Nguyễn Minh Châu

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ yếu tố triết luận trong tác phẩm của nguyễn minh châu và nguyễn khải (the element of philosophical discussion in the works of nguyen minh chau and nguyen khai) (Trang 43 - 46)

6. Cấu trúc luận án

1.3.2.1. Nguyễn Minh Châu

Sinh ra ở làng Thơi, tên chữ là làng Văn Thai, cái làng nằm kẹp giữa Lạch Thơi và Lạch Quèn xứ Nghệ. “Tuổi thơ Nguyễn Minh Châu lớn lên trong tiếng mẹ ru, tiếng sóng biển rì rào và cả trong tiếng mưa gào gió giật của những trận cuồng phong”. Cái làng ấy, cả một cộng đồng người trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, hòa hợp mà tương phản đến lạ lùng. Những người đánh cá vật lộn với sóng gió ngoài khơi và những chàng nho sĩ dùi mài kinh sử nơi xóm vắng. Những cô hàng xén gồng gánh yểu điệu trên những nẻo đường làng và những chị diêm dân oằn lưng đẩy những xe cút kít muối nặng lặc lè, đít vắt ve in lên trời chiều. Những thương nhân quanh năm giang hồ xuôi ngược và những nông dân bốn mùa bán mặt cho đất, bán lưng cho trời... Cái làng ấy có lắm chuyện kỳ lạ “tài như ông Macket cũng không tưởng tượng ra được” (lời Nguyễn Minh Châu nói với một nhà văn cùng quê). Cái làng ấy đã hun đúc, bồi đắp lên nhân cách, tâm hồn Nguyễn Minh Châu, thấm đượm lên từng trang viết của tác giả. Cái phẩm chất xứ Nghệ “nhân”, “trí” thì “chưa hẳn hơn người nhưng do những điều kiện địa lý và nhân văn nào đấy hun đúc, cái “chí” thì có thể vượt trội thiên hạ. Mà khi con người biết nuôi chí lớn, tự nhiên sẽ có một cách sống nhất quán và triệt để, suốt đời theo đuổi một mục đích cao quý đến cùng” [41; tr. 495 - 496]. Nguyễn Minh Châu dường như cũng được mảnh đất ấy “hun đúc” cho cái “chí”, không để làm quan mà để làm văn chương và cái chí văn chương của cây bút ấy cũng thật ghê gớm: “thức tỉnh xã hội và cảnh báo trước những nguy cơ đến với nhân loại”.

Thế nhưng cây bút ấy lại từng khắc họa về mình: “Từ lúc còn nhỏ tôi đã là một thằng bé rụt rè và vô cùng dút dát. Tôi sợ từ con chuột nhắt cho đến ma quỷ. Sau này lớn lên, đến gần sáu chục tuổi, đến một nơi đông người tôi chỉ muốn lẻn vào một xó khuất và chỉ có như thế mới cảm thấy được yên ổn và bình tâm như con dế đã chui tọt được vào lỗ...” [57; tr. 455]. Trong tình cảm và ký ức của nhiều bạn văn, Nguyễn Minh Châu là “người gầy nhỏ, tướng mạo không có gì đặc biệt, nhưng lại có cả một thế giới nội tâm giàu có và mãnh liệt một nỗi đau nhân thế đến nhức nhối quằn quại. Một con người thừa thông minh sắc sảo, nhưng rất dễ đỏ mặt, tía tai ngượng ngập. Suốt đời lầm lũi cần mẫn đi tìm kiếm, tích cóp và sau đấy là những ngày đêm tự đóng đinh mình vào bàn viết” [57, tr. 496]. Tính cách điềm đạm, thích

lặng lẽ ấy ẩn dấu bên trong tư duy “phát sáng” (từ dùng của nhà văn Trung Trung Đỉnh). Phạm Tiến Duật nhận xét: “Đôi mắt lúc bình thường thì hiền hậu đến mức đù đờ nhưng luôn ẩn giấu một nụ cười, một ánh sáng khám phá sắc sảo”. Hữu Thỉnh cũng ấn tượng: “Đọc văn anh Châu thấy anh thật đôn hậu, kỹ càng, và lắm khi rất sắc sảo. Nhưng ở ngoài đời anh cứ ngơ ngác hết cái này đến cái khác”. Phạm Xuân Nguyên gọi đó là “sự yên tĩnh mang tính chất triết học”. Nhưng nên nói thêm rằng đằng sau sự nhút nhát đó lại là khả năng chăm chú theo dõi cuộc đời chung quanh, vui sướng giận hờn vì nó như trên tôi vừa nói, và nhất là cái quyết liệt trong việc đi đến cùng trong suy nghĩ. Trong sự lắng nghe mọi người, ông vẫn giữ riêng cho mình những ý kiến riêng, thậm chí trong một lần nói chuyện riêng với tôi ông còn tự hào một cách chính đáng rằng vẫn luôn luôn giữ được một khả năng hoài nghi. Dường như sau những phút giao cảm với đời sống ông lại để hết tâm sức vào cái việc quay về với thế giới riêng của mình trước khi cho nó hiện hình trên mặt giấy [126; tr. 75].

Khi đã đặt chân vào nghề viết, Nguyễn Minh Châu tâm niệm: “Học làm văn chương cũng như học làm người”; “Viết văn là thực hiện một sự cân bằng giữa con người lý trí và con người nghệ sĩ. Con người lý trí phải kiểm tra chặt chẽ con người nghệ sĩ, mà ngược lại phải dành một khoảnh đất đủ để nó đứng và hoạt động” [57; tr. 477]. “Học làm người” đâu có dễ, đó là hành trình của sự nỗ lực hoàn thiện. Không ai sinh ra đã hoàn thiện, thêm nữa, cuộc sống với muôn vàn cảnh huống thử thách, va đập, để được là mình, để giữ được mình và để được là “Người” với ý nghĩa cao quý của nó cần cả một hành trình. Hành trình “Sống” đồng nghĩa với hành trình học làm “Người”. Theo Nguyễn Minh Châu, viết văn cũng cần bền bỉ, nỗ lực, không nản chí và phải hướng đến chân - thiện - mỹ như hành trình học “làm Người”. Thêm nữa, Nguyễn Minh Châu còn ý thức: có con người lý trí và con người nghệ sỹ. Thực ra, đó là hai tố chất - tính cách cơ bản đặc trưng của người làm khoa học và người làm nghệ thuật. Người nghệ sỹ cần xúc cảm, ngẫu hứng mãnh liệt; Người làm khoa học cần lý trí với logic chặt chẽ. Người viết văn cần có và phải kết hợp được cả hai tố chất/ phẩm chất ấy mới tạo nên văn chương đích thực. Đó là định hướng sáng tạo nghệ thuật mà nhà văn hằng ấp ủ. Tuy nhiên, mục tiêu và đúc kết ấy không phải đã được hình thành ngay từ khởi đầu cầm bút mà là kết quả của cả một quá trình cầm bút. Theo dõi quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu

trong hành trình sáng tạo ngót ba mươi năm của ông sẽ thấy tuy ông có những điều chỉnh để phù hợp với sự vận động của thời cuộc, song, xu hướng triết luận thì vẫn thống nhất trong tư duy nghệ thuật của tác giả. “Tôi thích những người viết truyện ngắn có tư tưởng cao sâu mà câu chuyện vẫn dung dị thoải mái, nội dung chi tiết vẫn là nội dung chi tiết của đời sống bình thường hàng ngày”, Nguyễn Minh Châu có lần bộc bạch. Và, người đọc có thể nhận thấy, sở thích ấy đã trở thành mục tiêu phấn đấu, định hướng nghệ thuật trong hành trình sáng tạo của nhà văn.

Qua những phát biểu của Nguyễn Minh Châu về nghề văn và văn chương cho thấy tư duy triết luận vừa là cá tính vừa là mục tiêu sáng tạo của ông: “Công việc sáng tạo bao giờ cũng diễn ra trong cô đơn, trong sự lắng sâu những kinh nghiệm sống, sau sự chiêm nghiệm về lẽ đời và lòng người”. Hoặc: “Viết văn là đem đến cho tâm hồn người ta đồng thời sự yên ổn và không yên ổn, cùng một lúc vừa cởi giải vừa gây băn khoăn, thắc mắc. Những băn khoăn thắc mắc có khi trở thành một câu hỏi cụ thể, một vấn đề cụ thể và lớn lao, có khi chỉ nhằm gieo vào người đọc một ấn tượng, một tâm trạng...” [57; tr.455]. Nhận thức về vai trò lớn lao của văn chương là điều mà không phải nhà văn nào cũng dám nghĩ tới một cách dũng cảm như thế này: “Nhà văn phải là người thức tỉnh xã hội và cảnh báo trước những nguy cơ đến với nhân loại. Nhưng trước hết, người cầm bút phải là người có tình yêu tha thiết với cuộc sống, nhất là với con người”, hơn thế, Nguyễn Minh Châu còn xác định trọng trách cao cả của nhà văn, đó là trọng trách của nhà văn hoá: Chúng ta có nhiệm vụ chăm chút, gìn giữ cho đất nước những cái gì thật lâu đời, bền chặt, mà cũng thật là mỏng manh: tính thật thà, hồn hậu, niềm tin nền phong hoá nhân bản, tính bẽn lẽn cả thẹn của người phụ nữ, ý thức cộng đồng dân tộc tạo nên khí phách anh hùng, lòng trung thực và tính giản dị v.v…” [57; tr. 456].

Đó là lý do khiến Nguyễn Minh Châu dành được sự “tâm phục khẩu phục” của các bạn văn lẫn giới nghiên cứu khi nhận xét và đánh giá về nhân cách và văn tài của ông: “Anh chính là người của văn chương nghệ thuật, sinh ra để phụng sự văn chương nghệ thuật. Bao nhiêu thời gian, sức lực, tâm trí, hình như chỉ dành cho trang sách. Cái đãng trí, cái vụng về, và chút ít luộm thuộm kia, chính là cái vỏ của phần hồn của sự đam mê, sự dũng cảm.” (Lê Thành Nghị); “Đông đảo bạn đọc và cả lớp nhà văn chuyên nghiệp chúng tôi, đều dễ nhận biết một mặt tài năng của anh

là sự nhận xét, sự quan sát tinh tế và độc đáo về các chi tiết đời sống từ dáng núi trong mưa, màu sắc của sương núi đến mùi vị của một bãi khách, từ đôi mắt trẻ, dáng đi của người mẹ đến cọng rau muống chấm tương hoặc một bàn tay cảm động. Sự nhận xét và quan sát của Nguyễn Minh Châu mang tính phát hiện, khiến người đọc phải thốt lên “Ồ, đúng là như vậy” [57; tr. 455] v.v...

Theo Vương Trí Nhàn, cách viết của Nguyễn Minh Châu “trong cái vẻ cụ thể rất tự nhiên, mọi câu chuyện của ông đều tìm cách đi tới khái quát cả quá trình tự nhận thức của con người”. Một bạn văn nhận xét: "Những cái tưởng như bình thường lặt vặt trong cuộc sống hàng ngày, dưới con mắt và ngòi bút Nguyễn Minh Châu đều trở thành những gợi ý đáng suy nghĩ và có tầm triết lý" [57; tr.178]. Nhà nghiên cứu Lã Nguyên cũng khẳng định: “Truyện ngắn Nguyễn Minh Châu đã đem đến cho người đọc một quan niệm mới mẻ về nghệ thuật và cuộc đời mà nền tảng của nó là chiều sâu triết học nhân bản” [105]. Nhà văn Đỗ Chu với tất cả sự kính trọng đã viết: “Nguyễn Minh Châu là người có “văn đức”: Văn đức là gì, thì hãy cứ thắp hương mà hỏi Nguyễn Minh Châu. Hình như nó là tất cả, trí tuệ, tài năng và tâm huyết”. Đó là người “luôn khao khát cái toàn bích” [57; tr. 149].

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ yếu tố triết luận trong tác phẩm của nguyễn minh châu và nguyễn khải (the element of philosophical discussion in the works of nguyen minh chau and nguyen khai) (Trang 43 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)