Ngôn ngữ mang tính chính luận

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ tản văn việt nam từ 1986 đến nay (vietnamese prose from 1986 to present) (Trang 130 - 135)

6. Bố cục của luận án

4.2.3. Ngôn ngữ mang tính chính luận

Ngôn ngữ chính luận là ngôn ngữ được sử dụng trong các văn bản chính luận, hay các hội thảo, các bài phát biểu… nhằm trình bày, bình luận, đánh giá những sự kiện, các vấn đề về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, tư tưởng... theo một quan điểm

chính trị nhất định. Tản văn là thể loại cơ động, linh hoạt, ngắn gọn; ở đó, người viết không tái hiện lại bức tranh hiện thực sâu rộng mà trực tiếp bày tỏ quan điểm, tư tưởng, chính kiến của mình về những lát cắt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Chính vì thế, tản văn kết hợp sử dụng khá nhiều ngôn ngữ chính luận.

Trong tản văn của Nguyễn Quang Thiều, ngôn ngữ chính luận được nhà văn thể hiện một cách gai góc nhưng cũng chất chứa nỗi niềm, xót xa khi bàn tới các sự kiện, vấn đề nóng hổi của chính trị, xã hội... Những tâm sự giấu kín, những mong muốn, khát vọng được bày tỏ qua cảm xúc, tình cảm của người nghệ sĩ đã làm cho lòng người đọc dưng dưng, vỡ òa trong sự thổn thức, đồng cảm. Đề cập tới vấn đề môi sinh qua tản văn Trò chuyện về những cái cây đã chếtChuyện hài hước từ những cái cây ở ban công, Nguyễn Quang Thiều nhận ra một “sự thật nực cười và thật tồi tệ”. Đó là sự tàn nhẫn, vô tâm của con người với chính môi trường sống của chúng ta: “trong khi chúng ta chăm sóc thái quá những cái cây trên ban công nhà mình thì chúng ta lại thi nhau tàn phá những cái cây khác”. Những hàng cây trăm năm tuổi, rợp bóng thành phố cho tới “những khu rừng nguyên sinh hàng ngàn héc ta” đã bị chặt phá một cách không thương tiếc. Với người nước ngoài, “những cái cây cổ thụ đối với họ là di sản thiên nhiên. Còn đối với chúng ta, chỉ là một đống củi. Sự khác biệt của đẳng cấp văn hoá là ở chỗ này. Sự khác biệt ấy cho thấy khả năng hưởng thụ văn hoá của con người” (Trò chuyện về những cái cây đã chết). Người ta đưa ra vô vàn các lí do biện minh cho các hành động của mình: nào là mở rộng đường phố, tránh bão làm đổ cây... Nhà văn đau đớn thốt lên: “Chúng ta đang sống một lối sống ích kỷ, vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết. Chúng ta lầm tưởng những cái cây trên ban công, những sàn nhà sạch bóng, những bình nước dùng trong gia đình tinh khiết... sẽ cứu được chúng ta còn "thiên hạ" có làm sao cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cá nhân chúng ta. Lối sống này đã trở thành một căn bệnh trầm kha của chúng ta. Lối sống này đang lây truyền ra toàn xã hội. Lây truyền đến độ chúng ta hung hăng và trắng trợn nhổ tung gốc một cái cây đẹp như thế, lấp cả một hồ nước như thế, xoá một phần lớn công viên như thế... để xây những khu kinh doanh” (Chuyện hài hước từ những cái cây ở ban công).Bên cạnh đó, nhà văn cũng

đề cập tới việc “rất nhiều công trình văn hóa và lịch sử ở trong chính thành phố của chúng ta đang ngày càng bị xiết chặt như người ta xiết sợi dây vào cổ một con người”. Chúng ta đang“đối xử tàn nhẫn với những công trình văn hóa vô giá mà tổ tiên, ông bà chúng ta đã xây dựng lên”, không quan tâm tới hậu quả thì trước sau sẽ phải trả một cái giá đắt không thể tính toán hết. Với Nguyễn Quang Thiều, dù biết quy luật vận động và phát triển của xã hội là một điều tất yếu nhưng trong cái nhìn và trong cách diễn ngôn vẫn không nén nổi những trăn trở, hờn trách về lối sống ích kỷ, vô trách nhiệm của con người, nó là sự tương phản đến trào lộng với những nét đẹp cổ xưa của người Tràng An thanh lịch và hào hoa.

Đọc tản văn Chuyện trò của Cao Huy Thuần, chúng tôi nhận thấy nhà văn kể chuyện thường mang tính ngụ ngôn, hoặc phóng tác, nhiều khi là tự truyện đầy tính dân dã, ngẫu hứng, luôn đơn giản cụ thể kể cả với triết lý sâu sắc. Các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, tư tưởng... thường được nhà văn nhìn nhận bằng đôi mắt bao dung nhưng nghiêm khắc, nhìn vào đâu cũng thấy còn rất nhiều điều đáng bàn, suy ngẫm. Bàn về văn hóa là những câu chuyện về cái còn - mất. Một loạt tản văn, như: Trò chuyện về văn hóa, Một ngày lịch sự, Một đồng xu, Sách cũ, Vỗ tay và cười, Chuyện xưa, Đọc văn, Đi một ngày đàng, Tự tin là vương quốc của bình an... đem đến cho độc giả cái nhìn vừa “diện” vừa “điểm” về rất nhiều hiện tượng văn hóa đang được quan tâm. Tản văn của ông chứa đựng những triết lí sâu xa, người đọc không dễ gì hiểu ngay ở lần đọc đầu tiên vì khối kiến thức chuyên sâu về Phật giáo, tôn giáo, văn hóa... được tích lũy trong thời gian dài. Bàn về văn hóa, về ý thức của con người trong cách hành xử, ông cho rằng “ở đâu có tính tự giác thì ở đó có văn hóa. Mà tính tự giác thì không phải do cây dùi cui của cảnh sát ban phát (…). Tính tự giác là do nếp nhà, mà nếp nhà là kết quả từ ngàn năm giáo dục, giáo dục trong gia đình, giáo dục trong trường học, giáo dục trong sách giáo khoa vỡ lòng” (Trò chuyện về văn hóa). Và như vậy, để làm nên nét đẹp trong văn hóa của mỗi con người, đó là trách nhiệm của giáo dục. Giáo dục có vai trò quyết định tới nhân cách của của một con người. Hãy nhìn vào cách mà họ cư xử với bản thân họ để rồi nhìn nhận, đánh giá cách họ cư xử với những người xung quanh, bởi “lịch sự với thân, với cử chỉ, với

bề ngoài là cách để cai trị - cai trị thân. Và cai trị thân là để cai trị tâm. Thân, tâm liên hệ mật thiết với nhau như thế nào, ai cũng có kinh nghiệm (…). Ở phần kết của tản văn Lịch sự, tác giả viết: “Ta lịch sự với ta, ta lịch sự với mọi người, ta lịch sự với người cầm quyền, và tất nhiên, người cầm quyền lịch sự với dân”. Kết thúc tác phẩm là một câu hỏi lớn mở ra trong chân trời suy nghĩ của độc giả: “Ta lịch sự với người cầm quyền”, “người cầm quyền lịch sự với dân”. Những vấn đề trong mối quan hệ giữa nhân dân với những người cầm quyền, lãnh đạo, ở đó cần lắm những quy tắc ứng xử “lịch sự” để giữ vững mối quan hệ đặc biệt này.

Dạ Ngân là một cây bút dám nhìn thẳng vào các vấn đề của xã hội, trực tiếp bày tỏ quan điểm của cá nhân của mình. Trong tác phẩm 60 giây bên đèn đỏ, Dạ Ngân đã có những suy ngẫm, trăn trở về ý thức của người dân khi tham gia giao thông: “Vẫn dòng xe cộ nghẹt thở. Vẫn những gã trai rú ga bất chấp. Vẫn những tiếng còi thúc thẳng vào lưng trong khi đèn vẫn đỏ. Vẫn kiểu chồm lên vỉa hè, lao tới. Chen lấn để xộc xệch hơn ư, phóng nhanh để chết ư và cần hơn người khác có nửa vành bánh ư?... Chỉ có mấy mươi giây, dài nhất là 60 giây đèn đỏ mà không đủ kiên nhẫn ư” (60 giây bên đèn đỏ - Dạ Ngân). Nhà văn đã liên tưởng đến cuộc sống mong manh đầy thảm họa như những trận động đất của Nhật Bản, những vấn đề của thiên nhiên... Ở Việt Nam đã trải qua bom đạn của chiến tranh tàn phá, đặc biệt là hai cuộc chiến tranh trường kì mới thấy rằng cuộc đời không dài nên ta cần phải biết trân trọng nó. Sáu mươi giây trong một cuộc đời thật là quá ngắn ngủi, liệu giây phút ấy chúng ta có thể làm thay đổi cuộc đời hay không? Nếu ta vượt đèn đỏ sẽ nguy hiểm và giả thử gây tai nạn sẽ ảnh hưởng đến tính mạng không chỉ của bản thân mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh. Tản văn 60 giây bên đèn đỏ

như một lời cảnh tỉnh cho ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Nhà văn sử dụng nhiều lớp từ ngữ chính luận trong tác phẩm như: Chiến tranh, trường kì, hòa bình, kháng chiến, hậu chiến... cùng với cách tác giả so sánh giữa quá khứ và hiện tại, giữa nước ta và Nhật Bản. Tác giả không đao to búa lớn, không gay gắt phê phán mà khá nhẹ nhàng, tâm tình, nhưng bạn đọc cùng nhận thấy hiện thực về vấn đề giao thông đang diễn ra. Đọc tác phẩm, ta thấy dòng cảm xúc chân thành, bộc

bạch những suy tư của người viết, qua đó nhà văn đã thể hiện sự không đồng tình về ý thức tham gia giao thông của người dân.

Vấn đề rác thải gây ô nhiễm môi trường được Dạ Ngân bàn đến trong tản văn

Nằm mơ thấy rác: “Sáng sớm vừa mở cửa ra lả đã thấy nước rác của nhà hàng xóm để chảy dài qua đêm trên mấy bậc cầu thang chung cư”. Theo Dạ Ngân, người ta không không quan tâm đến môi trường sống quanh mình, họ cũng không ý thức được những việc mình làm khiến cho môi trường ngày càng thêm ô nhiễm. Giờ ta thật khó để tìm được chỗ nào mà không có rác: “Quán cóc giấy ăn vứt ra vỉa hè, quán có nhà có cửa thì khách vứt giấy vứt rác xuống chân”... Chỉ có một quán bún bò giò heo ở Hà Nội là không có nạn người ta đạp bừa lên giấy ăn và xương vụn trên nền nhà. Đó là do nhà chủ từng đi xuất khẩu bên Đức nên mới có ý thức với rác như vậy. Qua sự so sánh với nưới ngoài về ý thức của người dân khi đối xử với rác, nhà văn bày tỏ ước mơ về một đất nước thanh bình, trong sạch.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cũng bày tỏ một loạt những quan điểm, suy nghĩ về các vấn đề nóng bỏng trong xã hội. Tản văn Phía những người yêu, tác giả thông qua lời tâm sự của một người chị với cô em gái sắp làm mẹ để bày tỏ suy nghĩ của mình. Ngay khi sinh xong người phụ nữ gặp phải một loạt các vấn đề về tiêm phòng vắc-xin, về những tai biến mà báo chí hằng ngày vẫn đưa ra. Rồi khi đứa trẻ mắc bệnh, đến bệnh viện người mẹ lại lo sợ về việc tiêm kháng sinh quá liều, bệnh A chữa thành bệnh B... Rồi cuộc đời có vô vàn những bất trắc xảy ra: “Xe cộ trên đường. Những cái bẫy của Internet. Sông nước ao hồ. Cả khi thời tiết bất an…” và đương nhiên làm phụ nữ Việt vô cùng vất vả: “phải trở thành anh hùng ngay khi đứa con cất tiếng khóc chào đời”.

Tản văn mang tính chính luận từ sau năm 1986 đến nay được dùng nhiều trong việc luận bàn các vấn đề thời sự, chính trị, xã hội... Qua ngôn ngữ chính luận, nhà văn bày tỏ quan điểm, thái độ chính trị một cách dứt khoát, rõ ràng, công khai, không úp mở, che dấu về một tình hình chính trị, xã hội nào đó đang được con người quan tâm trong thời gian gần nhất.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ tản văn việt nam từ 1986 đến nay (vietnamese prose from 1986 to present) (Trang 130 - 135)