Lý thuyết về lợi thế độc quyền lần đầu tiên được đưa ra bởi Kindleberger (1969). Không giống như lý thuyết về chi phí so sánh hoặc khái niệm chu kỳ sống của sản phẩm, Kindleberger không xác định những lợi thế mà các tập đoàn đa quốc gia sở hữu nằm ở sự khác biệt của yếu tố chi phí. Theo quan điểm hiện đại, chi phí ở nước ngoài rẻ hơn ở trong nước là chưa đủ. Ông đi tìm lời giải cho câu hỏi tại sao hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài lại không thể được thực hiện bởi các doanh nghiệp nước sở tại – vốn có lợi thế hơn nhiều so với các nhà đầu tư bên ngoài. Giải thích cho vấn đề này, ông cho rằng có sự không hoàn hảo trên thị trường hàng hóa và các yếu tố (bao gồm cả công nghệ), những chính sách, can thiệp của Chính phủ từng quốc gia tác động đến vấn đề cạnh tranh hoặc các tập đoàn quốc tế có lợi thế độc quyền tích lũy. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, cạnh tranh hoàn hảo không có được có thể do sự khác biệt hóa sản phẩm, kỹ năng tiếp thị đặc biệt, duy trì giá bán và công tác quản lý giá. Do đó, tập đoàn đa quốc gia có thể có thể tận dụng các sản phẩm độc quyền theo nhãn hàng, thương hiệu của mình để tạo ra sự khác biệt trên thị trường ngoại quốc. Bên cạnh đó,
công tác định giá sản phẩm của tập đoàn đa quốc gia cũng có nhiều lợi thế hơn so với các doanh nghiệp chỉ sản xuất – kinh doanh các mặt hàng tại thị trường nội địa.
Thứ hai, sự không hoàn hảo đến từ các yếu tố khác như công nghệ, quyền sáng chế, sự phân biệt đối xử trong khả năng tiếp cận vốn, sự khác biệt về kỹ năng quản trị doanh nghiệp hoặc xếp hạng tín nhiệm. Công nghệ và các quyền sáng chế độc quyền là các lợi thế cốt lõi mà các công ty đa quốc gia có thể mang lại cho thị trường nhận đầu tư. Trong khi đó, kỹ năng quản lý cấp trên là một khía cạnh quan trọng khác. Ví dụ, với bộ máy quản trị hiệu quả và kinh nghiệm quản trị tiên tiến, các công ty đa quốc gia có những lợi thế lớn so với các đối thủ cạnh tranh thông qua công tác hoạch định chiến lược và tầm nhìn dài hạn, ra quyết định chính xác, chú trọng hoạt động phân tích chi phí – hiệu quả bài bản, cách thức phân tích thị trường khoa học,… Điểm này cũng được Kindleberger nhấn mạnh rằng "nhà đầu tư nước ngoài có rất ít lợi thế trong việc tiếp cận nguồn lao động ngoài đội ngũ quản lý và kỹ thuật". Ngoài ra, các công ty nước ngoài thường có xếp hạng tín nhiệm cao hơn các công ty nước sở tại. Điều này mang lại lợi thế trong việc thu xếp vốn (tăng vốn chủ sở hữu, phát hành trái phiếu cho thị trường trong nước/quốc tế hoặc thậm trí là nguồn vốn tín dụng,…).
Thứ ba, một yếu tố khác tác động đến lợi thế độc quyền chính là lợi thế quy mô (cả bên trong và bên ngoài). Thông thường, bản thân các công ty khi đã có đầu tư ra thị trường nước ngoài thường có quy mô hơn các doanh nghiệp nước sở tại. Điều này dẫn đến khả năng đạt được quy mô hoạt động và sản xuất tối ưu tốt hơn. Kết quả là chi phí sản xuất trung bình giảm xuống. Đối với lợi thế bên ngoài, các tập đoàn quốc tế có thể hưởng lợi từ quy mô kinh tế bên ngoài thông qua hội nhập theo chiều dọc. Cụ thể, các tập đoàn đa quốc gia có thể cải thiện hiệu quả và lợi nhuận của thông qua việc tích hợp các mắt xích khác nhau của chuỗi giá trị tại nhiều quốc gia vào cùng một công ty.
Cuối cùng, lợi thế độc quyền do Kindleberger đề xuất là sự can thiệp của chính phủ vào cạnh tranh. Thông thường, Chính Phủ sẽ tác động vào tính cạnh tranh của thị trường thông qua các chính sách bảo hộ, hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với hoạt động thương mại từ nước ngoài nhằm bảo vệ các doanh nghiệp trong nước khỏi sự cạnh tranh.
Lý thuyết về lợi thế độc quền chỉ ra rất nhiều lợi thế của các tập đoàn đa quốc gia so với các công ty nước sở tại. Tuy nhiên, lý thuyết này cũng có một số điểm yếu. Lý thuyết tập trung vào những lợi thế hiện có mà các công ty đa quốc gia có thể chuyển ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, chiều ngược lại, các công ty này cũng OFDI để tiếp cận với các nguồn lợi thế cạnh tranh mới, ví dụ: công nghệ, bí quyết, nguyên liệu thô và các tài nguyên khác. Hơn nữa, khi chuyển giao lợi thế độc quyền
qua biên giới, cũng có thể phát sinh những chi phí chưa được phản ánh trong lý thuyết này.