6. Cấu trúc luận án
4.1.2. tài và chủ đề tác phẩm thường lộ rõ tính “luận đề”
Tác phẩm có tính “luận đề” nghĩa là tính luận đề bao quát toàn bộ tác phẩm, từ nội dung đến cách thức thể hiện. Tác phẩm tập trung chứng minh, bàn luận về một vấn đề đang nhận được sự quan tâm của xã hội hoặc có tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến đời sống xã hội. “Vấn đề” mà tác phẩm đặt ra càng có sức ảnh hưởng lớn, lâu dài, phổ quát thì giá trị tác phẩm càng cao. Những nhà văn luôn xác định trách nhiệm xã hội của ngòi bút, tác phẩm luôn hướng những vấn đề có ý nghĩa nhân văn cao quý thì tự trong mỗi tác phẩm luôn chứa đựng tính “luận đề”. Chẳng hạn kiệt
tác Đôn Kihôtê - hiệp sỹ xứ Man tra của đại văn hào Cervantes với tư tưởng bảo thủ
của đất nước Tây Ban Nha thời Phục hưng; Những người khốn khổ của Victor Hugo với thực trạng xã hội Pháp hai mươi năm đầu thế kỷ 19; Chiến tranh và hòa bình
của Lev Tolstoy với hiện thực nước Nga trong cuộc chiến tranh Nga - Pháp v.v... Kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng mở đầu bằng triết lý về thuyết “tài - mệnh” tương đố: Trăm năm trăm cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Thơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng nhiều những tuyên ngôn triết lý về lẽ đời, lẽ đạo:
Phượng những tiếc cao, diều hãy liệng Hoa thì hay héo cỏ thường tươi
(Nguyễn Trãi)
Thớt có tanh tao ruồi mới đậu Gang không mật mỡ kiến bò chi
(Nguyễn Bình Khiêm)
Nhà văn Nam Cao, cây bút luôn trăn trở với với việc con người đang bị hạ nhục vì đói, nhân phẩm của con người bị méo mó đi, tầm thường đi vì miếng ăn đã bộc lộ ngay từ đề tài, chủ đề tác phẩm: Một bữa no, Nghèo, Đui mù, Cái chết của
con mực, Trẻ con không được ăn thịt chó, Tư cách mõ, Từ ngày mẹ chết v.v... Tính
luận đề chính là định hướng tư tưởng tác phẩm, tư tưởng này thường được lộ ngay từ nhan đề, chi phối cấu trúc cốt truyện, nhân vật ... tất cả để nhằm chứng minh cho tư tưởng ấy. Nguyễn Minh Châu có không ít tác phẩm mang tính luận đề: Nguồn suối, Mảnh trăng cuối rừng, Dấu chân người lính, Những người đi từ trong rừng ra, Miền cháy, Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Cỏ lau, Bên
đường chiến tranh, Chiếc thuyền ngoài xa, Bến quê v.v... Nguyễn Khải cũng rất
điển hình với cách đặt nhan đề truyện: Xung đột, Mùa lạc, Hãy đi xa hơn nữa, Tầm nhìn xa, Cách mạng, Phía khuất mặt người, Đời cứ vui, Một giọt nắng nhạt, Luật trời, Đổi đời, Đời khổ, Nếp nhà, Danh phận, Một cõi nhân gian bé tí v.v...
Truyện luận đề nên mạch truyện có định hướng rõ ràng. Tư tưởng dẫn dắt mạch truyện chính nổi lên, lấn át các dòng mạch khác nếu không nói là các dòng mạch kia chỉ tô vẽ thêm cho dòng mạch “luận đề” tỏa sáng lấp lánh. Chẳng hạn, truyện của Nguyễn Minh Châu (nhất là các tác phẩm viết sau 1975) khá đa nghĩa về chủ đề. Ở trên, luận văn đã từng phân tích một số truyện, như: Chiếc thuyền ngoài
xa, Bến quê, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành v.v... để thấy tính đa chủ đề
này, tuy nhiên, sự đa nghĩa không làm mờ nhòe kết cấu chính của mạch truyện, nghĩa là không làm tư tưởng truyện bị “phân tán” đi. Chiếc thuyền ngoài xa có thể có tới bốn năm chủ đề: Hạnh phúc gia đình; Đời sống của một bộ phận cư dân mưu sinh bằng nghề biển; Nữ quyền; Bạo lực gia đình; Mối quan hệ giữa thực tiễn và nghệ thuật... Chưa kể bản thân các chủ đề trên cũng mang tính luận đề, song, quan trọng hơn cả là tất cả các chủ đề trên đều tập trung cho tư tưởng chính của truyện:
tác giả “luận” về phạm trù cái Đẹp, đâu là cái đẹp đích thực, cái Đẹp trong “tranh”/ tác phẩm nghệ thuật hay cái đẹp ngoài đời? Chân giá trị của cái Đẹp? Cái Đẹp có gắn liền với Đạo đức? Khoảng cách giữa cái đẹp trong tác phẩm và thực tiễn? Tất cả các tình tiết, chi tiết, nhân vật và hình tượng trong tác phẩm phục vụ cho việc luận bàn ấy. Vẻ đẹp trong bức tranh về biển, hình ảnh con thuyền và ngư phủ - chủ nhân của biển cả xuất hiện trong màn sương sớm mang vẻ đẹp vừa lãng mạn vừa hùng vĩ nhưng sự thật được lột trần ngay sau đấy khi bình minh đã tan, khi ngư phủ lên bờ và màn hành xác người vợ diễn ra. Cái Đẹp ảo ảnh tan biến. Thực tiễn xuất hiện vẻ Đẹp khác: vẻ đẹp Mẫu tính. Người đàn bà hiện thân cho vẻ đẹp Mẫu tính: bao dung, chở che, hi sinh. Vẻ đẹp này không chỉ được thể hiện với những đứa con mà với cả anh chồng. Người đàn bà ứng xử với phần còn lại của thế giới bằng bản năng mẫu tính. Nguyễn Minh Châu bỏ qua cái đẹp bên ngoài để “nghiên cứu” cái đẹp bên trong - cái đẹp bản thể “mẫu gốc” của giới tính. Cái Đẹp - Bản thể này mang giá trị đạo đức căn cốt. Hóa ra, những giá trị xuất phát từ căn cốt, nền tảng mới vững bền. Người đàn bà xấu xí về hình thức nhưng cao đẹp về tâm hồn, chính là đấng cứu rỗi bởi sự hi sinh không toan tính. Hình tượng người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa làm người ta nhớ tới triết ngôn: Vì Chúa không có mặt được ở khắp mọi nơi nên Chúa sinh ra người mẹ!
Truyện Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành cũng vậy, người đọc dễ bi “lạc” vào những tình tiết truyện hấp dẫn: người phụ nữ xinh đẹp được đặt giữa chiến trường, trong mối liên hệ với bom đạn, chết chóc, khắc nghiệt của chiến tranh và với những người lính đồng đội. Những câu chuyện tình yêu vừa ngọt ngào vừa dữ dội, vừa “thực” vừa viễn ảo... Song, những tình tiết ấy chỉ để làm đường dẫn cho mục tiêu tư tưởng: tác giả “luận” về việc tìm kiếm những giá trị ảo. Khi người ta tự đặt ra những “giá trị” ảo, huyễn tưởng rằng nó có thật thế rồi rong ruổi, mải miết đi tìm kiếm, giống như cô Quỳ (tên nhân vật) sống trong “mộng du” kiếm tìm người đàn ông lý tưởng trong tưởng tượng của mình, tự đặt mình lên chuyến tàu vô định để đi bến đỗ trong ảo ảnh tưởng tượng. Viết truyện này Nguyễn Minh Châu như muốn “phản biện” lại cho nhận thức của mình một thời, cái thời ấy tác gia say sưa xây dựng những nhân vật lý tưởng, hoàn hảo như Nguyệt, Lãm trong Mảnh trăng
cuối rừng, Y Khiêu trong Nguồn suối, Khuê trong Dấu chân người lính... Đó là
Nguyễn Khải còn rõ ràng hơn Nguyễn Minh Châu ở tính luận đề của tác phẩm. Người đọc đều nhận thấy ngay từ những tác phẩm đầu tay Nguyễn Khải đã định hướng chủ đề tư tưởng tác phẩm ngay từ nhan đề: Xung đột, Mùa lạc, Hãy đi
xa hơn nữa, Tầm nhìn xa v.v... Sau 1978 tác giả tuyên bố: Tôi viết khác. Song, dù
dịch chuyển từ tiếp cận đối tượng là những con người xã hội sang con người cá nhân - cá thể thì lối viết định hướng tư tưởng chủ đề tác phẩm ngay từ đầu vẫn là đặc điểm khó thay đổi của phong cách Nguyễn Khải. Chẳng hạn, niềm đam mê của Nguyễn Khải khi ông muốn khẳng định lại giá trị vĩnh cửu của những vẻ đẹp một thời: Vẻ đẹp “công, dung, ngôn, hạnh” của người phụ nữ; Vẻ đẹp gia phong của “nếp nhà”; Niềm kiêu hãnh của con dòng cháu giống; Vẻ đẹp của người kinh kỳ Tràng An... qua một loạt những tác phẩm: Một người Hà Nội, Nếp nhà, Nắng chiều,
Đất kinh kỳ, Người vợ, Người của ngày xưa... Hoặc quan niệm về con người, số
phận, thời cuộc theo cách mà tác giả muốn triết luận: Cái thời lãng mạn, Đời khổ,
Phía khuất mặt người, Anh hùng bĩ vận, Luật trời, Đổi đời, Lãng tử v.v...
Ở một số tác phẩm có nhan đề tỏ ra rất “chung chung”, khách quan, như Gặp
gỡ cuối năm, tuy nhiên, ngay từ những dòng mở đầu của tác phẩm, tác giả đã “luận”
về hai hai phạm trù “cũ - mới”. Những con người cũ của một xã hội mới, thời thế mới. Có nhiều nhân vật, những cuộc đời, vị thế xã hội khác nhau nhưng đều xoay quanh mối quan tâm: mỗi người sẽ như thế nào trước thời cuộc mới, xã hội mới. Hoặc sử dụng hình ảnh Vòng sóng đến vô cùng làm nhan đề tác phẩm để tái hiện cuộc sống, con người của vùng đất Đồng Tháp Mười bị cuốn vào vòng xoáy của cơ chế thị trường. Trùm lên tất cả là chủ đề tư tưởng: những mặt tốt - xấu, được - mất của cơ chế thị trường và quan trọng hơn là làm thế nào để làm được những thứ có ý nghĩa hơn, với “cái đích xa hơn” vì “có cái đích xa hơn mới cần tới ý chí, tới sức mạnh của ý chí, sự thống nhất về ý chí”, còn chỉ với mục tiêu đếm tiền “một đời cúi mặt đếm tiền, tiền là trên hết, lãi là trên hết, có thành đạt lắm cũng chỉ được là anh nhà giàu phố chợ” [21; tr. 516].
Phần lớn truyện của Nguyễn Khải từ tiểu thuyết đến truyện ngắn đều có định hưởng tư tưởng chủ đề bám rất sát với những vấn đề thời sự xã hội với mục tiêu triết luận rõ ràng: “... Sống với thời cuộc nhưng còn phải biết tách ra khỏi thời cuộc để nhận ra cái sẽ còn lấp lánh lâu dài của nhiều tình tiết trong thời cuộc, sống với người cùng thời nhưng phải lấy con mắt của người đời sau để đo lường nhiều giá trị”.
Như vậy, có thể nói, sự gặp gỡ đầu tiên của hai ngòi bút cùng đam mê triết luận chính là ở tính luận đề ở phương diện đề tài - chủ đề tác phẩm. Đó là định hướng tư tưởng hướng tới mục tiêu luận bàn về một vấn đề nào đó của hiện thực là điểm gặp gỡ dễ thấy của hai cây bút sống cùng thời đại, cùng lấy tôn chỉ mục đích dùng ngòi bút phục vụ nhân dân mình, dân tộc mình gắn với ý thức trách nhiệm: trong mỗi nhà văn là một công dân yêu nước! Họ đã phụng sự hết mình vì đất nước, dân tộc. Điều đáng kể hơn cả, tư tưởng phụng sự của họ thông qua tài năng nghệ thuật đã hội nhập với những tư tưởng nền tảng lớn lao của nhân loại, như: đề cao tinh thần nhân bản, đề cao giá trị đạo đức cao quý hướng đến chân - thiện - mỹ!