Tính “nhiều lớp” của mạch truyện

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ yếu tố triết luận trong tác phẩm của nguyễn minh châu và nguyễn khải (the element of philosophical discussion in the works of nguyen minh chau and nguyen khai) (Trang 64 - 67)

6. Cấu trúc luận án

2.3. Tính “nhiều lớp” của mạch truyện

Tính “nhiều lớp” của mạch truyện logic chặt chẽ với tính đa chủ đề. Mỗi chủ đề truyện có thể tạo nên hoặc để chuyên chở bởi một lớp truyện độc lập, người đọc có thể hình dung hoặc giả có thể kể về câu chuyện (lớp truyện) đó một cách tương đối rõ ràng. Chẳng hạn, trong thiên truyện liên hoàn Khách ở quê raPhiên chợ Giát, ngoài câu chuyện xoay quanh nhân vật trung tâm lão Khúng thì còn một số mạch truyện khác về các nhân vật khác, như Huệ, Dũng, Bùi … so với vị trí của lão Khúng, họ chỉ đóng vai “phụ” nhưng trong mạch truyện của họ thì họ lại trở thành nhân vật chính và chuyển tải thông điệp tư tưởng riêng, tạo nên cấu trúc chồng lấn, đan xen các lớp truyện, đồng thời là các lớp tư tưởng. Trở lại với Khách ở quê ra

Phiên chợ Giát, người đọc còn nhận thấy lớp truyện về Huệ - vợ lão Khúng, cô nữ

sinh văn khoa xinh đẹp, vì lỡ lầm của tuổi trẻ và số phận run rủi mà trở thành vợ lão Khúng. Huệ đã thay đổi cả cuộc đời, cả số phận: nhẽ ra Huệ đã có thể trở thành một cô giáo dạy văn, Huệ lại trở thành “mụ Huệ” lam lũ, đẻ sòn sòn chục đứa con, thành thạo cắt tiết một con dê trong chớp mắt, nấu rượu lậu và sẵn sàng xử lý kẻ nào dám đụng đến cái gia đình đông đúc nhà mụ. Là lớp truyện về Dũng, đứa con đầu tiên, là đứa con của mối tình đầu của Huệ, đứa trẻ mà định mệnh giống như thiên sứ kết duyên cho Khúng và Huệ. Chính bàn tay Khúng đã đón nó ra đời, chính Khúng đã đổ sức ra làm như trâu để cứu hai mẹ con sau kỳ sinh nở: mẹ bị phù thũng, con mới sinh đã sài đẹn. Lão Khúng đã đối xử với Dũng như đứa con trai lớn ruột thịt của mình và đứa trẻ ấy từ hình hài đến tính cách gần như trái ngược với lão vẫn yêu lão như cha đẻ, nó đã trở thành cánh tay phải của lão Khúng trong mọi việc gia đình. Có lần, bênh bố, cái thằng Dũng ấy đã dám cầm dao định xử cha con nhà Chắt Hòe khi nhà ấy cậy đông bắt nạt lão Khúng. Khi Dũng đi bộ đội, chính lão đã đưa nó ra Hà Nội để trao tận tay cho đồng chí chỉ huy như trao một báu vật của mình cho bộ đội. Dũng hi sinh, lão Khúng suy sụp cả về thể xác lẫn tinh thần như bất cứ một người cha thương con nào…; Thậm chí, còn lớp truyện về con bò khoang, cô bò yểu điệu xinh đẹp gắn bó với lão Khúng mấy chục năm, làm nên cơ nghiệp cho nhà

lão, chứng kiến buồn vui của gia đình lão, cho đến khi trở thành một “mụ già”, lão Khúng không nỡ bán “người bạn” của mình, lão muốn giải phóng cho nó về rừng nhưng con Khoang đã quen với chủ, nó đã được thuần hóa thành “bạn - nô lệ” và nó cứ theo hơi quen thuộc để trở về… Quanh lớp truyện về lão Khúng lại có thể bóc tách ra các lớp tư tưởng - truyện khác nhau: câu chuyện về một anh Khúng (còn trẻ) lêu têu, tuy có hơi ngang ngạnh chân chất, mộc mạc, tốt bụng ở làng chài ven biển, kẻ dám dựng nhà trên nền ngôi đền thiêng của làng (ngôi đền bị đánh bom), ra tay giúp một cô gái bơ vơ sinh nở rồi cưu mang mẹ con cô ấy, một mình thách thức với cả làng: “Đi suốt mấy làng này, từ dân làm nghề biển cũng như dân trong đồng, thử hỏi có thằng nào lấy được vợ thành phố như tao?” Bên trong cái thân hình xù xì, ít học ấy là một trái tim biết “quý người”, là sự độ lượng rất đàn ông, bao dung và yêu thương tất tần tật chín đứa con “nếp cũng như tẻ” do vợ mình đẻ ra; Lại có thể kể về một lão Khúng khác: tính toán, lam lũ, liều lĩnh, cổ hủ và thiển cận. Lão “nát óc tính toán, thức khuya dậy sớm, trút mồ hôi và sức lực đến gần cạn kiệt” để lo cuộc sống cho con. Lão không chỉ “chúi mũi vào hòn đất”, “cái tay chẳng lúc nào được rảnh, chẳng lúc nào được ngơi mó máy trong đất”, đưa con ra Hà Nội nhập ngũ, lão lục tung cả Hà Nội lên để “tìm mua đầy đủ một bộ đồ lên một cỗ xe trâu”, “đầu tư vào cuộc cách mạng kỹ thuật” cho nền sản xuất của gia đình. Lão bắt vợ phải đẻ nhiều, đẻ nhiều để có người mà “dọn đá”, đông con “là nguồn lao động trời cho”, “ở quê, nhà nào đông con mới uy thế được”...; Còn có thể kể câu chuyện về một lão Khúng như một “triết nhân” trong từng nhận thức, suy nghĩ (cho dù đó là triết lý thô sơ và không ít những triết lý ấy là lạc hậu, bảo thủ). Chẳng hạn, lão nghĩ về cách lao động tiểu nông “không có thật đông người làm sao dọn hết đá?”, lão triết lý về cách làm ra con người: “Làm ra con người khó đếch gì”, lão triết lý về con người, về Hà Nội và sự hiện diện của chợ Đồng Xuân: “Ông trời làm ra con người “bách nhân - bách tính” nhưng ông trời lại khéo cho con người một cái nết mà ai cũng mắc phải: Đó là cái việc ăn. Hóa ra cái anh dân Hà Nội này cũng phải ăn cho nên mới sinh ra cái chợ Đồng Xuân to như thế!”, “Làm con người đã sống ở trên đời, anh nào cũng phải ăn cho nên xét đến cùng, ruột dạ đều giống nhau cả!” [32, tr. 579 - 580]. Những mạch truyện chồng lấn, đan xen trên tạo cho Khách ở quê ra và Phiên Chợ Giát những liên tưởng về nhiều vấn đề. Ở đấy, không chỉ là câu chuyện của một lão nông với gia đình của lão mà còn có câu chuyện về một tầng lớp, giai cấp luôn đóng vai trò,

vị trí trung tâm xã hội Việt Nam; là những luận bàn về quản lý kinh tế, xã hội, về nông thôn và thành thị; sâu hơn và nhân bản hơn là những vấn đề về mối quan hệ giữa đời sống vật chất và tinh thần của con người, là giá trị “người”…

Truyện Chiếc thuyền ngoài xa vừa chồng lấn, lồng ghép các mạch truyện về các chủ đề khác nhau: nghệ sỹ nhiếp ảnh đi tìm cảnh đẹp cho bộ ảnh lịch trở nên hoàn hảo, nghệ thuật, lúc anh chớp được hình ảnh như ý thì chỉ vài giây sau anh chứng kiến cảnh tượng bạo lực chưa từng có, nhân vật “mẫu ảnh” ngẫu nhiên tình cờ kia lại là một con người cục cằn, thô bạo khủng khiếp. Hắn đánh người đàn bà bằng tất cả sức lực với chiếc thắt lưng da của lính ngụy, vừa đánh vừa nghiến răng nguyền rủa cho chết đi. Sự việc bị phát lộ, nhưng mọi sự can thiệp (kể cả chính quyền) đều bất lực vì sự cản trở của chính người đàn bà và một hiện thực khác được mở ra: Cuộc mưu sinh của người dân làng chài ven biển; số phận của người phụ nữ vùng biển; tương lai của những đứa trẻ làng chài thất học v.v… Đúng là ngổn ngang những vấn đề xã hội cần giải quyết. Cũng giống như bức ảnh nghệ thuật kia, nó được khoác lên lớp sương màu hồng huyền ảo, còn hiện thực cuộc sống của người trong ảnh thì u ám, bế tắc. Tác phẩm đặt ra nhiều vấn đề xã hội - đạo đức cần giải quyết.

Những sáng tác sau 1975 của Nguyễn Minh Châu đáng kể nhất là truyện ngắn, và ông đã tạo ra diện mạo khá độc đáo cho thể loại này ở cách mở rộng mạch truyện. Người ta không còn thấy dạng thức truyện ngắn một mạch truyện đơn nhất với một tình huống cốt lõi, truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu giờ đây là một kết cấu trùng phức nhiều mạch truyện, nhiều tình huống đan kết tạo nên tính đa thanh trong chủ đề tác phẩm. Điều này vừa là nguyên nhân cũng vừa là kết quả của việc các tình tiết/chi tiết cùng lúc đóng “nhiều vai” trong cấu trúc các mạch truyện, đặc biệt, các “vai” mang tính đối thoại, tranh luận, thậm chí phủ nhận nhau. Chẳng hạn, tình tiết người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa) chịu để cho chồng đánh, không tố cáo chồng và ngay cả khi phát hiện ra, người ta khuyên li dị lão chồng vũ phu thì chị ta lại nhất quyết không lại còn “dạy” cho những người tốt và “hiểu lý lẽ” kia bài học: “…Lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu có phải người làm ăn…cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc…” [32; tr. 129]. Như vậy, tình tiết này “đứng về phía” chủ đề “vẻ đẹp mẫu tính cũng được”, đứng về chủ đề “nữ quyền luận” cũng được, đứng về chủ đề “bạo lực gia

đình - vấn đề nhức nhối trong nông thôn hiện nay” cũng được, hoặc, “vai trò của người phụ nữ - người mẹ trong gia đình”… Như vậy, một tình tiết gợi ra vô số ý tưởng hay vấn đề để bàn luận, tranh luận. Đó là đặc điểm cũng là nguyên nhân của tính triết lý trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu.

Với các tác phẩm khác cũng vậy, đọc truyện của Nguyễn Minh Châu sau 1975 có cảm giác “lan man”, “rời rạc”, mạch truyện lan tỏa kéo dài, người đọc bị “kéo” đi hết vấn đề này đến vấn đề khác và đầy bất ngờ trước những phát hiện mới mẻ. Truyện sau 1975 của Nguyễn Minh Châu không ru ngủ, vuốt ve xúc cảm người đọc mà “đánh thức”, đánh thức lý trí và nhận thức. Nguyễn Minh Châu đã dùng nhãn quan triết học để soi chiếu, lí giải, nhận thức, phân tích hiện thực, vì vậy, tác giả phải dùng đến nhiều lớp truyện để đan cài các vấn đề. Từ những vấn đề rất cụ thể, rất gần gũi lại chứa đựng những thông điệp mang tầm khái quát rộng lớn, mà cốt lõi là tinh thần nhân bản. Đúng như nhà nghiên cứu Lã Nguyên đã đánh giá: “Truyện ngắn Nguyễn Minh Châu đã đem đến cho người đọc một quan niệm mới mẻ về nghệ thuật và cuộc đời mà nền tảng của nó là chiều sâu triết học nhân bản” [105].

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ yếu tố triết luận trong tác phẩm của nguyễn minh châu và nguyễn khải (the element of philosophical discussion in the works of nguyen minh chau and nguyen khai) (Trang 64 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)