Lý thuyết về lợi thế cạnh tranh

Một phần của tài liệu Tác động của đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đến hiệu quả hoạt động các ngân hàng thương mại việt nam (Trang 26 - 27)

Tiêu biểu nhất cho lý thuyết này là mô hình phát triển bởi Hymer (1960). Mô hình này giải thích các công ty đa quốc gia được hình thành nhờ những lợi thế cạnh tranh mà công ty sở hữu. Những lợi thế cạnh tranh này có thể là khả năng tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên nhất định, công nghệ vượt trội, hoặc khả năng tạo ra sản phẩm mới (Prahalad và Hamel, 1990). Về cơ bản, lý thuyết này là lý thuyết tăng trưởng công ty của Penrose (1959) và Chandler (1990). Trong đó, Chandler (1990) giải thích sự phát triển của công ty công nghiệp hiện đại ở Hoa Kỳ, Đức và Anh là do ba yếu tố cơ bản: đầu tư vào các cơ sở sản xuất tạo ra lợi thế theo quy mô đáng kể, tổ chức nội bộ của công ty tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý hiệu quả, và cuối cùng, đầu tư vào marketing và phân phối để gia tăng tiện lợi cho khách hàng.

Phát triển mô hình của Hymer (1960), Dunning (1981) xây dựng mô hình mô hình sản xuất quốc tế để giải thích cho sự phát triển của các công ty đa quốc gia. Tác giả này phân biệt giữa ba loại lợi thế dẫn đến OFDI của một tổ chức gồm:

Thứ nhất là lợi thế sở hữu: theo đó một công ty có một số tài sản hoặc nguồn lực độc đáo nhất định có thể phát triển các lợi thế cạnh tranh bền vững giúp công ty có thể chống lại sự bắt chước của các đối thủ cạnh tranh khác. Về cơ bản, lập luận này tương tự như lập luận của Hymer hoặc Penrose.

Thứ hai là lợi thế về vị trí: theo đó, OFDI thường được chứng minh dựa trên hai tiêu chí: gần gũi với khách hàng hoặc tiếp cận thị trường địa phương, và tiếp cận một số nguyên liệu thô nhất định hoặc điều kiện sản xuất hiệu quả hơn hoặc rẻ hơn (Caves, 1982).

Thứ ba là lợi thế thu được từ việc nội bộ hóa các giao dịch nhất định trong công ty, thay vì thực hiện chúng trên thị trường mở. Do đó, đây là đối số được sử dụng bởi mô hình chi phí giao dịch.

Mô hình này được gọi là mô hình OLI (Quyền sở hữu, Nội bộ hóa, Vị trí). Theo Kindleberger (1969), so với các công ty nội địa, các tập đoàn đa quốc gia có thể khai thác một số lợi thế cạnh tranh riêng biệt thông qua đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Trong đó, hai điều kiện phải được đáp ứng là (i) Công ty đầu tư có thể đạt được tỷ suất lợi nhuận ở nước ngoài cao hơn so với trong nước. (ii) Công ty đầu tư phải có khả năng đạt được tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với các công ty địa phương tại thị trường được đầu tư.

Tuy nhiên, trên thực tế, cả 2 điều kiện tương đối khó khăn do những bất lợi và rủi ro mà nhà đầu tư nước ngoài gặp phải so với các doanh nghiệp nước sở tại. Có thể kể đến những chi phí phát sinh như: điều hành ở khoảng cách xa khiến chi phí đi lại, liên lạc và thời gian, những hiểu lầm trong truyền đạt thông tin khiến rủi ro ra quyết định sai tăng lên. Hơn nữa, các rủi ro liên quan đến vấn đề pháp luật, chính trị, chính sách điều hành của nước sở tại cũng sẽ tác động lớn đến kết quả đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài. Để hạn chế những điều này, thông thường, các công ty đi đầu tư vốn ra ngoài lãnh thổ thường có những lợi thế nổi trội.

Một phần của tài liệu Tác động của đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đến hiệu quả hoạt động các ngân hàng thương mại việt nam (Trang 26 - 27)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(190 trang)
w