6. Cấu trúc luận án
4.2.3.1. Ngôn từ xưng gọi trong tác phẩm của Nguyễn Khải thiên về
sã, trong tác phẩm của Nguyễn Minh Châu thiên về chuẩn mực
Ngôn từ xưng hô, gọi tên là chỉ dấu đầu tiên bộc lộ “giọng” của tác phẩm và “thái độ, tình cảm” của nhà văn trước đối tượng miêu tả. So sánh ngôn từ xưng gọi trong tác phẩm của Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Khải sẽ thấy sự khác nhau rõ rệt này.
Ngôn từ xưng - gọi trong tác phẩm của Nguyễn Khải thiên về suồng sã:
Trong xu hướng của giọng điệu sử thi trong văn học trước 1975, các nhân vật chính diện vẫn được tác giả xưng - gọi với thái độ tôn trọng, gần gũi: ông, bà, cụ, chị, em... hoặc ngôn từ chính trị, vị trí xã hội: đồng chí, chính ủy, tiểu đội trưởng, bí thư, chủ nhiệm chính trị v.v... Tuy nhiên, với Nguyễn Khải, ông vẫn cố tỏ ra “khoảng cách” với nhân vật để tạo ra giọng khách quan, suồng sã. Nhà văn thường gọi thẳng tên nhân vật chứ không dùng những đại từ đi kèm “ông, bà, anh, chị...”: “Đào lên nông trường Điện Biên vào dịp đầu năm...”, “Huân lại thổi bài tiêu ưa thích nhất của mình...” (Mùa lạc); Giao là một thanh niên được cả đội sản xuất yêu mến” (Một
cặp vợ chồng). Ngay cả khi phải giới thiệu một một nhân vật có vị trí xã hội thì
cách của Nguyễn Khải vẫn là: “Cừ, chủ nhiệm chính trị nông trường...” (Đứa con nuôi), “Vui, tổ trưởng tổ mộc...” (Hãy đi xa hơn nữa), “Tuy Kiền, chủ nhiệm hợp tác xã xóm đó...” (Tầm nhìn xa) v.v... Cách gọi có thiên hướng suồng sã, giản dị chứ không trịnh trọng, nghiêm cẩn. Ở cách gọi thì thấy có sự kết hợp giữa trịnh trọng và suồng sã. Chẳng hạn, ở màn đối đáp, với người dưới/ cấp dưới gọi người trên/ cấp trên thì có cách gọi trịnh trọng: anh, đồng chí, thủ trưởng, chính ủy v.v..., song người trên/ cấp trên gọi người dưới/ cấp dưới hoặc ngang hàng sẽ xuất hiện
cách gọi bỗ bã: thằng, thằng cha, nó... “Thằng cha này khéo tay lắm đồng chí ạ”, “Thằng Vui nó mách anh phải không, cái thằng!” (Hãy đi xa hơn nữa); “Mấy thằng máy kéo nửa cười nửa khóc đấy đồng chí ạ” (Chuyện người tổ trưởng máy kéo); “Thằng cha ấy làm ra vẻ ta đây đấy thôi...”; “Chuối đã chín đâu mà chúng mày lôi ra ăn thế, đồ quỷ cái!” (Tầm nhìn xa) v.v...
Đến những sáng tác sau 1975 thì ngôn ngữ xưng - gọi mang màu sắc chính trị - xã hội hầu như vắng bóng trong tác phẩm của Nguyễn Khải. Kiểu xưng hô “mày - tao”, bà ấy, ông ấy, nó, thằng, con bé v.v... phổ biến trong cách xưng gọi của nhân vật. Cách xưng gọi suồng sã này khiến giọng trần thuật của Nguyễn Khải đậm chất tiểu thuyết.
Ngôn từ xưng - gọi trong tác phẩm của Nguyễn Minh Châu thiên về chỉn chu,
chuẩn mực: Khác với Nguyễn Khải, ngôn từ trong tác phẩm của Nguyễn Minh
Châu trước sau luôn nhã nhặn, chuẩn mực. Với những nhân vật có liên quan đến môi trường quân đội (là lính hoặc các cấp chỉ huy trong quân đội) - đây là môi trường quen thuộc trong tác phẩm của Nguyễn Minh Châu, tác giả thường dùng cách xưng hô: đồng chí, anh hoặc cấp bậc, nhiệm vụ chính trị: chính ủy, tham mưu trưởng, trung đoàn trưởng v.v... Với các nhân vật của đời sống hàng ngoài, tác giả thường sử dụng các đại từ: ông, bà, cụ, mẹ, bác, chị, cô... để thể hiện sự tôn trọng, trân trọng. Với bạn bè thân mật thì cũng dừng ở cậu - tớ. Trong những trường hợp tự xưng tên thì nhân vật chính là người kể về mình, câu chuyện của mình: “Buổi tối hôm ấy, Thụy không ngờ thế mà Phái đã phỏng đoán hết mọi chuyện...” (Bên đường
chiến tranh), “Nhĩ nằm yên để cho vợ chải những nhát lược cuối cùng” (Bến quê),
“Hiền rời cái cồn cát, đi dọc mép nước...” (Những người đi từ trong rừng ra); “Định rót rượu ra chiếc chén hạt mít” (Khách ở quê ra) ... Cách xưng hô lịch lãm, mực thước tạo cho văn phong Nguyễn Minh Châu nét văn hóa cổ điển. Rất hiếm khi bắt gặp nhân vật của Nguyễn Minh Châu ăn nói xô bồ, bỗ bã. Nếu xuất hiện ngôn từ xưng gọi: hắn, gã, thằng, chúng, chúng nó, chúng mày... thì đó là từ dành cho kẻ thù với thái độ coi thường, khinh bỉ, như cách gọi sau: “Nhưng hắn chỉ vừa thở ra vài câu là Thăng đã hiểu vì lẽ sao có cái đám rước quá đông người này. Qua những úp mở của hắn đến bây giờ Thăng mới vỡ nhẽ. Chỉ đến khi thằng Quang chạy sang, chúng mới xác nhận với nhau việc xe tăng của ta xuất hiện trên vùng chiến trường này...” (Cơn giông). Trong cách nói năng, giao tiếp của nhân vật, ta thấy bóng dáng
người Việt của lễ nghi truyền thống, khiêm nhường, nhũn nhặn, luôn thưa gửi. Đây là ngôn ngữ xưng hô của một cụ bà: “Mời ông ngồi chơi một lát. Cháu nó uống chén nước xong là bắt tay làm cho ông ngay! Thưa, ông chỉ đợi cho mấy phút thôi ạ!” (Bức tranh). Còn đây là xưng hô của người đàn bà hàng chài với ông chánh án huyện: “ - Thế nào, chị đã nghĩ kỹ chưa? - Thưa đã...”, “- Con lạy quý tòa... - Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó...” (Chiếc
thuyền ngoài xa). Cách xưng hô và diễn đạt trong văn Nguyễn Minh Châu luôn
mềm mỏng, nhã nhặn, có lẽ do đối tượng phản ánh thường là những con người “khép kín”, sống nội tâm, hiếm khi “xung đột” ngoài xã hội. Đó cũng là nguyên nhân khiến những triết lý về con người và cuộc sống của Nguyễn Minh Châu thường thiên về những vấn đề nhân bản gần gũi với mọi đối tượng quen thuộc trong đời sống hàng ngày.