Xu hướng tự sự

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ tản văn việt nam từ 1986 đến nay (vietnamese prose from 1986 to present) (Trang 62 - 65)

6. Bố cục của luận án

2.3.2. Xu hướng tự sự

Tản văn tự sự lấy sự miêu tả, trần thuật làm phương thức biểu đạt chính; lấy cảnh vật, sự kiện, nhân vật làm nội dung biểu đạt. Tản văn tập trung miêu tả sự vật, sự việc, hiện tượng và con người nhưng không giống như trong tiểu thuyết. Ở tản văn là sự trần thuật, miêu tả một số phiến đoạn của sự kiện; một số mặt quan trọng của nhân vật; một vài phương diện nào đó của cảnh vật. Mặt khác, trong tản văn tự sự, tác giả thường lấy đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất xưng “tôi” làm sợi dây liên kết những phiến đoạn miêu tả sự việc, con người, cảnh vật lại với nhau. Đồng thời, thủ pháp miêu tả thường được các nhà văn vận dụng triệt để nhằm lược thuật cũng như phác họa sự việc theo đúng ý đồ nghệ thuật. Do dung lượng một tản văn không dài như truyện ngắn hay tiểu thuyết, vì thế ngôn ngữ tác giả sử dụng trong tản văn theo hướng đặc tả để kể, miêu tả, vẽ ra những đặc sắc của cảnh vật, tình trạng của sự kiện, thần thái của nhân vật... trong hiện thực đời sống mà nhà văn quan sát được.

Từ năm 1986 đến nay, tản văn có xu hướng thiên về tự sự luôn thể hiện những quan sát tinh tế, sắc sảo của người cầm bút. Chính sự am hiểu về hiện thực, con người và nghệ thuật đã cho họ vốn kiến thức đi sâu vào tìm hiểu những vấn đề đa dạng của cuộc sống để bày tỏ những nỗi niềm, suy tư, trăn trở. Đó là những câu

chuyện trong vòng xoáy của đồng tiền và cuộc vật lộn bất thành của phận người; là câu chuyện về đất đai, về công việc, nghề nghiệp, phương tiện, chợ búa, gia đình, bạn bè, môi trường sinh thái… Tất cả đã tạo nên một bức tranh chân thực, sống động vốn tồn tại trong đời sống công nghiệp hiện đại. Tản văn của Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Ngọc Tư, Dạ Ngân, Nguyễn Trương Quý, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Di Linh, Nguyễn Nhật Ánh, Phan Thị Vàng Anh, HamLet Trương… đã phần nào khắc họa được những điều đó. Độc giả có cái nhìn đa diện hơn về cuộc sống, cũng như có thời gian suy tư, nhìn, ngẫm lại cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc đã qua của cuộc đời. Đọc tản văn của Nguyễn Quang Thiều, một cây bút tản văn tự sự xuất sắc, chúng ta thấy nổi bật lên cảm giác con người bị đọa đày nơi phố phường, đầy đọa trong những vòng xoay của tạo hóa, với biết bao nhiêu khê, phức tạp của đời sống. Nhà văn nhận thấy những nét đẹp của một Hà Nội xưa trong thời hiện đại quá ít ỏi, những di sản đó tồn tại quá mỏng manh và yếu ớt, chúng “hiện ra như những cái vẫy tay vĩnh biệt”. Nguyễn Quang Thiều đau đáu về “những gì làm nên Hà Nội ngàn năm văn hiến và những gì đang hủy hoại nền văn hiến ấy?”. Có một tiếng thở dài khi nhà văn quan sát và nhận ra rằng “đô thị hóa và đời sống hiện đại như xóa đi tất cả”; và rồi, con người khác biệt đó đã chọn sự ra đi như một kẻ cô độc tìm đến một đức tin, rời bỏ thành phố về làng quê hòng tìm kiếm Mùi của ký ức. Cõi đi về của con người trầm lặng ấy là hành trình rời bỏ những ồn ào, ngột ngạt, bức bối của phố thị - hiện tại để tìm về chốn bình yên, thanh thản của làng quê yêu dấu. Có thể nói, cõi đi về của Nguyễn Quang Thiều là một góc nào đó vô thanh, có Mùi của ký ức tràn ngập không gian sống và chỉ khi đắm mình trong đó, tâm hồn ốm yếu mới được phục sinh, mới cảm thấy bớt đau, tủi, nhức nhối.

Xu hướng tự sự trong tản văn còn thể hiện trong nhiều tác phẩm của các nhà văn khác; trong đó, đáng chú ý là các tản văn của Nguyễn Trương Quý. Đọc tản văn của Nguyễn Trương Quý, độc giả nhận thấy đó là sự càn lướt hiện thực của nhà văn. Qua cái nhìn của văn chương, các vấn đề của hiện thực xã hội được nhà văn cảm nhận và phản ánh một cách có chiều sâu, có độ sắc cạnh và quyết liệt. Tản văn

Nguyễn Trương Quý đã chuyển tải những “tứ” của hiện thực đời sống, tác giả đưa ra quan điểm của mình trong vai trò là một người đối thoại với người đọc. Dễ nhận thấy trong tản văn của Nguyễn Trương Quý là nhịp điệu của một thời đại mới, thế hệ mới. Tác giả đã thổi được nhịp thở của thời đại vào trong mỗi trang viết. Đặc biệt, nhà văn rất quan tâm đến số lượng người đọc đang theo dõi những tác phẩm của mình. Chính vì thế, Nguyễn Trương Quý quan niệm tản văn phải mang tính đối thoại, thể hiện được những trăn trở, khát khao và suy nghĩ về đời sống của độc giả. Mỗi cuốn sách của Nguyễn Trương Quý là một ý tưởng thể hiện sự trải nghiệm về những điều gần gũi, quen thuộc của đời sống. Tập tản văn Xe máy tiếu ngạo chạm đến thói quen vốn dĩ đã trở thành bản năng hoạt động của con người Việt Nam. Tuy nhiên, có thật chúng ta đã hiểu hết tất cả những tác dụng của chúng chưa, hay chỉ lớt phớt trèo lên, phóng thục mạng, sử dụng tùy tiện như với các đồ vật khác. Chiếc xe máy đã được nhà văn nâng lên thành hình tượng, và với hình tượng đặc sắc ấy, độc giả liên tưởng đến việc nhà văn đang làm một tiểu luận xã hội về hiện tượng xe máy hơn là những chia sẻ về cảm xúc văn học. Tập tản văn đã bỏ qua những cảm xúc tản mạn để khắc họa chân dung một phương tiện làm cơ sở cho sự đối thoại với độc giả về tất cả những tác dụng của xe máy trong đời sống vốn tạo nên đặc điểm, hành vi, lối sống của con người Việt Nam.

Trong cuộc sống bộn bề, chúng ta mải mê lao vào công việc, cố kiếm tìm kiếm những thứ xa xỉ về vật chất mà vô tình quên đi những điều sâu thẳm trong trái tim mình. Con người đang dần dần tự biến mình thành những cỗ máy vô cảm. Tản văn sau năm 1986 đã đi sâu, đề cập đến từng khía cạnh, góc khuất của tâm hồn, của lương tâm con người để cảnh báo sự xuống cấp các giá trị đạo đức, sự phôi phai của các giá trị truyền thống. Những dòng thống thiết, những tiếng nói mạnh mẽ của tản văn góp công đi tìm một nốt lặng trong cuộc sống, hướng con người tới những điều giản dị, tâm hồn ngập tràn yêu thương. Chúng ta có bao giờ nghĩ hạnh phúc chính là điều quan trọng nhất, nhưng có mấy ai trả lời được hạnh phúc thật sự là gì và thứ thật sự mỗi người đang tìm kiếm trong cuộc đời là gì?. Chính vì vậy, những giây

phút nhỏ nhoi và bình dị trong cuộc sống ở hiện tại có lẽ chính là thứ mà chúng ta cần và đáng để trân trọng nhất.

Xu hướng tự sự trong tản văn luôn đề cập tới sự biểu hiện của cái tôi tác giả trước các vấn đề xã hội. Trong các tác phẩm, nhà văn trình bày những quan điểm, suy nghĩ, tư tưởng về các vấn đề của hiện thực đề tìm sự đối thoại với người đọc, mong muốn thấu hiểu nhiều hơn những mong muốn, tâm tư của họ về những nhiêu khê, phức tạp của bộn bề đời sống. Không phải ngẫu nhiên mà tản văn từ sau năm 1986 luôn giữ được vị trí hàng đầu trong hệ thống các thể loại đươc yêu thích nhất trên văn đàn Việt Nam. Bên cạnh những đặc trưng của thể loại thì việc chạm đến tận sâu nỗi niềm, tâm tư của độc giả, luôn lắng nghe, thấu hiểu để sẻ chia cùng độc giả đã trở thành nhịp cầu giao tiếp thân thiện, gần gũi, vô cùng hiệu quả giữa một bên là đối tượng sáng tạo nghệ thuật và một bên là đối tượng tiếp nhận nghệ thuật.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ tản văn việt nam từ 1986 đến nay (vietnamese prose from 1986 to present) (Trang 62 - 65)