Ngôn ngữ mang tính thông tấn, báo chí

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ tản văn việt nam từ 1986 đến nay (vietnamese prose from 1986 to present) (Trang 127 - 130)

6. Bố cục của luận án

4.2.2. Ngôn ngữ mang tính thông tấn, báo chí

Từ trước chúng ta quen đọc tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ... với ngôn từ nghệ thuật, với hư cấu tưởng tượng. Khi đến với thể loại tản văn, bạn đọc còn biết đến lớp ngôn từ mang tính thông tấn báo chí, đây cũng là dấu ấn riêng của thể loại văn học này. Ngôn ngữ thông tấn báo chí là ngôn ngữ sự kiện, cần độ chính xác cao có thể kiểm chứng được, đồng thời mang màu sắc trung tính, không hoặc ít sắc thái biểu cảm.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, liên quan đến nhịp sống hiện đại, nhất là nhịp điệu của nền kinh tế thị trường đòi hỏi ngôn ngữ trong văn học cũng phải tăng cường tính tốc độ, tính thông tin. Tiêu biểu nhất phong cách nghệ thuật này là tản văn Nguyễn Vĩnh Nguyên. Nguyễn Vĩnh Nguyên vốn dĩ là một nhà báo, chính vì thế ngôn ngữ trong tản văn của Nguyễn Vĩnh Nguyên rất đa dạng, nhiều tầng nghĩa, trong đó nổi bật là việc sử dụng ngôn ngữ của thời đại Internet. Tản văn của Nguyễn Vĩnh Nguyên sử dụng nhiều từ ngữ mang tính hiện đại như: iu, blog, status

sếp, xếch xi, xì tai, manly, alêhấp, đề mốt, MC, salon, shop, giới showbiz, măng-set, tuổi teen,… Những từ ngữ này xuất hiện đã làm cho tản văn của Nguyên mới mẻ hơn, phản ánh rõ hơn phương diện lời ăn, tiếng nói của con người Việt Nam đương đại cũng như đã kịp thời tái hiện sinh động bức tranh xã hội hôm nay.

Ngôn ngữ thông tấn, báo chí thường có mặt nhiều nhất ở các tản văn hướng đến là những vấn đề thời sự nóng hổi đang diễn ra trong đời sống xã hội. Những đề tài này đi vào trang viết tản văn không hề có sự hư cấu mà hoàn toàn chân thật. Các vấn đề liên quan đến giáo dục hiện nay cũng đang được xã hội quan tâm; chuyện chạy trường điểm, trường chuyên cho con trong khi phải đổi lấy là bao giọt mồ hôi của cha mẹ (Tị nạn giáo dục - Dạ Ngân). Rồi chuyện ô nhiễm môi trường hiện nay và ý thức của người dân trong vấn đề vứt rác bừa bãi (Nằm mơ thấy rác - Dạ Ngân). Ý thức của người tham gia giao thông hiện nay còn kém như chuyện vượt đèn đỏ (60 giây bên đèn đỏ - Dạ Ngân), bảo vệ môi trường sống sạch đẹp cũng đang bị phá hoại (Khoan cắt bê tông - Dạ Ngân). Vấn đề xâm hại tình dục trẻ em trong những ngày vừa qua báo chí cũng đề cập nhiều, hiện tượng suy đồi đạo đức của một số hiện tượng trong xã hội. Một ông già chừng độ tuổi ông nhưng lại xâm hại tình dục một em bé còn đỏ hỏn (Chỉ là ghi lại một trưa vô tình - Nguyễn Ngọc Tư). Đất nước ta đang trong quá trình hội nhập và phát triển, máy vi tính hầu như thay thế bút mực (Bút mực buồn thiu - Nguyễn Nhật Ánh). Hàng năm tết đến là các ông bố bà mẹ lại phải lo chuyện tiền lì xì. Ngày nay người ta lợi dụng chuyện lì xì để biếu quà cấp trên, để lấy lòng nhau. Và đương nhiên số tiền lì xì ngày một cao, và nỗi lo của người lớn càng tăng lên (Sách của con đâu - Nguyễn Nhật Ánh). Tuổi thơ của các em bây giờ đang dần bị đánh cắp bởi học hành, bởi điện tử, và vô vàn những thứ vô bổ khác (Tản mạn trong mưa - Nguyễn Nhật Ánh).

Ngôn từ trong tản văn mang tính chính xác đến từng chi tiết, địa điểm, từng dẫn chứng. Nhắc đến nghiền cà phê không chỉ nhắc đến Sài Gòn mà còn ở Hà Nội. Các quán cà phê ở Hà Nội rất nhiều: “có những nơi gần như cả phố bán cà phê như Triệu Việt Vương, Hàng Hành, Phan Đình Phùng...”. Những quán cà phê thường là những nơi yên tĩnh, im ắng: “Một quán cà phê khá có tiếng được nhiều người biết

đến là cà phê Nhân phố Hàng Hành. Đây là một trong những quán cà phê đầu tiên của Hà Nội được mở sau ngày độc lập” (Cà phê kiểu Hà Nội - Uông Triều). Hà Nội còn nhiều phố, nhiều ngõ lại giống những con phố độc lập, có tên riêng. Tác giả còn nhắc đến ngôi trường của các nhân sĩ trí thức Hà Nội đầu thế kỉ trước: “Đó là trường tư thục Thăng Long với tâm huyết của giới trí thức cách mạng Việt Nam”. Giáo viên của trường khi ấy đều là những giáo viên nổi tiếng về lịch sử, văn học như: “Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai, Ngô Xuân Diệu, Phạm Huy Thông, Vũ Đình Liên...”. Với sự trưởng thành từ ngôi trường ấy là nhiều học trò làm rạng danh Hà Nội: “Lê Quang Đạo, Phan Kế An, Lí Chính Thắng, Vũ Tú Nam...” (Ngõ như phố - Uông Triều). Nhắc đến cầu Long Biên ở Hà Nội chắc hẳn bạn đọc ai cũng biết, nhưng lịch sử về nó thì mấy ai biết và lưu tâm. Trong tản văn

CầuLong Biên ai đã từng qua, Uông Triều cũng cho chúng ta hiểu biết thêm về cây cầu này. Long Biên là cây cầu đầu tiên được xây dựng vượt sông Hồng, nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên: “Trên cây cầu, có thể dễ dàng nhìn thấy một tấm biển sắt chạm nổi dòng chữ: 1899- 1902”, đó là năm xây dựng và hoàn thành cây cầu. Cây cầu được xây là do một công ty xây dựng của Pháp có trụ sở ở Paris. Cầu Long Biên ban đầu được mang tên vị toàn quyền đương nhiệm thứ sáu của Đông Dương: Paul Doumer. Đến năm 1945 cây cầu chính thức mang tên Long Biên. Cầu Long Biên cũng là cây cầu chịu nhiều đau thương mất mát trong chiến tranh: “Trong lần thứ nhất đánh phá Hà Nội, máy bay Mĩ đã đánh phá cầu mười lần, làm sập bảy nhịp và bốn trụ lớn. Trong chiến dịch đại phá lần hai, các máy bay B52 đã dội bom cầu Long Biên bốn lần, phá hỏng hơn một nghìn mét cây cầu và hai trụ lớn bị cắt đứt” (CầuLong Biên ai đã từng qua - Uông Triều).

Ngôn ngữ trong tản văn của Trang Hạ sắc sảo, đanh thép đầy góc cạnh, đậm chất báo chí. Trong một bài báo, khi được hỏi: “Theo chị có loại ghen có văn hóa không?”,Trang Hạ đã thẳng thắn trả lời:“Khi nào có luật giết người có văn hóa thì chắc có lẽ có loại ghen có văn hóa. Giữ chồng, đánh ghen theo tôi đều là ngu xuẩn cả. Chồng có phải con chó hay con lợn đâu mà phải giữ chân. Vậy còn chân bạn ở đâu mà chỉ biết chạy theo những người đàn ông kiểu bánh bèo như vậy”. Với rất

nhiều phát ngôn gây sốc trên cộng đồng mạng, Trang Hạ đứng về phía người phụ nữ và lên án đàn ông. Đọc tản văn Trang Hạ người phụ nữ như được bảo vệ, nói hộ được nỗi lòng của nhiều bạn đọc. Và dù cho ở độ tuổi nào chắc chắn sẽ đều thích đọc tản văn của Trang Hạ. Trong tác phẩm Đàn bà ba mươi cũng đã thể hiện những quan điểm hoàn toàn mới về sự khác nhau của người phụ nữ trong độ tuổi ba mươi ở nhiều quan điểm: “Bạn tôi nói, khi chia tay người yêu, đi khỏi đời nhau, cái cô ấy tiếc nhất không phải là anh bạn trai, mà là chai sữa tắm mùi vỏ cam còn để lại ở nhà anh kia. Cô ấy thích mùi vỏ cam, và với đàn bà ba mươi, chia tay nhau, thì đàn ông không còn giá trị bằng một chai sữa tắm. Mặc dù cô ấy có tiền để bất cứ lúc nào mua một chai sữa tắm khác như thế” (Đàn bà ba mươi - Trang Hạ).Người đàn ông mà rất nhiều người phụ nữ quan niệm có thể sẵn sàng hi sinh cả cuộc đời nhưng đối với quan điểm của Trang Hạ những người đàn ông không ra gì không bằng một chai sữa tắm. Nói đến chuyện trinh tiết người Việt Nam từ xưa vẫn quen một kiểu “Chữ trinh đáng giá ngàn vàng”, rồi đàn ông cứ lợi dụng cớ đó mà chà đạp đạp lên nhân phẩm của người phụ nữ. Trong tản văn Mình ơi, Trang Hạ lên án rất mạnh sự phi lí đó: “Bởi vì bạn đã mất trinh, nên bạn xứng đáng với người đàn ông tốt đẹp hơn. Là một người đàn ông trưởng thành, hiểu rằng anh ta yêu người phụ nữ chứ không phải yêu cái màng thịt dùng một lần, chắn giữ âm đạo của bạn” (Mình ơi - Trang Hạ).

Nhờ ngôn ngữ báo chí mà tản văn thể hiện rõ tính chân thực, giúp người đọc hiểu về vấn đề một cách sáng rõ, cảm thấy như mình được đối diện những vấn đề đang xảy ra trong thực tại. Ngôn ngữ thông tấn, báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc khẳng định cái tôi cá nhân, thể hiện cách cảm, cách nhìn, đánh giá, phê phán của tác giả đối với các vấn đề được phản ánh trong tản văn. Thông qua ngôn ngữ này mà mỗi nhà văn đã tạo nên dấu ấn đặc biệt trong phong cách sáng tác của mình.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ tản văn việt nam từ 1986 đến nay (vietnamese prose from 1986 to present) (Trang 127 - 130)