8. Cấu trúc của luận văn
1.1.2. Nhiệm vụ của việc dạy học đọc hiểu ở tiểu học
a. Về mục tiêu của việc dạy học đọc hiểu
Theo Nguyễn Thị Hạnh thì trong chương trình “Môn văn học và Tiếng Việt cấp I trường phổ thông cơ sở” có nói đến công việc chính trong giờ tập đọc là hướng dẫn học sinh đọc, giúp các em đọc đúng, đọc rõ ràng và cảm thụ tốt bài văn. Còn ở phần mục tiêu bài học các tác giả biên soạn chương trình giáo dục phổ thông đã nêu rõ việc dạy tập đọc ở cấp I là nhằm mục đích thông qua các bài văn chọn lọc, giúp học sinh cảm nhận cái hay, cái đẹp của văn chương và dần dần có một số kiến thức về văn học như: thể loại, nhân vật, bố cục.
Dạy tiếng Việt theo hướng phát triển năng lực chính là quá trình dạy học hướng tới hình thành và phát triển các năng lực sử dụng tiếng Việt cho người học trong môi trường học tập và đời sống theo lứa tuổi. “Lời nói” trong ngôn ngữ bao gồm 2 dạng thức cơ bản, lời nói trực tiếp (nghe người khác nói trực tiếp) và lời nói gián tiếp (lời nói thông qua văn bản viết). Ngoài ra, còn có các yếu tố bổ sung như ngôn ngữ cơ thể, phục trang, hóa trang, tranh minh họa,…
cũng có thể ảnh hưởng tới chất lượng thông tin của lời nói. Từ nhận thức trên, chúng ta cần có định hướng về tổ chức dạy học các phân môn Tiếng Việt sao cho môn học này hướng tới phát triển tốt nhất các năng lực sử dụng tiếng Việt đối với HS tiểu học.
Trước hết, dạy HS phát triển năng lực tiếp nhận lời nói, bao gồm năng lực nghe - hiểu và năng lực đọc - hiểu. Dạy HS nghe - hiểu thông qua quá trình dạy học: nghe - nhắc lại lời giảng của GV hoặc nghe - nhắc lại hoặc nhận xét về lời nói của bạn hoặc nghe người khác kể một câu chuyên rồi kể lại hoặc giới thiệu cho người khác, … Dạy kỹ năng nghe hiểu được thực hiện thông qua các phân môn đặc trưng như Kể chuyện và có thể thực hiện qua tất cả các hoạt động dạy học môn Tiếng Việt cũng như các môn học khác. Các yêu cầu cơ bản về kỹ năng nghe hiểu bao gồm từ rèn luyện HS thói quen tập trung lắng nghe khi người khác nói và có phản hồi chính xác. Tập cho HS có thói quen tập trung nghe, lĩnh hội thông tin từ lời nói của người khác và có phản hồi tích cực là yêu cầu quan trọng trong dạy kỹ năng nghe ở trường tiểu học. Điều này giúp cho HS có thói quen lĩnh hội tích cực từ lời nói để bồi đắp thêm kiến thức cho bản thân mình.
Dạy đọc - hiểu trong môn Tiếng Việt là dạy kỹ năng tiếp nhận văn bản, một trong những kỹ năng cơ bản và quan trong bậc nhất trong dạy học Tiếng Việt. Vì nó ảnh hưởng tới chất lượng học tập môn Tiếng Việt và các môn học khác; ảnh hưởng tích cực tới cuộc sống sau này trong một xã hội mà việc “học suốt đời” được xem là cứu cánh cho sự thành công của mỗi con người.
Cùng với đó, gắn với việc đổi mới giáo dục, phát triển năng lực, lấy người học làm trung tâm, thì mục tiêu dạy học đọc hiểu không còn là mục tiêu đơn thuần chỉ là kiến thức, mà cần bao hàm sự phát triển về kĩ năng, năng lực và phẩm chất người học.kĩ năng. Việc dạy đọc hiểu ở Tiểu học phải giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất chủ yếu với các biểu hiện cụ thể: yêu thiên nhiên, gia đình, quê hương; có ý thức cội nguồn; yêu thích cái đẹp, cái thiện, có cảm xúc lành mạnh; có hứng thú học tập, lao động; thật thà, ngay thẳng trong học tập và đời sống; có ý thức thực hiện trách nhiệm đối với bản thân, gia
đình, xã hội và môi trường xung quanh. Đồng thời, giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ trong quá trình đọc hiểu.
Trong dạy học phát triển năng lực, giáo viên coi trọng quá trình học sinh học như thế nào hơn là kết quả đạt được và cũng trong quá trình dạy đọc hiểu, giáo viên cần “nghiệm thu” và “điều hướng” đi đúng nội dung cần khai thác, tiến tới việc hiểu nội dung, thông hiểu ý nghĩa, thông điệp văn bản. Từ đó, các em áp dụng các kĩ năng, năng lực cũng như phẩm chất từ văn bản để vào thực tiễn, để học đi đôi với hành, không chỉ là lí thuyết, sách vở.
b. Ngữ liệu dùng để dạy đọc hiểu
Theo tác giả Lê Phương Nga “ngữ liệu là một bộ phận cấu thành của nội dung giáo dục, góp phần quan trọng trong việc hình thành, phát triển ở học sinh những phẩm chất và năng lực được nêu ở chương trình”[43, trang 13]. Thống kê ngữ liệu dạy đọc hiểu trên các sách Tiếng Việt 2 các bài tập đọc là các đoạn trích hoặc tác phẩm văn học trọn vẹn thuộc các thể loại thơ trữ tình, thơ tự sự, truyện ngắn, truyện danh nhân, … Từ thực tế trên cho thấy: hệ thống văn bản để dạy đọc hiểu ở lớp hầu hết các lớp bậc Tiểu học là văn bản văn học, văn bản thông tin. Đây là loại văn bản có lợi thế về đọc hiểu. Hầu hết các văn bản dạy học đều gồm các sự việc, các hành động tích cực nhằm cung cấp bài học tích cực cho người đọc, hướng người đọc đến cái hay cái tốt, bồi dưỡng nhân phẩm, phẩm chất cho các em. Các văn bản mở ra một thế giới nhiều màu sắc với cách tiếp cận từ các khía cạnh khác nhau, nhưng đều hướng tới xây dựng cho các em một thế giới quan tươi đẹp, nhiều điều tốt.
Các em được tiếp cận với văn bản dưới nhiều hình thức khác nhau như văn xuôi, thơ (thơ tự do, thơ, lục bát, thơ 4 chữ …). Các văn bản lựa chọn luôn mang tính đặc trưng, được sắp xếp theo từng chủ đề gắn với thời gian học thực tế, đảm bảo tính đời sống, gần gũi.
Các tác giả cũng rất chú trọng đến đặc điểm lứa tuổi. Ở hầu hết các bài tập đọc, luôn kèm theo các tranh minh họa, giúp các em có cái nhìn trực quan, ban
đầu về nội dung cần đọc hiểu. Đồng thời, hình ảnh xuất hiện trong các văn bản còn minh họa cho nội dung, thông điệp văn bản muốn gửi gắm.
c. Yêu cầu rèn luyện kỹ năng đọc hiểu
Tác giả Phạm Thị Thu Hương chỉ ra những yêu cầu cần đạt để rèn kĩ năng đọc hiểu văn bản bao gồm 10 yêu cầu. 1. Huy động tích cực những tri thức, trải nghiệm đọc hiểu; 2. Xác định mục tiêu đọc; 3. Giải mã văn bản; 4. Tạo kết nối trong và sau quá trình đọc văn bản; 5. Dự đoán; 6. Hình dung, tưởng tượng; 7. Suy luận, cắt nghĩa; 8. Đặt câu hỏi; 9. Tổng hợp, đánh giá và vận dụng; 10. Giám sát việc hiểu của bản thân. Các yêu cầu được tác giả đưa ra rất chi tiết, theo trình tự của quá trình đọc hiểu từ bắt đầu cho đến kết thúc.
Ở một nghiên cứu khác, về rèn kĩ năng đọc hiểu ở Tiểu học, tác giả Lê Phương Nga cho rằng rèn đọc hiểu bao gồm các kĩ năng: tìm hiểu đề tài của văn bản, tìm hiểu tên bài, tìm hiểu từ ngữ trong bài, tìm hiểu câu, đoạn, làm rõ ý chính của văn bản, rèn luyện kĩ năng hồi đáp văn bản của học sinh.
d. Phương pháp dạy học đọc hiểu
Các phương pháp dạy đọc hiểu hiện nay: - Diễn giảng (giảng ý, giảng từ)
- Đàm thoại (hỏi và đáp)
- Làm mẫu (đọc mẫu, đưa ra đại ý hoặc ý chính của đoạn) - Đóng vai
- Thảo luận nhóm - Trò chơi,…
Như vậy, việc sử dụng linh hoạt các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học sẽ phát triển năng lực cho học sinh. Với bất kì bài tập nào thấy phù hợp, giáo viên có thể đổi hoạt động cá nhân thành hoạt động nhóm, có thể đổi tương tác thầy - trò thành trò – trò để thay đổi cách học, tạo hứng thú cho học sinh.