b. Thông qua tác động điều chỉnh bảng tổng kết tài sản
6.3 NGUỒN VỐN TÀI TRỢ CHO HOẠT ĐỘNG KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP
NGHIỆP
Nguồn vốn tài trợ cho hoạt động của doanh nghiệp là những nguồn lực tài chính có trong nền kinh tế, được doanh nghiệp huy động, khai thác bằng nhiều phương pháp, hình thức, cơ chế khác nhau, để đảm bảo nguồn lực tài chính cho hoạt động kinh doanh trước mắt và lâu dài của doanh nghiệp. Trong nền kinh tế thị trường, để tạo lập vốn kinh doanh, các doanh nghiệp có thể tìm kiếm nhiều nguồn tài trợ. Để dễ dàng trong quản lý, người ta phân loại các nguồn vốn tài trợ theo các tiêu thức khác nhau.
Căn cứ vào phạm vi tài trợ, nguồn vốn tài trợ bao gồm:
- Nguồn vốn bên trong: Chủ yếu trích lập từ lợi nhuận có được từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp,
- Nguồn vốn bên ngoài: Bao gồm nguồn vốn liên doanh, liên kết, phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu, tín dụng ngân hàng…
Căn cứ vào thời gian tài trợ, nguồn vốn tài trợ bao gồm:
- Nguồn vốn tài trợ ngắn hạn: Bao gồm tín dụng thương mại, các khoản chiếm dụng về tiền lương, tiền thuế, tín dụng ngắn hạn ngân hàng và các khoản phải trả khác…,
Đặng Thị Việt Đức, Phan Anh Tuấn 153
- Nguồn vốn dài hạn: Bao gồm tín dụng ngân hàng dài hạn, phát hành trái phiếu, huy động vốn góp cổ phần, liên doanh, bổ sung từ lợi nhuận…
Căn cứ vào tính chất kinh tế, nguồn vốn tài trợ bao gồm: nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn vốn đi vay và nguồn vốn chiếm dụng.
- Nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp gồm:
Vốn đóng góp ban đầu của các chủ sở hữu: Đây là nguồn vốn do chính những người chủ sở hữu doanh nghiệp trực tiếp đầu tư khi thành lập. Tùy theo loại hình sở hữu của doanh nghiệp mà nguồn vốn này được tạo lập theo cơ chế khác nhau. Đối với doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước là người chủ sở hữu thì số vốn này do ngân sách nhà nước cấp. Các doanh nghiệp sở hữu một chủ được thành lập dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài thì số vốn ban đầu do chính người chủ sở hữu đầu tư. Các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhiều người dưới hình thức liên doanh, trách nhiệm hữu hạn, cổ phần, hợp tác xã, thì số vốn đầu tư ban đầu của các doanh nghiệp được hình thành từ sự tham gia đóng góp cổ phần của các thành viên, cổ đông.
Nguồn vốn tài trợ từ lợi nhuận sau thuế: Trong quá trình hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp có thể làm tăng nguồn vốn sở hữu bằng hình thức tự tài trợ từ nguồn lợi nhuận. Tuy vậy, nguồn vốn tài trợ này lệ thuộc nhiều vào quy mô lợi nhuận kiếm được trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp.
Nguồn vốn bổ sung bằng cách kết nạp thêm các thành viên mới: Khi cần mở rộng quy mô kinh doanh, các doanh nghiệp thuộc loại hình công ty có thể huy động tăng thêm vốn bằng cách kêu gọi thêm các nhà đầu tư mới. Cũng cần thấy rằng, phương thức tài trợ theo nguồn vốn này sẽ dẫn đến tình trạng là các nhà đầu tư cũ phải phân chia lại quyền kiểm soát doanh nghiệp và lợi ích kinh tế cho các nhà đầu tư mới.
Nguồn vốn chủ sở hữu có ý nghĩa to lớn đối với doanh nghiệp. Khi sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp chủ động được trong hoạt động đầu tư lâu dài, không bị áp lực về thời gian sử dụng. Vốn chủ sở hữu tạo ra năng lực tài chính mang lại sự an toàn, uy tín cho doanh nghiệp và là nguồn lực quan trọng để tạo ra khả năng để huy động các nguồn vốn khác cho hoạt động kinh doanh.
- Nguồn vốn đi vay gồm:
Nguồn vốn tín dụng ngân hàng: Vốn vay ngân hàng là một trong những nguồn quan trọng để tài trợ vốn cho doanh nghiệp. Do đặc điểm luân chuyển vốn trong quá trình kinh doanh luôn tạo ra sự không ăn khớp về mặt thời gian và quy mô giữa nhu cầu vốn và khả năng tài trợ, dẫn đễ tình trạng thiếu hụt vốn ở doanh nghiệp. Phần thiếu hụt có thể được giải quyết kịp thời bằng nguồn vốn vay ngân hàng. Ngân hàng thương mại có thể cung cấp vốn tương ứng với thời gian và quy mô mà doanh nghiệp có nhu cầu.
Đặng Thị Việt Đức, Phan Anh Tuấn 154
Việc sử dụng nguồn vốn tín dụng ngân hàng có nhiều ưu điểm. Trước hết, tín dụng ngân hàng cung cấp nguồn vốn mà các doanh nghiệp có thể huy động nhanh chóng để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho đầu tư. Thứ hai, lãi suất tín dụng ngân hàng được hạch toán vào chi phí kinh doanh, nên có sự chia sẻ về lợi ích kinh tế giữa các nhà đầu tư và nhà nước (thông qua thuế thu nhập doanh nghiệp). Cuối cùng, sử dụng nguồn vốn tín dụng ngân hàng, các doanh nghiệp không bị các ngân hàng chi phối trực tiếp trong quản lý và điều hành kinh doanh, vì vậy chủ động hơn trong các hoạt động của mình.
Tuy nhiên, khi sử dụng phương thức tài trợ này, yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo cho số tiền vay. Nghĩa là doanh nghiệp phải có khả năng thanh toán cho ngân hàng đúng hạn. Vì vậy, số tiền cho vay bị hạn chế. Quy mô vốn vay phụ thuộc vào độ tín nhiệm của người đi vay.
Vốn huy động bằng phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Tùy theo từng loại hình doanh nghiệp, luật pháp cho phép các doanh nghiệp được quyền phát hành trái phiếu (giấy nhận nợ) để huy động vốn. Tuy nhiên, không phải trái phiếu nào cũng hấp dẫn đối với công chúng. Chỉ có những doanh nghiệp có uy tín, kinh doanh có hiệu quả thì mới có khả năng huy động được vốn thông qua kênh này.
- Nguồn vốn chiếm dụng
Tín dụng thương mại: Nguồn vốn này hình thành trong quan hệ mua bán chịu giữa các doanh nghiệp với nhau. Đây là một loại hình tín dụng ngắn hạn, thường được thực hiện giữa những doanh nghiệp đã thiết lập được quan hệ kinh doanh thường xuyên.
Các nguồn vốn chiếm dụng hợp pháp, như tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội, tiền thuế chưa nộp, các khoản phải thanh toán khác… Đây là những nguồn vốn mà doanh nghiệp có thể sử dụng trong ngắn hạn nhằm giải quyết phần nào nhu cầu vốn trong quá trình kinh doanh. Tuy nhiên, trong việc chiếm dụng vốn này, doanh nghiệp phải lưu ý đến khả năng thanh toán kịp thời các khoản nợ khi đến hạn, các quy định về pháp luật mà doanh nghiệp phải tuân thủ như thời hạn nộp thuế, xử phạt…
Các nguồn vốn khác nhau có đặc điểm, lợi ích và chi phí huy động khác nhau. Nhiệm vụ của các nhà quản trị tài chính là phải xác định cấu trúc nguồn vốn hợp lý vừa đảm bảo giảm thiểu chi phí huy động, gia tăng giá trị cho doanh nghiệp đồng thời vẫn kiểm soát được những rủi ro cho doanh nghiệp. Ví dụ, khi xem xét tỷ trọng nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn vốn đi vay người ta thấy rằng nếu tỷ trọng nguồn vốn đi vay (tỷ lệ nợ) cao thì doanh nghiệp sẽ có lợi vì lãi suất đi vay được coi là một loại chi phí, vì thế được khấu trừ thuế. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ trên nguồn vốn chủ sở hữu cao thì doanh nghiệp sẽ dễ gặp khó khăn về tài chính khi dự án đầu tư không sinh lời như dự tính và dễ dẫn tới nguy cơ phá sản nếu không trả được nợ.
Đặng Thị Việt Đức, Phan Anh Tuấn 155