6. Cấu trúc luận án
1.3.1.2. Bối cảnh đất nước sau 1975
Sau 1975, lịch sử dân tộc một lần nữa sang trang, đất nước bước ra khỏi hai cuộc chiến kéo dài suốt ba mươi năm. Lần đầu tiên, kể từ năm 1945, người Việt Nam mới cảm nhận đầy đủ hai tiếng “hòa bình”, “thống nhất”. Song, đất nước còn phải đối mặt với những thử thách không hề nhỏ do hậu quả của ba mươi năm chiến tranh với hai mươi năm đất nước bị chia cắt thành hai nửa đối lập hoàn toàn về tư tưởng, chính trị. Giờ đây, xã hội Việt Nam sẽ vận động theo một quy luật mới khác hoàn toàn với quy luật thời chiến. Tiếp sau đó, đất nước chọn con đường mở cửa hội nhập quốc tế, cơ chế quản lý theo quy luật thị trường tiếp tục gây “sốc” trong tâm lý đời sống xã hội Việt Nam. Người Việt Nam sau 1975 không chỉ “lúng túng” làm quen với nhịp “bình thường” của cuộc sống sau 30 năm gồng mình với nhịp
sống thời chiến lại chật vật thích ứng với cơ chế quan hệ mới: “cơ chế thị trường”. Có thể nói “Những năm 80, 90 của thế kỷ trước và cả đến bây giờ, xã hội và con người Việt Nam phải trải qua một cuộc trở dạ lớn lao và không ít đau đớn, phải tự xây dựng lại hình ảnh của chính mình cùng lúc với việc phải tự hình thành từng bước các tiêu chí giá trị mới” [22; tr. 176]. Lịch sử thay đổi, xã hội thay đổi, “con người không còn là nhất phiến, đơn trị mà luôn đa diện, đa trị, lưỡng phân” [20; tr. 176]. Những nhận thức, trăn trở được không ít những cây bút đem ra trao đổi và ngẫm ngợi. Họ nhận thấy “Văn học hôm nay có một khát vọng tư tưởng thẩm mỹ khác trước”. Thậm chí, họ còn “vỡ lẽ” ra rằng: “Nếu như sự vẫy gọi thật lòng, hồn nhiên của văn học đã làm cho con người vươn tới cái cần có đã thực sự thấm vào cuộc sống thì tại sao cái mà con người đẹp đẽ và cao thượng ấy lại xuất hiện chậm chạp đến thế, khó khăn, vất vả đến thế” [4; tr. 154].
Trong nhu cầu phải thay đổi, phải viết mới ấy của nhà văn lúc bấy giờ có một nhu cầu khắc khoải: “Phải viết về con người” - con người với “muôn mặt đời thường”. Con người với nhu cầu, khát vọng đời thường trở thành trung tâm của mọi mối quan tâm xã hội. Nếu ba mươi năm trước, con người trong văn học hoặc là đối tượng để ngợi ca hoặc để phê phán thì giờ đây con người là đối tượng để nghiên cứu, phân tích trong các bình diện tồn tại khách quan. Tuy nhiên, những giá trị cũ vẫn chưa hoàn toàn mất vị trí thượng tôn, trong khi các giá trị mới đang “lấp ló” xuất hiện và chưa phải đã tìm được chỗ đứng trong đời sống xã hội cũng như trong tư tưởng tinh thần của đại đa số cộng đồng. Có thể nói, hoàn cảnh hậu chiến và đất nước “hội nhập” thế giới đã tạo nên trạng thái “tranh luận” trong tư tưởng và đời sống để tìm ra chân giá trị mới. Hoàn cảnh này vừa tạo nên xúc cảm sáng tạo mới song cũng là thách thức lớn với các cây bút.
Thực tiễn đời sống từ sau 1945 đã tạo nên không gian triết luận cho đời sống văn chương Việt Nam nói chung và tạo nên điểm gặp gỡ của nhiều ngòi bút. Cùng trưởng thành trong cùng một bầu không khí văn chương, dễ hiểu vì sao, Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Khải có những nét tương đồng ngay trong sở thích triết lý - triết luận. Tuy nhiên, với những cây bút tài năng, họ không chỉ tìm cách thích ứng mà còn không bỏ qua cơ hội để cống hiến và khẳng định mình. Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Khải thuộc trong số những tên tuổi nổi bật ấy.