Cái tôi tự biểu hiện

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ tản văn việt nam từ 1986 đến nay (vietnamese prose from 1986 to present) (Trang 71 - 76)

6. Bố cục của luận án

3.1.1. Cái tôi tự biểu hiện

Trong tác phẩm văn học, hình tượng tác giả là sự thể hiện của cái tôi thứ hai. Nếu cái tôi thứ nhất là cái tôi trong cuộc sống thực tại của nhà văn thì cái tôi thứ hai là cái tôi của người nghệ sĩ tồn tại trong tác phẩm văn học. Tác giả là người sáng tạo ra tác phẩm, đồng thời để lại dấu ấn, phong cách của mình thông qua thế giới nghệ thuật do mình sáng tạo ra. Cái tôi thứ hai tự biểu hiện bao giờ cũng xuất hiện dưới một tư thế văn học nào đó, nó ghi dấu ấn chủ thể trong tác phẩm, là tiếng nói của cái tôi thứ nhất, đại diện, chịu trách nhiệm cho những tư tưởng, quan điểm của tác giả xuất hiện trong tác phẩm văn học.

Các tác giả viết tản văn xuất phát từ nhiều động cơ, nhu cầu khác nhau. Trong đó không giấu giếm nhu cầu bộc lộ con người đời tư, cá nhân của chính mình. Chính vì thế, ở nhiều tác giả, tản văn là bản tự thuật đời tư một cách chân thực và sống động nhất.

Di Li, một nhà văn trẻ nổi bật trên văn đàn thời gian gần đây. Với giọng văn sắc sảo, hài hước, Di Li đem đến cho người đọc những góc nhìn và cảm xúc mới lạ về các vấn đề của đời sống. Cuốn tản văn Adam & Eva là tập hợp những câu chuyện xoay quanh các vấn đề của cuộc sống đời thường, về tình yêu, hôn nhân, gia đình, về đàn ông, phụ nữ, bình đẳng giới… Ở đó, cái tôi tự biểu hiện của Di Li đã nói về cuộc sống, tình yêu, về đàn ông hay đàn bà “bằng tâm thế của một người đàn bà để

viết về đàn bà và từ con mắt đàn bà “liếc” sang giới mày râu xem họ nghĩ, họ ứng xử, họ cư xử ra sao”. Với Di Li “người ta hay bảo tôi là người mâu thuẫn. Tôi bảo bản chất của loài người là mâu thuẫn, tôi cũng là con người thì mâu thuẫn có sao” (Mâu thuẫn đàn bà và anh chàng đu đủ sữa - Di Li). Trong cách nhìn nhận về cuộc sống, cái tôi tự biểu hiện của Di Li cũng mang nhiều điểm mới mẻ, cá tính so với những nhà văn khác: “Tôi vốn ghét phải trả lời các câu hỏi mang tính lựa chọn, đặc biệt là trong những trường hợp ta không có khả năng lựa chọn. Xinh đẹp hay trí tuệ hay giàu có thì… Trời sinh ra thế. Trời cho thứ gì xài thứ nấy chứ chọn sao được bây giờ” (Nhan sắc hay trí tuệ hay giàu có). Dù viết về phụ nữ hay đàn ông, cái tôi tự biểu hiện của tác giả đều đưa ra cách nhìn nhận riêng của mình, thường là lật ngược lại hoàn toàn với quan niệm trước nay của số đông. Cái tôi ấy cho rằng sinh con gái, kể cả sinh đến hàng chục đứa vẫn thích hơn sinh được con trai, và đưa ra nhiều dẫn chứng về lợi ích của việc sinh con gái. Trong khi đó, đàn ông sinh ra trên đời này là khổ, đến lúc chết vẫn đeo thêm vô số nỗi khổ nữa. Lí giải cho sự thất bại trong tình yêu và hôn nhân, cái tôi tự biểu hiện cũng cho rằng lí do duy nhất là người ta không thể hiểu được chính bản thân mình và người khác. Mặc dù cách lí giải đó thông qua những câu chuyện vui bởi sự hài hước, bông lơn nhưng dấu chấm kết của mỗi câu chuyện thường đem lại một nụ cười buồn sâu sắc.

Với Nguyễn Ngọc Tư, cái tôi luôn thể hiện sự suy ngẫm, chiêm nghiệm, triết lí về lẽ đời, lẽ người. Cái tôi ấy băn khoăn, trăn trở, day dứt trước những bất cập, nhiêu khê của hiện thực đời sống, bởi theo tác giả, “con người còn dễ bị đánh mất hơn cả thiên nhiên, vì người có khả năng tự mình đánh mất mình” (Khoảnh khắc của hoa quỳnh - Nguyễn Ngọc Tư). Cái tôi cá nhân đời tư còn biểu hiện qua những dòng hoài niệm về ký ức tuổi thơ rất đỗi êm đềm. Thông qua hình ảnh cây lau sậy trong Chập chờn lau sậy, Nguyễn Ngọc Tư bộc lộ nỗi nhớ quê hương và những kỉ niệm tuổi thơ. Dường như lau sậy chính là hình ảnh bình dị của quê hương, mang theo bên mình như mỗi hành trang rất đỗi thiêng liêng: “Kỉ niệm về lau sậy khiến tôi chẳng thể nào quên, nhớ ông ngoại lúc giận quá hay nhặt cây sậy đánh cháu. Roi không gây đau, tôi hí hửng nghĩ ông ngoại mờ mắt, lớn lên mới biết chính mình mờ

mắt. Hình ảnh lau sậy cũng mang đến cho tôi nhiều trăn trở qua những bông sậy long đong kết lại thành chùm, xoay tròn trên nền gạch, thấy buồn” (Chập chờn lau sậy - Nguyễn Ngọc Tư). Hình ảnh lau sậy cứ chập chờn trong hoài niệm nhuốm đầy thương nhớ. Nỗi buồn, sự cô đơn cùng với những chiêm nghiệm về lẽ đời cũng đượm thêm khi cái tôi tác giả nhìn một nhành lục bình liu riu, thiu thỉu trên mặt sông: “lần đầu tiên tôi phát hiện ra vẻ đẹp của nỗi cô đơn, sưu tập thêm một biểu tượng của cái buồn xứ sở, cùng với khói đốt đồng phơ phất dưới hoàng hôn, cùng với tiếng bìm bịp thăm thẳm theo con nước, bầy đom đóm leo lét trên rặng bần. Một vẻ buồn rất lạ, đằm sâu, nhưng không giam hãm con người, không tù đọng, không cùng quẫn. Cái buồn trải dài, thông thống, mênh mông, cởi mở...” (Lục bình - Nguyễn Ngọc Tư) và nhân vật tôi thiết nghĩ: “con người ta còn tự cầm tù mình bằng những ảo vọng ngông cuồng được thì sá gì đám lục bình hèn mọn này, sá chi con chim trong lồng kia...” (Lục bình - Nguyễn Ngọc Tư).

Cái tôi trong Tản văn Nguyễn Nhật Ánh luôn khát khao tìm mọi cách để thỏa mãn nỗi nhớ quê hương xứ sở. Quê hương với những điều bình dị, gần gũi, thân thuộc luôn hiển hiện trong tâm trí nhà văn. Cái tôi tự biểu hiện ấy thẳng thắn thừa nhận: “Tôi là nhà văn. Nên tôi thỏa nỗi nhớ quê của mình theo cách của người hành nghề bằng con chữ. Những kỉ niệm, những vùng đất, những gương mặt bạn bè ấu thơ thi nhau hiện lên trong hết cuốn sách này đến cuốn sách khác. Đến bây giờ, tôi vẫn băn khoăn tự hỏi: có phải đó là nguyên nhân sâu xa khiến tôi trở thành nhà văn chuyên viết cho tuổi thơ - một thế giới lung linh mà một kẻ tha hương không nguôi nhớ đến và tìm mọi cách tái tạo trong những trang viết của mình” (Sương khói quê nhà - Nguyễn Nhật Ánh). Theo dòng tâm tư của kí ức, nhà văn đã gặp lại hình ảnh và mùi thơm quen thuộc của những quả thị ở một chợ nhỏ bên đường. Quả thị trong kí ức của nhân vật tôi và những người khác không hẳn là một món ăn mà còn là một món chơi, nó đã trở thành một phần của kỉ niệm, của những ngày thơ ấu lớn lên ở miền quê nghèo miền Trung. Sau này, tác giả sinh sống và làm việc ở phương Nam, hình ảnh và mùi thơm của thị chỉ theo về qua những giấc mơ hoài niệm. Bởi thế, khi gặp rổ thị bày bán ven đường, tác giả đã dừng chân mua hết cả rổ thị mà không cần

trả giá. Với tác giả, những kỉ niệm của tuổi thơ đã trở thành những món hàng vô giá mà không phải lúc nào cũng gặp lại được. Nhân vật tôi đem rổ thị trở về và đặt trên bàn để bồi hồi nghe lại hương thơm, lắng lòng với tuổi thơ, với hoài niệm của quá khứ (Cây trái tuổi thơ - Nguyễn Nhật Ánh). Ngày nay khi cuộc sống đã đủ đầy liệu còn ai nhớ tới những loài cây bình dị ấy hay không? Liệu còn ai nhắc tới những kí ức tuổi thơ tươi đẹp mình từng có trong đời? Trong Thương nhớ Trà Long, tình cảm gia đình còn được biểu hiện trong tình cảm của tác giả đối với quê hương xứ sở. Ở đó, cái tôi của tác giả kể về những khoảng trời thơ ấu nhọc nhằn, vất vả nhưng chứa chan tình cảm thiêng liêng: “Khi tôi còn nhỏ, gia đình đông con lại con nhà công chức nên cuộc sống nhọc nhằn vất vả. Tháng nào nhà hết gạo mà chưa kịp lãnh lương ba tôi lại vào nhà dì. Dì làm ruộng, nhà ở Trà Long, vào nhà dì thế nào lúc ra về ba tôi cũng được dì tặng vài chục kí gạo đem về cho chúng tôi. Lần nào ba tôi nhắc về mảnh đất Trà Long là chúng tôi lại nháo nhác tranh nhau đi” (Thương nhớ Trà Long - Nguyễn Nhật Ánh). Tình cảm gia đình là vậy, dù cho không phải là cha mẹ nhưng tình cảm của người dì cũng thật thân thương trìu mến. Thời gian càng trôi qua, càng xa cách Trà Long tuổi nhỏ. Ngăn cách nhân vật tôi với Trà Long trong thời kì đó không chỉ là khoảng cách về không gian, thời gian, mà còn cả những dâu bể đời người. Mãi năm tháng về sau khi cuộc sống bớt vất vả, tác giả mới có dịp về thăm lại Trà Long chứng kiến mái tóc bạc của dượng và bao vết nhăn được thời gian chạm trổ trên mặt dì. Khoảnh khắc rưng rưng bởi những kí ức tuổi thơ thật tươi đẹp chẳng bao giờ trở lại. Bình dị, đùm bọc, yêu thương ở những năm tháng cơ cực của đời người đã sưởi ấm trái tim con người - đó là tình cảm gia đình.

Viết về tình yêu, cái tôi tự biểu hiện trong tản văn của Tuệ Mẫn dằng dặc những suy tư, nỗi niềm trăn trở. Sự khát khao mãnh liệt trong tình yêu luôn đi cùng những cảm giác bất an, lo sợ rằng ngày mai đối phương sẽ bỏ mình mà đi mất. Cái tôi tỏ ra sợ hãi, sợ mất đi người yêu dấu. Đôi khi đang ở bên cạnh anh, được anh ôm thật chặt, cảm giác ấm áp, an toàn, hạnh phúc mà cái tôi ấy bỗng “gờn gợn suy nghĩ, chẳng biết tại sao nữa, lại nghĩ rằng nếu một ngày không còn ở cạnh anh nữa thì sẽ như thế nào, rồi buồn, tự nhiên chảy nước mắt” (Hay là thôi, mình đừng nói chuyện

ngày mai - Tuệ Mẫn). Có lẽ cái tôi ấy đã từng trải qua sóng gió, từng đổ vỡ, từng chịu rất nhiều tổn thương và đau khổ, cho nên đến một thời điểm mà họ tìm được cho mình một bờ vai nương tựa thì ở đâu đó trong lòng, một cảm giác lo âu, bất an, chông chênh cứ xâm chiếm tâm hồn mà chẳng thể nào diễn tả được.

Hamlet Trương cũng là tác giả trẻ có sở trường viết những đầu sách về tình yêu và sự chiêm nghiệm cuộc sống, đang rất được lòng giới trẻ với các tập tản văn như: Thương nhau để đó, Ai rồi cũng khác, Yêu đi rồi khóc… Các tác phẩm được viết nên từ những chiêm nghiệm rất thật của nhà văn về cuộc sống, tình yêu, con người. Với HamLet Trương, là con người, trong đau khổ, nếu nhận thức được mình thật ra đã được cuộc sống ban tặng cho nhiều thứ, hẳn chúng ta vẫn có thể mỉm cười. Cái tôi tự biểu hiện của tác giả cũng cho rằng người ta đau khổ vì sự cô đơn không có cách nào lấp đầy được. Đôi khi chúng ta cố nghĩ tất cả mọi thứ đang tồi tệ đi, vì bạn mong muốn sự tồi tệ đó sẽ tưới tắm cho nỗi đau mà bạn đang nuôi dưỡng trong lòng. Nhiệm vụ quan trọng nhất của bạn là ngồi dậy và sống tiếp đời mình bởi dù sao cuộc đời vẫn đẹp dẫu vẫn còn đó nhiều nuối tiếc. Trong tản văn Sao không thể thương tôi như yêu, cái tôi tự biểu hiện của tác giả thường dằn vặt về những khái niệm, những câu hỏi về yêu, về thương. Nhiều người nghĩ chúng giống nhau nhưng cũng có người khẳng định chúng khác nhau. Chữ “người thương” nghe có vẻ gần gũi, thân thuộc nhưng về mặt bản chất nó chất chứa những nỗi đau, sự dằn vặt của con người. Vì không đến được với nhau, không thể yêu nhau nên người ta mới thương nhau. Họ cảm thương cho thân phận, cho tình duyên trắc trở. Có thể chọn yêu như thương nhưng không thể chọn thương như yêu. Trong tản văn Có một chiều em đi ngang qua tôi, cái tôi tự biểu hiện của tác giả còn làm nên mạch cảm xúc rất “đắt” khi yêu và gặp được người mình yêu vô cùng đặc biệt. Tác giả chợt nghe thấy đủ thứ âm thanh phát ra từ cuộc sống: tiếng của gió, của lũ chim trên cành, của những người ngồi cà phê hay của giọt mồ hôi rơi… những âm thanh, hình ảnh đó rất thân thuộc, gần gũi gắn liền với nhân vật em đang hòa quyện trong bóng chiều. Và chỉ có cảm xúc đặc biệt trong tình yêu mới giúp ta nhận ra được những điều ta còn thiếu, ấy chính là cảm xúc của tình yêu. Yêu hạnh phúc hơn là được yêu.

Khi viết về những vấn đề riêng tư, về tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, cái tôi tự biểu hiện của nhà văn thể hiện một gương mặt “tự thú” khá kỹ lưỡng, có khi bộc lộ rõ cả các chi tiết thuộc về tiểu sử, sinh hoạt hằng ngày, và sâu hơn chính là đời sống tâm hồn phong phú, những cảm nhận và suy ngẫm của mình về bản thân và nhân thế. Trong một tinh thần dân chủ, con người cá nhân được tôn trọng, các tác giả tự tin bộc lộ bức chân dung tinh thần của chính bản thân mình.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ tản văn việt nam từ 1986 đến nay (vietnamese prose from 1986 to present) (Trang 71 - 76)