Kết hợp các kết quả phân tích định lượng với phân tích định tính và đánh giá thực trạng OFDI của các NHTM Việt Nam có thể rút ra các nhận định sau:
Thứ nhất, hoạt động OFDI của các NHTM Việt Nam vẫn dang trong giai đoạn đầu của quá trình đầu tư. Quy mô đầu tư vẫn còn nhỏ trong so sánh tương đối với quy mô thị trường trong nước. Các thị trường đầu tư cũng chủ yếu tập trung ở các quốc gia láng giềng có mối quan hệ chính trị, thương mại, ngoại giao tích cực. Các NHTM Việt nam đầu tư sang thị trường nước ngoài có chiến lược khá giống nhau ở điểm cùng hướng đến đối tượng khách hàng chính là cá nhân, doanh nghiệp Việt nam tại nước ngoài và từ đó để hướng ra cá nhân, doanh nghiệp nước đầu tư. Các ngân hàng cũng đều sử dụng chung hình thức đầu tư là thành lập ngân hàng 100% vốn và hình thức thành lập chi nhánh ngân hàng tại nước ngoài (nếu pháp luật không cho phép thành lập ngân hàng 100% vốn). Các ngân hàng cũng đều hướng đến mục tiêu chính là gia tăng thị trường, khách hàng.
Thứ hai, kết quả phân tích cũng cho thấy trong thời gian qua kết quả hoạt động kinh doanh của các NHTM Việt Nam tại nước ngoài còn rất hạn chế. Tỷ lệ nợ xấu
thường tăng cao sau 3-4 năm thành lập. Chi phí trích DPRR cao. Danh mục khách hàng hạn chế. Mức độ thâm nhập thị trường kém. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp hoạt động kinh doanh của các đơn vị tại nước ngoài đã đi vào ổn định. Nguyên nhân chủ yếu để giải thích cho những yếu kém hạn chế là mô hình quản lý, phương pháp tiếp cận thị trường không phù hợp và định hướng kinh doanh chưa chính xác. Nhìn tổng thể cả những trường hợp kinh doanh tích cực và tiêu cực, có thể thấy xu hướng chung là những kết quả kinh doanh mang lại tại thị trường nước ngoài chưa tương xứng với mức đầu tư cũng như kỳ vọng của các NHTM Việt Nam đối với thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, thứ ba, định hướng của các NHTM đối với phát triển OFDI trong tương lai vẫn tiếp tục được khẳng định. Điều này có nguyên nhân cả về tự bản thân các NHTM và cả về thị trường. Qua trao đổi của các chuyên gia có thể thấy rõ ràng định hướng các ngân hàng và đây là tầm nhìn dài hạn. Thực tế cho thấy mặc dù hoạt động kinh doanh tại thị trường nước ngoài của các ngân hàng đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhìn trong dài hạn xu hướng vươn ra thị trường ngoài ra yêu cầu bắt buộc. Điều này do thị trường tại Việt nam đã có mức cạnh tranh rất cao. Trong khi đó khoảng cách các ngân hàng Việt Nam với các ngân hàng khu vực châu á đang ở mức rất cao. Kết quả năm 2020 cho thấy BIDV có khoảng cách đến 50% TTS so với ngân hàng đứng thứ 100 châu á. Để các ngân hàng có thể gia tăng quy mô, yêu cầu bắt buộc phải mở rộng sang các thị trường có khả năng khai phá cao hơn. Đây là con đường các NHTM Việt Nam đang nhìn vào.
5.2. Các khuyến nghị rút ra từ kết quả nghiên cứu
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu như trên, có thể rút ra 2 nhóm khuyến nghị mà các NHTM Việt Nam cần quan tâm gồm:
(1) Nhóm khuyến nghị về lựa chọn định hướng phát triển OFDI: xu hướng phát triển hoạt động OFDI là đúng đắn và sẽ mang lại hiệu quả trong dài, tuy nhiên điều này chỉ có thể thành hiện thực nếu NHTM lựa chọn được định hướng phát triển OFDI phù hợp;
(2) Nhóm khuyến nghị về nâng cao chất lượng quản lý: đề hoạt động OFDI thực sự mang lại lợi ích cho ngân hàng và gia tăng lợi ích mang lại, các NHTM cần hết sức quan tâm đến vấn đề về nguồn nhân lực, cơ chế quản lý, chiến lược tiếp cận thị trường, quản lý rủi ro;
5.2.1. Nhóm vấn đề về lựa chọn định hướng phát triển OFDI
Đối với những ngân hàng đã có hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài
Những ngân hàng đã có OFDI có thể xác định chiến lược tiếp tục bám trụ thị trường, đồng thời cân nhắc đẩy mạnh đầu tư trong điều kiện cho phép. Có thể chia thành ba trường hợp trong bối cảnh này như sau:
Thứ nhất là đối với những ngân hàng đã OFDI và quy mô đầu tư đã tương đối lớn trong so sánh với những ngân hàng còn lại, tuy nhiên kết quả kinh doanh tại thị trường nước ngoài vẫn còn tương đối hạn chế so với quy mô đầu tư. Đây là trường hợp của các ngân hàng như BIDV, SHB, Sacombank. Đối với những ngân hàng này trong bối cảnh hiện nay, chính sách ưu tiên cần tập trung là tái cơ cấu hoạt động kinh doanh tại thị trường nước ngoài. Chính sách tái cơ cấu nhằm hướng đến mục tiêu tháo gỡ những rào cản, khó khăn vướng mắc trong nội bộ và cả những tồn đọng đã nẩy sinh trong quá khứ. Cụ thể đó là việc xử lý nợ xấu, đa dạng hóa nền khách hàng, quản lý chặt chẽ hơn…Sau khi đã tháo gỡ được những rào cản cho phát triển, các NHTM có thể tiếp tục đầu tư và phát triển hoạt động kinh doanh tại thị trường lựa chọn.
Thứ hai là đối với những ngân hàng đang trong giai đoạn đầu tư ban đầu, quy mô đầu tư còn nhỏ như trường hợp của Vietcombank. Các ngân hàng này có thể xem xét chiến lược đẩy mạnh đầu tư để hoạt động OFDI mang lại lợi ích lớn hơn cho tổng thể ngân hàng. Tuy nhiên trong quá trình phát triển các ngân hàng cần lựa chọn tốc độ phát triển hợp lý, cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng và mục tiêu an toàn. Các ngân hàng trong trường hợp này cần hết sức tránh lặp lại những khó khăn, hạn chế của các NHTM Việt Nam tại Campuchia đã gặp phải.
Thứ ba là đối với những ngân hàng đầu tư đạt đến quy mô nhất định và đang đem lại những lợi ích thực sự. Khi đó những ngân hàng này nên mạnh dạn đầu tư mạnh mẽ hơn cho thị trường nước ngoài để khai thác tốt hơn nữa lợi thế theo quy mô. Những chiến lược phát triển ngân hàng số, đẩy nhanh đầu tư công nghệ là những chính sách có thể xem xét để các ngân hàng có thể nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần, thâm nhập sâu hơn vào thị trường nước ngoài. Tuy nhiên trong quá trình đẩy mạnh này, các NHTM cần kiểm soát chặt chẽ chi phí gia tăng.
Đối với những ngân hàng chưa có hoạt động OFDI
Đối với những ngân hàng chưa có hoạt động OFDI, việc xem xét triển khai là việc nên thực hiện nhưng cần hết sức thận trọng. Hoạt động OFDI chỉ phù hợp với những ngân hàng có tiềm lực tài chính mạnh, khả năng quản trị điều hành và quản trị
rủi ro tốt, đồng thời có khả năng ứng phó với các tình huống pháp lý, tài chính và ngân hàng quốc tế tốt. Các ngân hàng có năng lực cạnh tranh yếu không nên mở rộng OFDI theo trào lưu, xu hướng.
Khi ngân hàng đã xác định được việc OFDI là phù hợp và cần thiết. Việc xây dựng chiến lược OFDI một cách thận trọng, chi tiết trên cơ sở tự đánh giá ưu nhược điểm, cơ hội và thách thức cũng như báo cáo thăm dò và đánh giá thị trường trước khi tiến hành hoạt động đầu tư là rất cần thiết.
Khi đã xác định mục tiêu, các ngân hàng cần xác định phương pháp thực hiện OFDI như góp vốn liên doanh, mua lại một ngân hàng bản địa, mở chi nhánh. Việc lựa chọn hình thức đầu tư sẽ phụ thuộc rất lớn vào quy định pháp luật nước sở tại, quy mô vốn đầu tư của ngân hàng và mục tiêu của ngân hàng. Tuy nhiên khi điều kiện riêng cho phép, các ngân hàng nên lựa chọn thành lập ngân hàng con tại nước ngoài để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Về địa lý, các ngân hàng nên mở rộng đầu tư sang các quốc gia mà Việt Nam có quan hệ ngoại giao tốt, có lượng kiều bào đông đảo và chính trị ổn định. Như trong kết quả phỏng vấn chuyên gia, đầu tư vào những thị trường như Lào, Myanmar là những quốc gia có quan hệ chính trị gần gũi và thân thiện với Việt Nam mang lại những lợi ích và thuận lợi rất lớn cho hoạt động kinh doanh tại thị trường nước ngoài của các ngân hàng.
Tuy nhiên, xuyên suốt tất cả các định hướng, các NHTM vẫn nên tập trung phát triển, nâng cao năng lực tranh tranh (năng lực tài chính, chất lượng phục vụ,…) trên thị trường nội địa để làm bàn đạp khai thác tối đa thị phần trong nước.
5.2.2. Nhóm khuyến nghị về nâng cao chất lượng công tác quản lý
Về cơ chế quản lý, mô hình bộ máy
Thứ nhất, các ngân hàng cần thiết lập được cơ chế, bộ máy quản lý mảng kinh doanh tại thị trường nước ngoài thực sự hiệu quả. Trước hết về bộ máy quản lý, các ngân hàng Việt Nam hiện nay hầu hết quản lý mảng thị trường nước ngoài theo hình thức "ban" quản lý. Theo đó một đơn vị chuyên trách quản lý mảng thị trường nước ngoài được thành lập để làm cầu nối trung gian giữa bộ máy tại trụ sở chính và đơn vị kinh doanh tại thị trường nước ngoài. Tuy nhiên mô hình này chỉ có hiệu quả khi mảng thị trường nước ngoài hoạt động hạn chế và thụ động. Với quy mô như hiện nay các ngân hàng Việt Nam cần xem xét hình thành mảng kinh doanh tại thị trường nước ngoài riêng trong từng bộ phận. Theo đó trong từng đơn vị chức năng tại trụ sở chính
sẽ chia ra nhóm quản lý thị trường trong nước và nhóm quản lý thị trường nước ngoài. Khi đó nguồn lực tại ngân hàng mẹ sẽ được phân bổ phù hợp và tương xứng hơn cho mảng kinh doanh tại thị trường nước ngoài.
Về cơ chế chính sách, thông thường đơn vị kinh doanh tại thị trường nước ngoài sẽ được trao quyền tự chủ khá lớn trong hoạt động kinh doanh để đảm bảo tính linh hoạt và tuỳ biến với điều kiện thị trường nước người luôn rất đa dạng và phức tạp. Tuy nhiên trong trường hợp các ngân hàng Việt Nam, khi trình độ quản lý, các công cụ hỗ trợ cho công tác quản lý, giám sát hoạt động còn hạn chế, việc quản lý, giám sát chặt chẽ mảng hoạt động kinh doanh tại thị trường nước ngoài là yêu cầu cần được xem trọng. Theo đó các NHTM Việt Nam cần thiết lập cơ chế kiểm soát, phân cấp uỷ quyền, chế độ thông tin báo cáo, và lịch trình kiểm tra, kiểm toán nội bộ thực sự hiệu quả đối với mảng kinh doanh tại thị trường nước ngoài nhằm đảm bảo hiệu quả và lợi ích mang lại cho tổng thể hoạt động ngân hàng.
Thứ hai, công bố thông tin thực sự minh bạch. Hiện nay thông tin của mảng kinh doanh tại thị trường nước ngoài rất hạn chế. Việc tiếp cận thông tin trong nội bộ ngân hàng đã rất khó khăn. Nguyên nhân của tình trạng này có thể hiểu được do yêu cầu khách quan từ bảo mật thông tin. Tuy nhiên thông tin càng thiếu minh bạch cũng tương đồng với việc càng ít dữ liệu để nắm bắt tình hình, đánh giá được chính xác thực trạng, xác định đúng được tiềm năng hay rủi ro. Theo đó các ngân hàng Việt Nam có hoạt động OFDI cần thiết lập cơ chế công bố thông tin phù hợp và có tính cởi mở, minh bạch hơn. Điều này sẽ giúp bản thân các ngân hàng đánh giá được chính xác tình hình và từ đó tìm được những giải pháp thực sự hiệu quả, phù hợp cho tương lai. Đây cũng là biện pháp để các ngân hàng khai thác tốt hơn lợi thế trong thu hút khách hàng, tạo lợi thế cạnh tranh so vớii các ngân hàng chỉ có hoạt động trong nội địa.
Thứ ba, khai thác tốt hơn lợi thế theo quy mô. Các NHTM Việt Nam cần có kế hoạch đầu tư mạnh mẽ hơn cho mảng thị trường tại nước ngoài nhằm đạt được lợi thế theo quy mô. Những khoản đầu tư ban đầu cần chấp nhận chi phí lớn nhưng sẽ dần mang lại hiệu quả lâu dài.
Quản trị những rủi ro chính
Rủi ro lớn nhất đối với hoạt động OFDI của các ngân hàng Việt Nam là rủi ro liên quan đến quốc gia. Khi tình hình chính trị tại quốc gia nước ngoài bất ổn, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng sẽ lập tức bị ảnh hưởng nặng nề, ngừng hoạt động, thậm chí gặp phải những tổng thất lớn. Theo đó để hạn chế rủi ro quốc gia, trước hết các ngân hàng cần lựa chọn thị trường đầu tư phù hợp là những quốc gia có quan hệ
ngoại giao thân thiện với Việt Nam. Đây là cơ sở ban đầu. Bên cạnh đó các ngân hàng cũng cần thường xuyên đánh giá biến động chính trị, mức độ ổn định quốc gia của các thị trường đầu tư. Đây là những nghiệp vụ được thực hiện thường xuyên tại các ngân hàng đa quốc gia trên thế giới nhưng lại chưa được quan tâm tại các NHTM Việt Nam.
Rủi ro lớn thứ hai đối với hoạt động OFDI là rủi ro đạo đức của những cán bộ quản lý được cử sang nước ngoài. Đây là vấn đề các ngân hàng cần hết sức quan tâm vì trong thực tế đây lại là rủi ro có ảnh hưởng lớn nhất đến những lợi ích và kết quả kinh doanh tại thị trường nước ngoài của các NHTM Việt Nam thời gian qua. Theo đó những ngân hàng Việt nam cần thực hiện chặt chẽ các nguyên tắc quản trị công ty, các biện pháp phòng ngừa rủi ro người đại diện như gắn trách nhiệm, thường xuyên thực hiện kiểm tra, kiểm toán nội bộ.
Rủi ro lớn thứ ba là pháp luật. Để hạn chế rủi ro này, các NHTM Việt Nam nên có các biện pháp thuê luật sư trong thời gian đầu dù chi phí rất cao nhưng là cần thiết. Các ngân hàng cũng cần đề cao sự an toàn ổn định trong hoạt động hơn là việc chạy theo tăng trưởng để bỏ qua hay xem nhẹ những quy định an toàn. Song song, các NHTM Việt Nam cần chủ động tiếp cận các ngân hàng đối tác đáng tin cậy tại địa phương, tìm hiểu kỹ quy định pháp lý, thể chế nước sở tại nhằm xác định mức độ rủi ro chính sách tiềm tàng. NHTM Việt Nam cũng cần chủ động tạo mối liên kết mật thiết với các ngân hàng tại địa phương, lựa chọn đối tác có thể hỗ trợ thực hiện các giao dịch tránh trường hợp gián đoạn hoạt động khi có rủi ro xảy ra
Ngoài 3 nhóm rủi ro như ở trên, các rủi ro liên quan đến ngoại hối, tín dụng, thị trường… đã có các biện pháp thông thường ngân hàng đều áp dụng. Đặc biệt các NHTM Việt nam nên xây dựng chiến lược quản trị rủi ro chung cho toàn hệ thống và cho từng khu vực, theo đó nội dung chiến lược cần được rà soát và điều chỉnh thường xuyên dựa vào thực tế quản trị rủi ro tại địa phương.
Về phát triển nguồn nhân lực
Nhân lực là yếu tố quan trọng trong phát triển hoạt động ngân hàng Việt Nam tại thị trường nước ngoài. Do đó, các ngân hàng phải chú trọng nâng cao công tác quản lý và năng lực cán bộ để thực hiện tốt các nghiệp vụ của ngân hàng hiện đại. Để có thể phát triển nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu, NHTM Việt Nam cần:
Thứ nhất, các ngân hàng Việt Nam trước hết cần tận dụng tối đa nguồn nhân lực, kinh nghiệm của thị trường trong nước. Không nên có chính sách khoán trắng cho thị trường nước ngoài tự thực hiện xây dựng mọi chính sách. Thay đó khi cần xây dựng các khung thể chế, quy định, phát triển sản phẩm mới, triển khai dự án mới… các ngân hàng Việt Nam cần đưa nhân lực có kinh nghiệm cao từ ngân hàng mẹ sang
thị trường nước ngoài để nhanh chóng triển khai, hoàn thành và chuyển giao. Nhân lực tại thị trường nước ngoài sẽ khó có thể có được độ chuyên nghiệp như tại ngân hàng mẹ. Hơn nữa nguồn lực luôn hạn chế hơn. Khi đó việc sử dụng nguồn lực từ ngân