Phá giá tiền tệ là chính sách mà ngân hàng trung ương chính thức tuyên bố đánh sụt sức mua của đồng tiền nước mình xuống so với ngoại tệ (hay chính thức tuyên bố nâng tỷ giá hối đoái).
Khi nhận thấy đồng tiền đang bị mất giá (tỷ giá hối đoái tăng), chính phủ có thể thực hiện phá giá mạnh đồng nội tệ nhằm mục đích sau cùng là bình ổn tỷ giá. Ví dụ, vào tháng 12/1971, Chính phủ Mỹ tuyên bố phá giá đồng USD 7,89% nhằm đối phó với việc giảm sút liên tục sức mua của đồng USD. Trước khi phá giá, 1 GBP = 2,40 USD. Sau khi phá giá. 1GBP = 2,61 USD. Việc một nước phá giá đồng nội tệ sẽ có tác động nhiều mặt. Phá giá tiền khuyến khích xuất khẩu hàng hóa, hạn chế nhập khẩu. Phá giá đồng nội tệ làm tăng nguồn vốn từ nước ngoài chảy vào trong nước, hạn chế chuyển vốn ra bên ngoài để đầu tư; thu hút du lịch từ nước ngoài vào trong nước, hạn chế du lịch ra nước ngoài. Kết quả chung làm tăng cung ngoại hối, giảm cầu ngoại hối và tỷ giá hối đoái ổn định trở lại
Tuy vậy, phá giá tiền tệ cũng dẫn tới nhiều hậu quả. Giữa hai quốc gia liên quan đến tỷ giá, nước phá giá được lợi, và bên kia bị thua thiệt. Họ sẽ tìm cách phá giá đồng tiền của mình, dẫn tới tình tình bất ổn của nền kinh tế thế giới. Phá giá tiền tệ làm tăng nguy cơ của lạm phát vì nếu tiền nội tệ mất giá, người dân sẽ rút tiền mua đất, vàng, ngoại tệ để tích trữ dẫn tới sự bất ổn của nền kinh tế. Hơn nữa, chỉ những nước có tiềm lực kinh tế mạnh mới có thể phát huy được hiệu quả. Phá giá chỉ là điều kiện cần để tăng xuất khẩu và đầu tư trong nước. Điều kiện đủ là hàng hóa phải có sức cạnh tranh và quốc gia ấy phải thực hiện chiến lược xúc tiến thích hợp. Do vậy, các nước cần cân nhắc kỹ khi thực hiện chính sách này.