
của nhà Phật: “Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”. (...) Và nhà thơ đã nêu ra cách giải quyết: dùng tâm thiện để hóa giải “nghiệp”, hóa giải quy luật tài mệnh tương đố: “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Thúy Kiều với thiện căn của mình, cuối cùng đã thoát khỏi cuộc trầm luân” [118; tr. 319].
Tiếp theo những nghiên cứu vềảnh hưởng Phật giáo vào văn học dân gian
và văn học trung đại, nhiều nghiên cứu vềảnh hưởng Phật giáo đến văn học hiện
đại trước 1945, nhất là các tác giả trong Phong trào thơ mới đã được công bố:
“Biểu tượng Phật giáo trong thơ Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên” (Thái Phan Vàng Anh), “Tâm thức Phật giáo qua thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê
trong trường thơ Loạn” (Trần Hoài Anh), “Mối duyên thiền trong thơ Bàn thành
tứ hữu” (Lê Từ Hiển) [119]...
1.2.2.2. Nghiên cứu ảnh hưởng của triết lý Phật giáo trong văn học Việt Nam từ1945 đến nay
Cho đến thời điểm này, chúng tôi nhận thấy các công trình khoa học mang tính chuyên sâu nghiên cứu về sự ảnh hưởng một cách liên tục của triết lý Phật
giáo đến thơ Việt Nam từ1945 đến nay là chưa có.
Trong giáo trình của các trường đại học, các tác giả, tác phẩm trong phạm vi khảo sát của luận án ít được nhắc tới, nếu có cũng chủ yếu được coi như những tiểu thành tố cấu thành văn học hiện đại. Ảnh hưởng của triết lý Phật giáo trong văn học Việt Nam từ 1945 đến nay chủ yếu được khảo sát trong những tiểu luận, phê bình, nghiên cứu văn học.
Giai đoạn từ 1945 đến 1975, các nghiên cứu này chủ yếu xuất hiện ở miền Nam. Chẳng hạn: “Ảnh hưởng của Phật giáo trong thi ca Việt Nam” của Phạm Xuân Sanh (Đại học, số 9, 1959), “Đạo Phật với Văn học và Nghệ thuật” của Thích Minh Châu (Tư tưởng, số 3, 5/1972), “Tinh thần Phật giáo trong văn học Việt Nam” của Thạch Trung Giả (Tư tưởng, số 3, 5/1973), “Sự thích ứng giữa tư tưởng Phật giáo với tinh thần dân tộc qua một sốtư liệu văn học” của Khiếu Đức Long (Tư tưởng, số 2, 6/7/1974)... Không chỉ ảnh hưởng vào sáng tác, tư tưởng
Phật giáo còn ảnh hưởng đến nghiên cứu, phê bình văn học. Khảo cứu đời sống
phê bình văn học ở đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975, nhà nghiên cứu Trần
Hoài Anh đã chỉ ra có một “Khuynh hướng phê bình ảnh hưởng tư tưởng Phật
giáo”. Tác giả viết: “Tư tưởng Phật giáo được vận dụng vào phê bình văn học là quan niệm triết học của Phật giáo như: nhân quả, luân hồi, tứ diệu đế, từ bi, duyên nghiệp... Và như vậy, tinh thần triết lý Phật giáo đã trở thành một hệ quy chiếu, một chuẩn thẩm mỹđểđánh giá tác phẩm văn học” [5; tr. 244-245].
Từ sau 1975, nhất là từ cuối thế kỷ XX, đầu XXI, những nghiên cứu về ảnh hưởng Phật giáo trong văn học xuất hiện nhiều hơn xuất phát từ thực tiễn sáng tác, nghiên cứu, phê bình phong phú, đa dạng hơn. Bên cạnh những ảnh hưởng trong thơ ca, nhiều tiểu thuyết cũng được chỉ ra có ảnh hưởng Phật giáo. Chẳng hạn gần đây nhiều người nói tới tiểu thuyết văn hóa - lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh: “Đội gạo lên chùa - một cách hiểu về Phật tính” (Nguyễn Thị Bình), “Khi tâm thức Phật giáo hòa vào tâm thức Việt” (Tôn Phương Lan), “Tâm thức Phật giáo trong Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh” (Phan Trần Thanh Tú) [35], “Cảm thức “vô úy” trong Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh”
(Lê Tú Anh - Nguyễn Thị Thanh Nga) [3]...
Riêng về thơ, trong các công trình nghiên cứu chuyên sâu như Thơ và mấy
vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại (Hà Minh Đức, 1998), Thơ trữ tình Việt Nam
1975 – 1990 (Lê Lưu Oanh, 1998), Về một đặc trưng thi pháp thơ Việt Nam (1945-1995) (Vũ Văn Sỹ, 1999), Tiến trình thơ hiện đại Việt Nam (Mã Giang Lân, 2000), Sự cách tân thơ văn Việt Nam hiện đại (Bùi Công Hùng, 2000), Thơ
Việt Nam tìm tòi và cách tân (1975-2000) (Nguyễn Việt Chiến, 2007), Thơ Việt
Nam hiện đại, tiến trình và hiện tượng (Nguyễn Đăng Điệp, 2014), Thơ Việt Nam
hiện đại - thi luận và chân dung (Hồ Thế Hà, 2018)... chúng tôi nhận thấy các tác giả, tác phẩm chịu ảnh hưởng triết lý Phật giáo thuộc phạm vi khảo sát của luận án hầu như ít được nhắc tới, nhất là đối với nhóm tác giả xuất gia. Những nhà thơ
thuộc nhóm tác giả tại gia ít nhiều được bàn đến như Vũ Hoàng Chương, Quách Tấn, Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư... nhưng không khai thác ở khía cạnh ảnh
hưởng triết lý Phật giáo trong thơ mà chủ yếu đánh giá thành tựu và đóng góp của họ cho văn học, nhất là trên phương diện nghệ thuật, thi pháp.
Trong cuốn Việt Nam nửa thế kỉ văn học (1945-1995) đáng chú ý có bài “Nửa thế kỷthơ Việt Nam (1945-1995) sự bừng sáng của cảm hứng dân tộc” của Phạm Tiến Duật. Bài viết đã thể hiện cách nhìn liên ngành của ông khi cho rằng
thơ có cái tôi hòa với cái ta rất gần với Phật giáo. Và Phạm Tiến Duật đã dẫn lời của Kinh Phật thủ lăng nghiêm, đoạn “Nếu mắt ngươi có như cánh sen xanh đặt trên mặt Phật thì khi ngươi mởra là ngươi nhìn vào thiên hạ, còn khi nhắm mắt lại, là ngươi nhìn vào chính thân thể ngươi vậy” [148; tr. 339-340], để đánh giá quan điểm hướng ngoại hay hướng nội cũng là lẽ tự nhiên của thơ.
Ở bài “Mạch thơ thiền trong lòng văn học dân tộc”, Võ Phước Lộc đã quan tâm khảo sát mạch thơ thiền Việt Nam từ thời Lý - Trần cho đến thời kỳ hiện đại và cho rằng:
Trong văn học Việt Nam hiện đại, mỹ cảm thơ thiền bàng bạc ẩn hiện trongThơ mới. (...). Mạch thơ có vị thiền hiện đại như vậy cũng chưa hề thiếu vắng trong thơ ca đương đại. Người ta cũng thấy sức sống lâu bền của thơ ca theo thiền. Nó là nhịp thơ sáng trong của hiểu biết từ tấm lòng hòa cảm. Ít ra điều ấy cũng mang đến sự giải tỏa tinh thần bị tập nhiễm bởi hối hả chạy theo lợi ích vật chất; vô cảm trước cái tiêu cực và cái ác... [88].
Qua cái nhìn bao quát, ông cũng băn khoăn về “tầm đón đợi” thơ thiền của độc giả đương đại. Theo Võ Phước Lộc, thơ thiền hiện đại vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức bởi “trường mỹ cảm đặc thù của nó”. Theo chúng tôi, băn khoăn đó là hoàn toàn có cơ sở.
Thái Tú Hạp trong bài “Tư tưởng Phật giáo trong thi ca Việt Nam” [54] đã kể tên nhiều thiền sư - thi sĩ nổi tiếng từ quá khứ đến hiện tại. Trong thi ca giai đoạn từ 1945 đến nay, ông cho rằng những ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng Phật giáo còn tìm thấy trong tác phẩm của Quách Tấn, Tuệ Sỹ, Phạm Công Thiện, Tuệ Mai, Bùi Giáng, Nhất Hạnh... và cả một số các tác giả thơ ngườiViệt đang ở hải ngoạinhư
Võ Phiến, Mai Thảo, Du Tử Lê, Minh Đức Hoài Trinh, Duy Lam, Nguyên Sa, Nghiêu Minh, Nguyễn Mạnh Trinh, Luân Hoán, Vi Khuê... Tác giả cũng phân tích một số tác phẩm của họ để chứng minh tư tưởng Phật học trong thơ với nội dung từ bi, vô ngã, yêu quê hương, yêu cái đẹp thanh tịnh trong sáng, cảm thông với mọi hoàn cảnh, ước mơ phụng hiến… nghệ thuật giàu tính biểu cảm.
Công trình chuyên luận và tuyển thơ Thơ Thiền Việt Nam những vấn đề lịch sử
và tư tưởng nghệ thuật (1998) củaNguyễn Phạm Hùng tuy tên gọi có vẻ bao quát về
cả tiến trình thơ Thiền Việt Nam nhưng thực tế tác giả mới dành sự quan tâm đến thơ Thiền thời trung đại, cụ thể là thơ Thiền thời Lý - Trần, thời Lê, Nguyễn.
Luận văn Thạc sĩ Phật học của Thích nữ Viên Giác với đề tài Tìm hiểu thơ
thiền Việt Nam hiện đại[43] đã điểm qua dòng chảy của thiền trong văn học Phật
giáo và trong thơ từ quá khứ đến hiện đại. Luận văn đã khảo sát được một số tác giả, tác phẩm chịu ảnh hưởng bởi Phật giáo nhưng phần lớn mới chỉ dừng lại ở nhóm tác giả xuất gia và một vài cư sĩ Phật tử như: Viên Minh, Nhất Hạnh, Như Huyễn Thiền Sư, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Mặc Giang, Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư... Luận văn bước đầu đã chỉ ra những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của thơ thiền thời kỳ hiện đại.
Như vậy có thể thấy đã có một mạch ảnh hưởng Phật giáo trong văn học Việt Nam, từ văn học dân gian đến văn học hiện đại. Chính vì thế, sự tiếp thu ảnh hưởng triết lí Phật giáo trong thơ Việt Nam từ 1945 đến nay là hoàn toàn có cơ sở, mà trước hết là tiếp nối truyền thống văn học dân tộc.