- Cơ quan THADS tỉnh Ninh Bình cần tích cực chủ động, tham mưu cho Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban Chỉ đạo THADS các cấp trong hoạt động THADS để đạt kết quả công tác cao hơn và từng bước xây dựng, phát triển Ngành lớn mạnh hơn. Quản lý và kiện toàn đội ngũ cán bộ ngành Thi hành án cả về số lượng, chất lượng trong toàn tỉnh. Chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động thi hành án; giáo dục nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức; thường xuyên bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ quản lý, cán bộ dự nguồn, cán bộ trẻ để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Tiếp tục củng cố bộ máy cơ quan THADS theo quy định. Đẩy mạnh hoạt động giám sát trong lĩnh vực THADS
của các cơ quan như: Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, Viện kiểm sát nhân dân các cấp. Tiếp tục kiện toàn mạnh mẽ Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp theo quy định pháp luật; phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo trong việc tham mưu cho Chủ tịch UBND cùng cấp quản lý công tác THADS.
- Cục THADS tỉnh cần quản lý tốt và sử dụng thường xuyên Website để tạo diễn đàn cho cán bộ, công chức Ngành và nhân dân trong tỉnh tìm hiểu, nắm thông tin về pháp luật THADS, trao đổi nghiệp vụ trong công tác THADS, nắm được tình hình hoạt động chung của cơ quan THADS để có đóng góp, phản ánh kịp thời. Đồng thời tiến hành xây dựng các tiêu chí cụ thể xác định việc có điều kiện và không có điều kiện thi hành, làm cơ sở để các cơ quan Thi hành án dân sự ở địa phương rà soát, xác minh, phân loại án, lập báo cáo, thống kê chính xác, tiến tới giải quyết dứt điểm vụ việc. Đối với những vụ việc không có khả năng thi hành thì đề nghị Bộ Tư pháp cho xóa hoặc không đưa vào số liệu thống kê.
- Cục THADS tỉnh phân công lãnh đạo, Chấp hành viên cấp tỉnh trực tiếp tổ chức thi hành án và theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ đối với các cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện. Thông qua thực tiễn công tác thi hành án dân sự tiến hành tổng kết, đánh giá về các lĩnh vực thường hay gặp khó khăn trong tổ chức thi hành để đề xuất với lãnh đạo tỉnh, Tổng cục, Bộ Tư pháp, với Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành giúp công tác thi hành án đạt hiệu quả cao. Cục THADS chỉ đạo cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện cùng các Chấp hành viên thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự, kết quả thi hành án theo quy định nhằm đưa công tác THADS đi vào nề nếp và hoạt động có chất lượng, hiệu quả. Các đơn vị thi hành án trong tỉnh Ninh Bình rà soát, đánh giá thực chất nguồn nhân lực hiện nay trong các cơ quan Thi hành án dân sự một cách có hệ thống. Trên cơ sở đánh giá chất lượng cán bộ công
chức, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức. Xem xét mỗi cán bộ công chức hiện đang cần phải đào tạo, bồi dưỡng gì thêm thì có kế hoạch cử đi học tập. Việc đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng phải được tiến hành thường xuyên, liên tục; đồng thời với công tác đào tạo bồi dưỡng thì vấn đề đặt ra là việc tự đào tạo của mỗi cán bộ công chức. Hiện các cơ quan Thi hành án dân sự toàn tỉnh đã kết nối mạng Internet, đây là một trong những nguồn kiến thức dồi dào do vậy mỗi công chức cần phải có tinh thần tự trau dồi kiến thức của mình nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác, cũng cần phải xác định rõ khâu yếu nhất của phần lớn công chức thi hành án hiện nay là khả năng tin học và ngoại ngữ, mà quan trọng nhất vẫn là khả năng ứng dụng tin học vào công tác phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong thời đại khoa học - công nghệ phát triển hiện nay; nâng cao khả năng ứng dụng tin học cho chấp hành viên, công chức thi hành án dân sự đang là một trong những nhu cầu cấp bách, khẩn trương, bởi vị thế của công tác thi hành án dân sự đã và sẽ được nâng hơn nữa, cao đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ công chức có đủ năng lực đảm nhận trách nhiệm này.
- Cần coi trọng việc giáo dục thuyết phục, tạo điều kiện cho các đương sự thoả thuận để người phải thi hành án tự nguyện thi hành. Công tác thi hành án dân sự là công tác chuyên môn vừa là nghiệp vụ mang tính đặc thù quyền lực nhà nước thông qua biện pháp cưỡng chế. Áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án là một việc làm không thể thiếu đối với các đương sự cố tình không chấp hành việc thi hành bản án. Song, việc sớm áp dụng biện pháp cưỡng chế có thể gây ra những hậu quả không tốt cho cả người phải thi hành án, thân nhân của người phải thi hành án và người được thi hành án trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội; cũng như làm khó khăn, vất vả thêm cho cơ quan Thi hành án.Tuy nhiên thuyết phục để người phải thi hành án là việc làm khó và có thể coi là một nghệ thuật đòi hỏi người Chấp hành viên phải có nghiệp vụ
tinh thông, có tấm lòng yêu nghề, có kiến thức pháp luật vững vàng và phải có cả khả năng thuyết phục. Để làm được tốt công tác giáo dục, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án, người cán bộ, Chấp hành viên phải không ngừng rèn luyện, học hỏi, bồi dưỡng mọi mặt. Bên cạnh đó phải hiểu rõ nội dung, bản chất vụ việc mình đang thi hành và phải có sự cảm thông với đương sự và gia đình họ, tạo điều kiện cho các bên đương sự thoả thuận về phương thức, thời gian, địa điểm thi hành phù hợp với điều kiện nguyện vọng của các bên. Có như vậy mới đảm bảo cho việc thi hành án đạt hiệu quả cao và mang tính nhân văn. Tuy nhiên, qua quá trình kiên trì giáo dục, thuyết phục những vụ việc đương sự có điều kiện thi hành, mà họ vẫn cố tình không chịu thi hành, có thái độ chây ỳ, coi thường pháp luật thì phải kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thi hành dứt điểm. Tuyệt đối không để tình trạng vụ việc có điều kiện thi hành nhưng vì lý do nào đó lại ra những lý do không chính đáng để trì hoãn việc thi hành án.
- Cần phải có chế độ đãi ngộ hợp lý, do đặc thù công tác thi hành án có tính rủi ro nghề nghiệp cao, công việc vất vả. chế độ chính sách đãi ngộ phải làm cho công chức yên tâm, tận tuỵ, tâm huyết với công việc mà không còn phải quá lo lắng về đời sống vật chất cho bản thân và gia đình họ. Bên cạnh đó mỗi đơn vị cần phải tạo ra những động lực vật chất nhất định nhằm khích lệ các cá nhân công chức có ý chí vươn lên, có tinh thần thi đua, cạnh tranh nhằm tăng hiệu quả công việc để đạt được phần thưởng xứng đáng; với môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong mỗi đơn vị, các công chức sẽ yên tâm dồn hết công sức, trí tuệ cho công việc của mình, điều đó chắc chắn sẽ khai thác tối đa các khả năng tiềm ẩn, sự sáng tạo trong công việc của mỗi cán bộ công chức.
- Đồng thời Cục đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Chủ động phối hợp với chi nhánh
ngân hàng Nhà nước Việt Nam để thực hiện quy chế. Chấp hành viên và Chi cục thi hành án dân sự tập trung ra soát, phân loại các loại vụ việc thi hành án, xây dựng kế hoạch chi tiết, đề ra thực hiện các giải pháp cụ thể để giải quyết dứt điểm từng vướng mắc liên quan những vụ án tồn đọng, kéo dài, đến giải quyết nợ xấu của tổ chức tín dụng, đảm bảo nắm bắt kịp thời, đúng tình hình để tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt.
- Cục Thi hành án dân sự tập trung kiểm tra toàn diện và kiểm tra, giải quyết những vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp, kéo dài, hạn chế vụ việc mới phát sinh; nghiên cứu, hướng dẫn về công tác giải quyết khiếu nại, giải quyết, tố cáo, trong đó lưu ý các nội dung liên quan đến quy trình ra thông báo chấm dứt giải quyết đối với các vụ việc đã giải quyết đúng pháp luật, tiêu chí xác định các vụ việc tồn đọng, kéo dài. Nâng cao chất lượng một số mặt công tác còn hạn chế trong thời gian qua, đặc biệt là công tác tham mưu, tổng hợp, công tác xây dựng và đôn đốc việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, kết luận.
- Cơ quan THADS cần thông qua chương trình, kế hoạch với Ban Chỉ đạo thi hành án cùng cấp và thường trực UBND; tham mưu cho Chủ tịch UBND ra chỉ thị cho UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện việc thông báo về thi hành án trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở. UBND, Mặt trận Tổ quốc chủ trì việc chỉ đạo, phối hợp với cơ quan THADS trong việc tăng cường phổ biến pháp luật về thi hành án.Trước hết, UBND các cấp đầu tư, tăng kinh phí để đẩy mạnh công tác này như đưa chuyên mục lên báo, đài truyền hình, phát thanh của tỉnh, các tập san, chuyên đề về THADS. Cơ quan THADS cấp huyện rà soát lập danh sách các vụ việc cụ thể giao cho UBND cấp xã, phường, thị trấn thực hiện thông báo thi hành án trên trên hệ thống loa truyền thanh.
- Ngoài ra, ở tỉnh Ninh Bình, Cơ quan THADS cần tuyên truyền, thông báo về THADS trong trại tạm giam Công an tỉnh Ninh Bình đối với các đối tượng phạm tội phải chấp hành hình phạt tù, phổ biến việc cần phải thi hành
xong nghĩa vụ dân sự để một phần có thể xem xét giảm án, đặc xá...Hội đồng tuyên truyền phổ biến pháp luật của tỉnh, các huyện phải chú trọng hơn nữa trong hoạt động của mình, các báo cáo viên pháp luật cần tập trung phổ biến tuyên truyền những văn bản pháp luật liên quan đến đời sống hàng ngày với người dân. Việc phổ biến giáo dục pháp luật phục vụ cho công tác THADS phải được thực hiện thường xuyên, có chương trình, kế hoạch cụ thể, có trọng điểm phù hợp với thực tế và trình độ dân trí từng vùng, miền, địa phương, từng đối tượng, phát huy tính chủ động sáng tạo của cơ sở. Nội dung phổ biến giáo dục pháp luật cần tập trung vào các văn bản pháp luật về THA và các văn bản pháp luật có nội dung liên quan đến công tác THADS như dân sự, lao động, hôn nhân gia đình, khiếu nại tố cáo, tôn giáo…. Trong kế hoạch tuyên truyền cần đưa một số nội dung về tình hình THADS ở địa phương, các vụ việc THA điểm, tiêu biểu liên quan ở địa phương hay các vụ việc có các bên đương sự liên quan đến Phật giáo vào chương trình để phổ biến với cách chuyển tải cô đọng dễ hiểu. Phương pháp và hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phải linh hoạt và phù hợp như tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh ở cơ sở, thông qua các buổi sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể, thông qua việc động viên, giáo dục, thuyết phục trực tiếp của cán bộ chính quyền, đoàn thể, hoà giải viên, các trưởng thôn, già làng, trưởng bản, những người có uy tín.
Kết luận chƣơng 3
Hệ thống các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự hiện nay đang ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho Chấp hành viên và cơ quan thi hành án thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Trong bối cảnh hiện nay khi Nhà nước ta đang tiến hành cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền, thực hiện hội nhập quốc tế thì vấn đề đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Thi hành án là đòi hỏi khách quan, là nhiệm vụ quan trọng không chỉ riêng của ngành Tư pháp mà còn là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị. Có thể khẳng định rằng, trải qua quá trình xây dựng và phát triển, với nhiều thăng trầm, song, dù ở bất cứ thời điểm nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cán bộ, công chức ngành Thi hành án dân sự vẫn đoàn kết, sáng tạo và nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Kết quả thi hành án về việc và về tiền đều vượt chỉ tiêu đề ra, năm sau cao hơn năm trước; số việc còn phải thi hành chuyển kỳ sau giảm đáng kể; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự đã được kiểm soát và đi vào hoạt động nề nếp, hiệu quả, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Từ thực tiễn hoạt động THADS ở tỉnh Ninh Bình, tác giả luận văn đã đưa ra phương hướng, giải pháp để nâng cao chất lượng thi hành án dân sự trong thời gian tới ở tỉnh Ninh Bình, một địa bàn có tốc độ đô thị hóa, tốc độ phát triển kinh tế cao so với các địa phương khác trong cả nước.
KẾT LUẬN
Thi hành án dân sự là một trong những hoạt động quan trọng của bộ máy Nhà nước nhằm đảm bảo cho các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực được thi hành trên thực tế. Hoạt động thi hành án có hiệu quả một mặt thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, thể hiện quyền lực nhà nước, mặt khác là công cụ hữu hiệu để khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, xã hội và công dân bị xâm hại. Trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vai trò pháp chế luôn được đề cao, pháp luật được đảm bảo thực hiện. Pháp chế đòi hỏi nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân phải chấp hành nghiêm chỉnh các phán quyết mà Tòa án đã tuyên, thông qua hoạt động thi hành án, những bản án, quyết định của Tòa án được thực thi, quyền và lợi ích của công dân và tổ chức được bảo vệ, công bằng xã hội được bảo đảm. Phán quyết của Tòa án nhân danh quyền lực nhà nước sẽ chỉ là quyết định trên giấy nếu không được tổ chức thi hành hoặc thi hành không đầy đủ trên thực tế. Hoạt động thi hành án kém hiệu quả sẽ làm vô hiệu hóa toàn bộ hoạt động của cơ quan tố tụng ở các giai đoạn trước, gây tổ hại đến trật tự, kỷ cương, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào tính nghiêm minh của pháp luật.Vì vậy thi hành án có vai trò rất lớn trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong những năm qua, ngành THADS tỉnh Ninh Bình đã có những tiến bộ rõ rệt, kết quả thi hành án dân sự có xu hướng ngày càng bền vững, qua đó, đã và đang góp phần quan trọng, tích cực vào thực hiện nhiệm vụ kinh tê- xã hội của đất nước và của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì hiệu quả công tác thi hành án dân sự ở tỉnh chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra. Lượng án tồn đọng còn chiếm tỷ lệ rất cao và có xu hướng ngày càng tăng, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân không chấp hành án, không tự nguyện thi hành án, người phải thi hành án là đối tượng