Các khoản vay nợ của Chính phủ phản ánh việc vận dụng tín dụng nhà nước, trong đó nhà nước là người vay vốn để đảm bảo chi tiêu của ngân sách. Chủ thể tham gia trong quan hệ tín dụng nhà nước bao gồm: chính quyền nhà nước trung ương, chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, tổ chức tài chính, các tổ chức xã hội, dân cư và các chủ thể nước ngoài.
Huy động vốn bằng vay nợ của chính phủ có hai loại:
- Vay ngắn hạn (dưới 1 năm), thường để bù đắp các khoản bội chi tạm thời của ngân sách nhà nước.
- Vay trung và dài hạn (thời hạn hơn 1 năm), nhằm huy động vốn cho đầu tư phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng mà hiệu quả mang lại sau một thời gian khá dài.
Vay nợ trong nước được tiến hành dưới hình thức phát hành trái phiếu nhà nước, gồm: - Trái phiếu chính phủ, có 3 loại gồm, tín phiếu kho bạc (có thời hạn dưới 1 năm), trái
phiếu kho bạc (có thời hạn từ 1 năm trở lên) và trái phiếu công trình (còn gọi là trái phiếu đầu tư). Vay trái phiếu công trình do cơ quan chính phủ quản lý và sử dụng cho đầu tư một công trình nhất định. Trái phiếu, tín phiếu có thể phát hành qua hệ thống ngân hàng nhà nước hoặc qua kho bạc nhà nước).
- Trái phiếu chính quyền địa phương: dùng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc phần trách nhiệm của địa phương. Nước nào có mức độ phân cấp quản lý ngân sách cao thì trái phiếu địa phương phát triển hơn.
- Công trái: nhà nước phát hành khi đất nước gặp khó khăn do chiến tranh, khủng hoảng kinh tế, cần sự ủng hộ của người dân để vượt qua. Công trái có lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường và thời hạn vay thường dài.
Đặng Thị Việt Đức, Phan Anh Tuấn 171
- Vay vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) của chính phủ nước ngoài (- vay song phương) hoặc của các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế (- vay đa phương). Vốn ODA thường gồm một phần không hoàn lại, phần còn lại là vay ưu đãi. Phần vay ưu đãi được tính vào khoản vay nước ngoài để theo dõi và có kế hoạch trả nợ. Lưu ý, các khoản vay ưu đãi thường có những ràng buộc về chính trị, về các điều khoản hợp tác thương mại quốc tế, công nghệ kỹ thuật, về mục đích sử dụng vốn thông qua các chương trình, các dự án đầu tư phát triển.
- Vay mượn theo các hiệp định vay mượn giữa chính phủ với các tổ chức tài chính tiền tệ thế giới; vay của các thương nhân, tổ chức tài chính tín dụng nước ngoài.
- Phát hành trái phiếu chính phủ quốc tế tại các thị trường vốn quốc tế.
Hai khoản vay sau từ nước ngoài theo lãi suất thị trường và điều kiện vay khó hơn nên Việt Nam rất ít sử dụng.
Ngoài ra thu vào ngân sách nhà nước còn có các khoản khác như các khoản viện trợ không hoàn lại của chính phủ của các nước, của các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài cho chính phủ hoặc trực tiếp cho các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước; tiền sử dụng đất khi giao quyền sử dụng đất; tiền bán hoặc cho thuê tài sản thuộc sở hữu nhà nước; thu tiền bán hàng hóa, vật tư từ quỹ dự trữ; thu các khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước như đóng góp cho quỹ an ninh, quỹ phòng chống thiên tai, ủng hộ đồng bào bão lụt…
Hộp 7.1. Cải cách về chính sách thuế Việt Nam trong những năm gần đây
Là một chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng, chính sách thuế của Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn cải cách. Điều này thể hiện nỗ lực của chính phủ nhằm đảm bảo các yêu cầu chi tiêu và đầu tư phát triển phù hợp với từng giai đoạn thực tiễn của nền kinh tế và ngày càng tương thích, phù hợp với thông lệ của cộng đồng thế giới.
Một cách tổng quát, có thể chia lịch sử hệ thống thuế Việt Nam thành 3 bước cải cách căn bản. Cải cách bước 1, giai đoạn 1990-1995, bước 2 giai đoạn 1996-2004, và bước 3 giai đoạn 2005-2010. Trọng tâm của các bước cải cách 1, 2 là xây dựng một hệ thống quy định pháp luật về thuế quy chuẩn, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho các hoạt động của nền kinh tế và tài khóa quốc gia; bước đầu tạo sự phù hợp của hệ thống thuế Việt Nam với thông lệ quốc tế, đảm bảo được tính tương thích với các nền kinh tế thị trường trong khu vực, hướng tới giai đoạn hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Cả hai giai đoạn cải cách này đều thực hiện chủ yếu từ bên trong, yếu tố bên ngoài tác động hạn chế.
Trong giai đoạn cải cách bước 3 từ năm 2005 đến năm 2010, nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới. Ở giai đoạn này, việc thực hiện các cam kết quốc tế đa phương và song phương dẫn đến sự cắt giảm đáng kể nguồn thu từ thuế nhập khẩu; thu nhập từ dầu thô cũng giảm sút. Nội dung cụ thể của cải cách thuế bước 3 hướng đến việc sửa đổi các sắc thuế hiện hành như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thuế tài nguyên và ban hành những loại thuế mới như thuế thu nhập cá nhân, theo xu hướng tăng dần tỷ trọng thuế trực thu, tương ứng giảm dần tỷ trọng thuế gián thu; phù hợp với giai đoạn hội nhập và thực hiện các cam kết quốc tế.
Đặng Thị Việt Đức, Phan Anh Tuấn 172
Nỗ lực cải cách thuế trong những năm qua đã mang lại những kết quả đáng kể. Thu ngân sách liên tục gia tăng. Năm 2012, tổng thu thuế của Việt Nam đạt 638 ngàn tỷ đồng gấp gần 3,3 lần so với số thu thuế năm 2005 (Biểu 1). Mức tăng trưởng thu thuế phù hợp với mức tăng trưởng GDP, vì vậy tỷ lệ động viên từ thuế trên GDP trong 10 năm qua khá ổn định, ở mức 23%-24% tổng GDP.
Biểu 1. Thu thuế Việt Nam giai đoạn 2005- 2012
Nguồn: Bộ Tài chính
Tuy vậy trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, áp lực chi công tăng lên trong khi áp lực giảm thuế để kích thích các hoạt động đầu tư và tiêu dùng cũng lớn hơn làm thu ngân sách nhà nước trở nên căng thẳng. Để hoàn thành vai trò của một chính sách vĩ mô quan trọng của mình, hệ thống thuế Việt Nam sẽ còn tiếp tục phải cải cách nữa.
Nguồn: Đặng Thị Việt Đức, 2014, “Nhìn lại chính sách và thực trạng thu thuế tại Việt Nam”,
Tạp chí Tài chính, số 6/2014
7.2.4 Chi ngân sách nhà nước
Chi ngân sách nhà nước là quá trình phân phối và sử dụng quỹ ngân sách theo những nguyên tắc nhất định cho việc thực hiện nhiệm vụ của nhà nước..
Các khoản chi và phân loại các khoản chi ngân sách nhà nước