Đặng Thị Việt Đức, Phan Anh Tuấn 181
- Rà soát các khoản chi phi đầu tư nhằm giảm đến mức tối đa những khoản chi không hiệu quả. Tập trung vào đầu tư dài hạn, có trọng điểm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như tác động vĩ mô của chi tiêu nhà nước.
- Để kiểm soát lạm phát có hiệu quả, làm lành mạnh nền tài chính quốc gia, cần chủ trương bù đắp thiếu hụt ngân sách bằng các khoản vay thông qua cơ chế thị trường, kiên quyết không vay trực tiếp từ Ngân hàng nhà nước.
- Về hệ thống thuế, cần cải tiến theo hướng coi thuế không chỉ là công cụ tạo nguồn thu cho Ngân sách mà còn là công cụ điều tiết vĩ mô. Quá trình hội nhập mạnh mẽ vào thị trường thế giới còn đòi hỏi cải tiến hệ thống thuế cho phù hợp với các thông lệ và quy định quốc tế.
TÓM TẮT CHƯƠNG 7
1. Tài chính công là những hoạt động thu chi tiền tệ của nhà nước nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước trong việc cung cấp hàng hóa công cho xã hội. Tài chính công là một bộ phận thuộc tài chính nhà nước nhưng hướng vào phục vụ lợi ích cộng đồng xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận.
2. Tài chính công và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính. Thứ nhất, tài chính công huy động nguồn tài chính đảm bảo hoạt động của nhà nước và hệ thống chính trị. Thứ hai, tài chính công điều tiết vĩ mô nền kinh tế và là công cụ để nhà nước thực hiện công bằng xã hội. Thứ ba, tài chính công có vai trò kiểm tra về tài chính đối với toàn hệ thống tài chính quốc gia.
3. Bản chất của ngân sách nhà nước là hệ thống những quan hệ tài chính giữa nhà nước và xã hội, phát sinh, gắn liền với quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng quỹ tiền tệ tập trung lớn nhất của nhà nước. Hệ thống ngân sách nhà nước là tổng thể các cấp ngân sách có quan hệ hữu cơ với nhau trong quá trình sử dụng các nguồn tài chính để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi cấp ngân sách.
4. Thu ngân sách nhà nước là quá trình nhà nước sử dụng quyền lực của mình huy động một bộ phận của cải xã hội dưới dạng tiền tệ để hình thành nên quỹ tiền tệ của ngân sách nhà nước. Các khoản thu chủ yếu của ngân sách nhà nước gồm thuế, phí, lệ phí; các khoản thu từ hoạt động kinh tế của nhà nước và các khoản vay nợ trong và ngoài nước.
5. Chi ngân sách nhà nước là quá trình phân phối và sử dụng quỹ ngân sách theo những nguyên tắc nhất định cho việc thực hiện nhiệm vụ của nhà nước. Nếu căn cứ vào chức năng của nhà nước và phương thức quản lý ngân sách nhà nước thì nội dung chi ngân sách nhà nước bao gồm chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và chi trả nợ.
6. Bội chi ngân sách nhà nước có thể dẫn tới những hậu quả đối với nền kinh tế và đời sống xã hội. Để khống chế bội chi ngân sách nhà nước chính phủ có thể thực hiện tăng thu giảm chi, vay nợ trong nước và nước ngoài hoặc phát hành tiền giấy. Giải pháp khống chế và đảm bảo hiệu quả các khoản chi, tận dụng các nguồn thu trong ngắn hạn cùng với những giải pháp nâng cao năng lực của toàn nền kinh tế vẫn tỏ ra là giải pháp tốt nhất mà các nước đang áp dụng để cải thiện tình hình bội chi ngân sách nhà nước.
Đặng Thị Việt Đức, Phan Anh Tuấn 182
7. Chính sách tài chính quốc gia là chính sách kinh tế vĩ mô của nhà nước nhằm tác động tới hệ thống tài chính của đất nước nhằm phục vụ các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra.
CÂU HỎI CHƯƠNG 7
1. Trình bày sự phát triển của tài chính công.
2. Phạm trù tài chính nhà nước và tài chính công có khác nhau không? Giải thích.
3. Phân biệt ngân sách nhà nước, ngân sách doanh nghiệp, ngân sách gia đình và cá nhân. 4. Tại sao ở nước ta ngân sách nhà nước lại chia thành bốn cấp ngân sách và mỗi cấp lại gắn
liền với mỗi cấp chính quyền?
5. Nguyên tắc phân cấp quản lý ngân sách nhà nước ở nước ta là gì? 6. Phân tích sự giống và khác nhau giữa thuế và phí, lệ phí.
7. Trong điều kiện ngân sách quốc gia eo hẹp có nên thực hiện chính sách giảm thuế để nuôi dưỡng nguồn thu?
8. Tại sao chi thường xuyên hết sức quan trọng (chi cho bộ máy nhà nước) nhưng trong bản dự toán thu chi ngân sách nhà nước nó chỉ ở vị trí ưu tiên sau chi đầu tư phát triển và chi trả nợ? 9. Bội chi ngân sách nhà nước trong trường hợp nào tốt hơn trong các trường hợp sau: - Chi tiêu cho chiến tranh,
- Hỗ trợ vốn doanh nghiệp, - Giảm nghèo đói.
Đặng Thị Việt Đức, Phan Anh Tuấn 183
CHƯƠNG 8. TÀI CHÍNH QUỐC TẾ
Trong xu thế toàn cầu hóa, sự phụ thuộc lẫn nhau đang ngày càng tăng lên giữa các nền kinh tế trên thế giới làm cho các mối quan hệ tài chính của các chủ thể trong nền kinh tế không chỉ bó hẹp trong phạm vi quốc gia mà ngày càng mở rộng đa dạng và phức tạp ra bên ngoài. Tài chính quốc tế, do vậy, trở thành một khu vực ngày càng quan trọng. Mục tiêu của chương cuối cùng này là giúp sinh viên tìm hiểu về các nội dung cơ bản liên quan đến các quan hệ tài chính quốc tế gồm thị trường ngoại hối, tỷ giá hối đoái và cán cân thanh toán quốc tế.
Sau khi học xong chương này, sinh viên cần nắm được những vấn đề cơ bản sau: Khái niệm tỷ giá hối đoái, các chế độ tỷ giá hối đoái
Vai trò, các nhân tố tác động và các chính sách điều chỉnh tỷ giá hối đoái
Khái niệm cán cân thanh toán quốc tế, cấu trúc của một bản cán cân thanh toán quốc tế
Các công cụ sử dụng để điều chỉnh cán cân trong trường hợp thâm hụt cán cân.
8.1 CƠ SỞ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TÀI CHÍNH QUỐC TẾ
Tài chính quốc tế là tổng thể các quan hệ kinh tế dưới hình thức giá trị gắn liền với sự di chuyển các nguồn lực tài chính giữa các quốc gia với nhau. Sự hình thành và phát triển của tài chính quốc tế chủ yếu dựa trên cơ sở của sự phát triển các mối quan hệ kinh tế quốc tế, cụ thể như:
- Sự phân công lao động và hợp tác quốc tế
Kể từ khi nền kinh tế hàng hóa hình thành và phát triển, sự hợp tác và phân công lao động quốc tế càng trở nên sâu sắc. Phân công lao động diễn ra trên một phạm vi ngày càng rộng lớn, bao quát nhiều lĩnh vực với tốc độ nhanh. Cùng với sự phát triển phân công lao động, sự hợp tác quốc tế cũng ngày càng đa dạng và phong phú, ngoài thương mại quốc tế còn có hợp tác ở lĩnh vực sản xuất, khoa học kỹ thuật, văn hóa, chính trị… Hệ quả tất yếu của sự phân công và hợp tác quốc tế không những làm cho sự trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong nước tăng mà còn làm cho trao đổi hàng hóa, cung cấp dịch vụ quốc tế phát triển. Ngày nay, trong nền kinh tế thị trường hiện đại, thương mại và dịch vụ quốc tế trở thành hoạt động tất yếu và hầu hết các quốc gia trên thế giới đều tăng cường mở rộng các quan hệ kinh tế song phương cũng như đa phương nhằm khai thác tối đa những lợi ích trong các mối quan hệ kinh tế này.
Trên cơ sở phát triển các mối quan hệ kinh tế quốc tế làm nảy sinh những quyền lợi và nghĩa vụ về tiền tệ của nước này đối với nước khác. Từ đó tạo ra nguồn chảy tài chính đa phương và hình thành nên cán cân thương mại dịch vụ quốc tế giữa các quốc gia. Đồng thời, gắn liền với sự vận động của tiền tệ trong mối tương quan so sánh sức mua của chúng, phạm trù tỷ giá hối đoái đã hình thành trong hệ thống tài chính quốc tế.
Đặng Thị Việt Đức, Phan Anh Tuấn 184
Bước vào đầu thế kỷ 20, cùng với việc tạo ra các mối quan hệ kinh tế quốc tế, các nền kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, do nguồn tiết kiệm trong nước thấp, không đáp ứng đủ nhu cầu vốn, cần phải thu hút nguồn vốn nước ngoài để tạo ra cú hích cho sự phát triển kinh tế. Trong khi đó các quốc gia thừa vốn cũng nỗ lực đẩy mạnh chính sách xuất khẩu vốn (đầu tư vốn) nhằm mở rộng đầu tư và thu lợi nhuận tối đa.
Trong xu hướng đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế quốc tế, các luồng vốn đầu tư quốc tế đã và đang phát triển theo một hệ thống bao gồm các hình thức đầu tư: vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (foreign direct investment- FDI), vốn đầu tư gián tiếp thông qua thị trường chứng khoán, vốn cho vay của các tổ chức kinh tế tài chính quốc tế và ngân hàng nước ngoài như Quỹ tiền tệ quốc tế (International Monetary Fund- IMF), ngân hàng thế giới (World Bank) hay nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (official development assistance- ODA).
Có thể nói, sự phát triển các hình thức đầu tư quốc tế đã làm cho hoạt động tài chính quốc tế được nâng lên ở tầm cao hơn, kết hợp hoạt động thu chi thương mại, dịch vụ quốc tế hình thành nên cán cân thanh toán quốc tế tổng thể của một quốc gia. Kết quả của cán cân này sẽ quyết định vị thế tài chính quốc tế của mỗi nước. Đó cũng là biểu hiện tình trạng phát triển kinh tế trong sự cân đối giữa kinh tế đối nội và kinh tế đối ngoại của một quốc gia.
Từ những phân tích trên cho thấy, tài chính quốc tế tuy ra đời và phát triển gắn liền với sự ra đời và phát triển của các mối quan hệ kinh tế và đầu tư quốc tế, nhưng đến lượt mình, nó tác động mạnh tới sự phát triển kinh tế của các nước. Tài chính quốc tế tạo điều kiện mở rộng và tăng cường hơn nữa các quan hệ trao đổi, hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy kinh tế các nước phát triển phù hợp với bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa. Tài chính quốc tế mở ra nhiều cơ hội cho các quốc gia phát triển kinh tế xã hội, như khai thác vốn, trao đổi kỹ thuật, công nghệ và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tài chính quốc tế còn nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính trong nước.
Hoạt động tài chính quốc tế là một chuỗi vận động các luồng dịch chuyển tài chính, cho nên từ khởi đầu đến khi kết thúc, chuỗi vận động này được thực hiện thông qua kết hợp sự vận hành của các yếu tố (1) các tổ chức tài chính bao gồm tổ chức tài chính trong nước và tổ chức tài chính quốc tế, (2) các công cụ tài chính quốc tế bao gồm ngoại tệ, vàng, các giấy tờ có giá ghi bằng ngoại tệ như séc, hối phiếu, thẻ tín dụng, các chứng khoán ghi bằng ngoại tệ như trái phiếu cổ phiếu…
8.2 THỊ TRƯỜNG NGOẠI HỐI VÀ TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI 8.2.1 Ngoại hối, ngoại tệ và thị trường ngoại hối 8.2.1 Ngoại hối, ngoại tệ và thị trường ngoại hối