Ngôn ngữ mạng

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ tản văn việt nam từ 1986 đến nay (vietnamese prose from 1986 to present) (Trang 135 - 139)

6. Bố cục của luận án

4.2.4. Ngôn ngữ mạng

Trong thời đại công nghệ số, sự bùng nổ của mạng internet làm cho ngôn ngữ mạng ngày càng phát triển. Hiểu một cách đơn giản, ngôn ngữ mạng (Cyber Language) là ngôn ngữ được dùng để trao đổi trên mạng Internet. Một cách cụ thể hơn, ngôn ngữ mạng là ngôn ngữ được cư dân mạng sử dụng để thích ứng với nhu cầu giao tiếp trên mạng. Có thể nói, ngôn ngữ mạng là động thái biểu hiện cho sự trẻ trung, năng động và cá tính của từng người. Tính tiện nghi, nhanh chóng chính là yếu tố quyết định cho sự khẳng định của những từ ngữ hay ký hiệu hiện được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực khác nhau trên không gian mạng.

Ở Việt Nam, đặc tính của ngôn ngữ mạng là sự biến thể so với chuẩn mực tiếng Việt. Nó có sự đơn giản hóa cấu trúc ngữ pháp và từ ngữ để phục vụ nhu cầu giao tiếp nhanh gọn trên Internet. Bên cạnh đó, ngôn ngữ mạng còn sử dụng các ký hiệu, biểu tượng để biểu đạt thông tin, làm cho ngôn ngữ sinh động và đạt hiệu quả cao khi giao tiếp. Ngôn ngữ mạng có tính cởi mở, linh hoạt bởi nó là ngôn ngữ của giới trẻ thường muốn tự khẳng định, trước hết về ngôn từ. Với tâm lý muốn sáng tạo lớp trẻ muốn tạo một thứ ngôn ngữ riêng nhằm khẳng định bản thân. Vì thế, có thể nói, lớp trẻ đang đi tiên phong trong đổi mới ngôn ngữ. Thế hệ trẻ đang làm phong phú ngôn ngữ, làm cho nó dân chủ và sáng tạo hơn. Mặc dù khá trí tuệ, hiện đại, hài hước, giàu hình ảnh nhưng đôi khi ngôn ngữ mạng có phần suồng sã, dung tục.

Trong lĩnh vực văn học, internet đã tạo ra cơ hội để tác phẩm đến với người đọc một cách nhanh chóng, rút ngắn thời gian, mở rộng không gian trao đổi của nhà văn đối với xã hội. Tuy nhiên, dù xuất hiện trên internet thì tác phẩm chỉ được coi là tác phẩm văn chương khi đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu về tư tưởng - nghệ thuật. Điều quyết định làm nên thành công của một tác phẩm vẫn là tài năng, tư tưởng người nghệ sĩ.

Hai mươi năm đầu thế kỉ XXI, chứng kiến sự nở rộ của thể loại tản văn, một trong những thể loại hưng thịnh bậc nhất trong hệ thống thể loại của văn học hiện đại Việt Nam. Góp phần vào sự phát triển, bùng nổ đó, không thể không nói tới vai trò của công nghệ số và mạng Internet. Internet đã xóa nhòa khoảng cách, đưa bạn

đọc lại gần hơn với nhà văn để có thể tiếp cận những tác phẩm mới nhất, thỏa mãn nhu cầu đọc của độc giả. Không những thế, sự tương tác, đối thoại trực tiếp trên không gian mạng cũng diễn ra một cách nhanh chóng, tức thì giữa nhà văn và bạn đọc, đem đến một sinh khí mới cho đời sống văn chương đương đại. Bên cạnh đó, do đặc trưng của thể loại, tản văn rất ngắn gọn, hàm súc, ngôn ngữ trẻ trung, tươi mới, thú vị… Mặt khác đề tài lại thường đề cập tới những vấn đề nóng bỏng của xã hội. Chính điều đó đã thu hút sự chú ý của bạn đọc, đặc biệt là giới trẻ, những người không có nhiều thời gian để theo dõi những tác phẩm có dung lượng đồ sộ. Nhà văn Nguyễn Quang Lập thừa nhận rằng nhờ có mạng internet ông được bạn đọc biết đến nhiều hơn, sáng tác “khỏe” hơn ngay cả lúc đã “thành phế nhân”. Có thể thấy, khi những tản văn xuất hiện trên mạng Internet thì những tác phẩm ấy đã biểu hiện được các yêu cầu về mặt thể loại: dung lượng tác phẩm ngắn gọn, hàm súc, ngôn ngữ trong được cập nhật thêm phần tươi mới, sáng tạo; cá tính, phong cách sáng tạo của người nghệ sĩ được thể hiện; tạo sức hấp dẫn với đối tượng tiếp nhận, những độc giả của thời đại công nghệ, truyền thông…

Tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI, ngôn ngữ mạng là thứ ngôn ngữ đời thường, tươi mới cùng nền kinh tế thị trường. Nó có sự kết hợp linh hoạt với ngôn ngữ báo chí và mang tính chất toàn cầu hóa. Đặc điểm nổi bật nhất của ngôn ngữ mạng chính là “đời thường hóa thuật ngữ công nghệ hoặc thuật ngữ hóa khẩu ngữ thông dụng để cho ra đời một lớp nghĩa mới” [45; tr. 139]. Điều này tạo ra sự gần gũi, dễ hiểu khi lớp từ vựng mang hơi thở của thời đại. Chúng ta thường thấy lối nói của ngôn ngữ teen, thay vì nói cùng nhau trả tiền cho một mặt hàng nào đó, giới trẻ ngày nay dùng từ căm-pu-chia; nói về sự mơ mộng, giớ trẻ dùng luôn tên của tác phẩm văn học cổ điển Trung Quốc hồng lâu mộng; nói về sự thua lỗ, người ta gọi là “lỗ tấn”; thay vì “họp lớp, họp nhóm giới trẻ dùng là “off lớp”, “off team”; về sự giàu có người ta dùng là thầu giầu; nâng cao trình độ dùng là “lên level”… Bên cạnh đó, giới trẻ sử dụng rất nhiều từ ngữ được cải biến nhưng lệch chuẩn để thể hiện cái tôi cá tính, hài hước như: vk ck (vợ chồng), phôi fine (phai), pà kon (bà con), # hoa (thăng hoa), lun lun (luôn luôn), ku te (dễ thương), iu (yêu)... Mặc dù

thịnh hành trong giới trẻ, nhưng nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng vì những hệ lụy mà lớp ngôn ngữ này có thể gây ra những hệ lụy không lường cho người dùng nó. Không những thế, nhiều phát ngôn của một ai đó nổi tiếng được tách ra lấy một cụm từ, một từ để trở thành hot trend thời gian gần đây: vãi cả nồi, đi đu đưa đi, thần linh ơi, toang rồi ông giáo ơi… Những vấn đề này, xã hội đã lên tiếng phản đối bởi việc biến hình và biến nghĩa tiếng Việt làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Nhưng khi xuất hiện trong các trang viết của các nhà văn, như: Đỗ Phấn, Trang Hạ, Nguyễn Việt Hà, Hà Kin, Keng, Gào, Uông Triều, Nguyễn Trương Quý, Trần Thu Trang… đã làm cho lượng ngôn ngữ này mềm mại, có duyên hơn. Nó thể hiện đúng ý đồ biểu đạt của nhà văn thông qua lớp ngôn ngữ tuổi teen đó.

Đặc biệt, tản văn mạng thời kì này nói riêng cũng như văn học mạng đương đại nói chung, ngôn ngữ hướng tới sự gần gũi, dễ hiểu, với lớp từ vựng sống động mang hơi thở của thời đại. Đáng chú ý là tản văn mạng sử dụng nhiều khẩu văn, ngôn ngữ thông tục. Nguyễn Quang Lập đã từng nói tới ngôn ngữ khẩu văn: “đang có món khẩu văn chưa biết thử nghiệm ở đâu cả. Thử nghiệm phải đưa cho công chúng, nhưng báo chí nào chấp nhận loại đó”. Bởi báo chí truyền thống không chấp nhận ngôn ngữ khẩu văn nên phải đưa lên mạng. Sau đó, lối viết khẩu văn trong Kí ức vụn, Bạn văn, Chuyện đời vớ vẩn được người đọc đón nhận và xuất bản thành sách. Có thể nói, mỗi một bài tản văn, với dung lượng tương ứng mỗi entry, status được post lên hằng ngày, không chỉ có ưu thế phù hợp với quỹ thời gian ngắn ngủi của con người mà bên cạnh đó còn có khả năng chớp được một vấn đề thời sự nóng hổi của đời sống xã hội. Trên các trang cá nhân của các tác giả, như: Trần Thu Trang, Trang Hạ, Hamlet Trương, Khải Đơn, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quang Lập, Y Phương, Nguyễn Trương Quý…, chúng ta thường thấy có sự tương tác, đối thoại giữa người viết và độc giả. Độc giả có thể cập nhật thường xuyên những entry, status, caption của các nhà văn này để đọc, chia sẻ, bình luận, trình bày quan điểm cá nhân của mình. Trong sự phát triển của tản văn mạng, một trong những gương mặt tiêu biểu nhất không thể không nói tới là Nguyễn Việt Hà. Có thể nói, Nguyễn Việt Hà là cây bút đã có sự đóng góp không nhỏ cho tản văn mạng khi truyền tải một khối lượng lớn

ngôn ngữ tuổi teen, ngôn ngữ vỉa hè, đường phố… vào các trang viết của mình, đem đến sự mới mẻ, hấp dẫn, thích thú với đông đảo bạn đọc yêu thích thể loại văn học này. Nguyễn Việt Hà trong Con giai phố cổ đã sử dụng lớp ngôn ngữ khẩu văn, thông tục mà chúng ta thường thấy trong giao tiếp sinh hoạt hằng ngày của con người, trong đó có đan xen ngôn ngữ mạng: “Theo ca dao Việt, cái gọi là tâm hồn hay đáy lòng của phụ nữ vốn hơi nông. Đàn ông nông nổi giếng khơi. Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu, từ ngàn xưa bọn đàn ông vẫn chắc mẩm là vậy. Chao ôi, đã ngu còn tỏ ra nguy hiểm. Bởi tuy không sâu nhưng đì zai của cơi trầu cổ luôn có nhiều ngăn”. Đọc tác phẩm của Nguyễn Việt Hà, có thể thấy, nhà văn thường mượn chuyện xưa để châm biếm xã hội với nhiều những kệch cỡm, lọc lừa, dối trá; mượn chuyện quân tử trong các tích xưa để đả kích thói đê tiện, hèn mạt, những kẻ tham lam trong xã hội ngày nay và mượn chuyện của những bậc tiền nhân để châm chọc thói đạo đức giả trong xã hội hiện đại, thứ tình yêu sặc mùi kim tiền trong thời buổi kinh tế thị trường. Ở Tình hèn, tác giả đã kết bằng câu “hèn bỏ mẹ”, hoặc: “Mới vài tháng trước đây thôi khi còn đang đồng sàng thì không đêm nào các nàng không khát khao mơ thấy cảnh dùng xăng tẩm đứa nằm cạnh thành món bác- bờ- ciu”; “Đâu rồi tiếng thét thất thanh của Thúy Kiều “dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha” mà chỉ thấy người đẹp nghẹn ngào nức nở “xê ra để thiếp bán mình chuộc xe”.

Bên cạnh đó, tản văn mạng cũng tận dụng được thế mạnh của thời đại công nghệ số khi kết hợp khẩu ngữ với ngôn ngữ viết, kí hiệu và icon trong tác phẩm. Đọc tản văn của Trang Hạ, Nguyễn Quang Thiều, Khải Đơn, Hoàng Lê Nguyên Vũ… độc giả sẽ cảm thấy hấp dẫn, thích mắt hơn khi nhìn trên trang cá nhân của các nhà văn là những hình ảnh, họa tiết minh họa cho tác phẩm của mình. Từ cách trang trí, sắp đặt tác phẩm cho đến cách chọn màu nền, ảnh chữ, sự phá cách trong bố cục, kết cấu và còn đó là những ký hiệu cảm xúc, hiệu ứng chữ… Những điều này tác động vào thị giác và trí não độc giả, tạo nên sự cảm nhận tác phẩm sâu sắc hơn so với tiếp nhận theo cách truyền thống bằng sách in bình thường. Nhà văn Nguyễn Quang Lập là người tạo ra trào lưu “hihi”, “hehe” trên mạng internet đem đến sự khác lạ với bạn đọc truyền thống nhưng lại rất quen thuộc và hấp dẫn đối với giới trẻ hiện nay. Trang

Hạ trong Phải lòng nhau đã sử dụng rất nhiều những ký hiệu phi ngôn ngữ như: biểu tượng mặt cười, số đếm, trái tim… để tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn đối với bạn đọc.

Nếu như văn học mạng nói chung và tản văn mạng nói riêng là sự vượt thoát khỏi biên giới của không gian địa lí và sự kiểm duyệt thì chính sự tự do trên môi trường mạng tạo nên sức hấp dẫn đối với người đọc và người viết. Nó tạo ra những cách tân và phá cách trong văn chương Việt Nam đương đại. Ngôn ngữ tản văn mạng là một trong những sự cách tân và phá cách đó. Có thể nói, trong môi trường tự do, rộng lớn không có đường biên, tản văn đã tạo thêm cho mình không gian để phát triển, góp phần hình thành nên diện mạo với của tản văn hiện đại Việt Nam. Các lớp ngôn ngữ sinh hoạt, vỉa hè, cơm bụi của thế hệ tuổi teen, thế hệ @, hoặc chính những lớp từ vựng của công nghệ Internet được các cây bút viết tản văn vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo đem đến sự hấp dẫn, mới lạ cho đông đảo độc giả yêu thích văn chương.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ tản văn việt nam từ 1986 đến nay (vietnamese prose from 1986 to present) (Trang 135 - 139)