Những yếu tố khách quan

Một phần của tài liệu Ths CTH công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số ở huyện ba bể, tỉnh bắc kạn hiện nay (Trang 29 - 36)

2.1.1.1. Điều kiện tự nhiên

Ba Bể là một huyện miền núi vùng cao của tỉnh Bắc Kạn, trước khi tách khu vực phía bắc thành lập huyện Pác Nặm (5/2003), huyện Ba Bể có diện tích tự nhiên là 115.173 ha. Huyện nằm ở phía đông bắc của tỉnh, cách trung tâm tỉnh lị 62km, phía đông giáp với huyện Ngân Sơn và huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng), phía tây giáp huyện Chợ Đồn và tỉnh Tuyên Quang, phía nam giáp huyện Bạch Thông, phía bắc giáp huyện Bảo Lạc (Cao Bằng). Toàn huyện có 25 xã và 1 thị trấn (Chợ Rã).

Huyện Ba Bể tỉnh Bắc Kạn sớm có một vị trí quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử.

Thị trấn Chợ Rã là huyện lỵ của Ba Bể, tên gọi Chợ Rã xuất hiện sớm trong lịch sử. Huyện Ba Bể hiện nay có 16 đơn vị hành chính gồm 15 xã (Thượng Giáo, Địa Linh, Bành Trạch, Cao Trĩ, Khang Ninh, Quảng Khê,

Đồng Phúc, Hoàng Trĩ , Nam Mẫu, Cao Thượng, Yến Dương, Chu Hương, Mỹ Phương, Hà Hiệu, Phúc Lộc) và 1 thị trấn (Chợ Rã) và 01 thị trấn với hơn 200 thôn bản. Dân số toàn huyện có gần 47 nghìn người, trong đó có khoảng 95% là người dân tộc thiểu số. Thành phần dân tộc chính là: Tày, Kinh, Dao, Mông, Nùng, Hoa và một số dân tộc khác.

Ba Bể là huyện nằm ở thượng nguồn sông Năng, có nhiều núi đồi cao thấp khác nhau, độ cao trung bình so với mặt nước biển là 700m. Phía bắc có dãy Phja Dạ đỉnh cao nhất gần 1000m, vùng trung tâm có dãy Phja Bjoóc chạy dài theo hướng đông – nam, ngoài ra còn có nhiều dãy núi chạy theo nhiều hướng thấp dần từ bắc sang đông nam chia cắt địa hình huyện thành nhiều thung lũng có địa hình phức tạp. Về tổng quan có thể chia thành hai vùng địa hình rõ rệt: vùng núi cao và vùng núi thấp. Vùng núi cao chủ yếu nằm ở hướng đông bắc và tây – tây bắc, vùng này rải rác có những dãy núi đá cao, độ dốc lớn, các các khu ruộng bậc thang xen kẽ. Đất canh tác chủ yếu là nương rẫy thích hợp cho việc trồng cây lương thực cạn, cây đặc sản, cây công nghiệp dài ngày và chăn nuôi đại gia súc. Vùng núi thấp xen kẽ đồng ruộng tương đối bằng và thấp trũng tập trung ở khu trung tâm và hướng nam, thích hợp cho trồng các loại cây lương thực như: lúa nước, ngô, đậu đỗ các loại, cây ăn quả , cây đặc sản và chăn nuôi tiểu gia súc, gia cầm.

Huyện Ba Bể nằm ở khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, có đủ nhiệt độ, nắng mưa được chia làm 2 mùa chính: mùa nóng từ tháng 5 đến tháng 10, nhiệt độ trung bình từ 22-280C, thường xảy ra mưa to gió lốc, gây lũ lụt; mùa lạnh từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, nhiệt độ trung bình từ 14 – 190C (lạnh nhất là tháng 1) thường có mưa phùn, gió rét hoặc sương muối ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của động thực vật và sinh hoạt của con người.

Trên địa bàn các xã đều có suối, một số xã có sông Năng chảy qua rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhưng hàng năm, từ tháng 6 đến

tháng 10 thường có các trận mưa lũ lớn, các suối nhỏ thường gây lũ quét tại các xã vùng cao nên cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và sản lượng cây trồng.

Huyện Ba Bể tỉnh Bắc Kạn là một huyện miền núi có nguồn tài nguyên động thực vật quý hiếm nhưng do nạn chặt phá rừng làm nương rẫy và săn bắt bừa bãi nên tài nguyên rừng cạn kiệt, các loại động vật quý hiếm không còn nhiều. Hiện nay chỉ còn khu vực vườn quốc gia Ba Bể là rừng nguyên sinh với diện tích 23.340 ha. Vườn quốc gia Ba Bể ngày nay là một di sản thiên nhiên quý giá với hệ thống rừng nguyên sinh trên núi đá vôi có tới 417 loài thực vật trong đó có nhiều gỗ quý như: đinh, lim, sến, nghiến, lát … ngoài các loại thực vật thân gỗ còn có hàng trăm loài hoa phong lan, địa lan, trúc dây cùng nhiều cây dược liệu quý hiếm và 299 loài động vật có xương sống. Nhiều loài động vật quý vẫn còn lưu giữ được như phượng hoàng đất, gà lôi, vọc mũi hếch. Trong hồ Ba Bể vẫn còn 49 loài cá nước ngọt trong đó có một số loài quý hiếm như cá chép kính, cá rầm xanh, cá chiên…

Thượng nguồn sông Năng nằm trên địa bàn hai xã: Bằng Thành và An Thắng còn có vàng sa khoáng mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể cho nhân dân các dân tộc huyện Ba Bể. Gắn liền về phía tây – nam của hồ Ba Bể là thác Đầu Đẳng có độ dốc cao, lưu lượng nước lớn, tạo ra khả năng thủy điện có công suất cao cho huyện Ba Bể.

Huyện Ba Bể được thiên nhiên ưu đãi có một danh lam thắng cảnh nổi tiếng là Hồ Ba Bể rộng gần 500 ha. Hồ là nơi đổ vào của các con sông, suối, đó là sông Năng ở phía đông, suối Tả Han ở phía bắc và suối Nam Cường ở phía tây bắc. Độ sâu trung bình của hồ là 20 – 35m, dung tích trên 90 triệu m3 nước. Do sự biến đổi của địa hình caxtơ đã tạo thành một hồ trên núi đá vôi với các cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Hồ gồm 3 bể lớn theo tên địa phương là Pé Lầm, Pé Lù, Pé Lèng, có lẽ vì thế mới có tên gọi là hồ Ba Bể. Phía bắc hồ có một đảo nhỏ nằm ở giữa hồ đó là đảo Pò Giả Mải (đảo bà góa). Ba Bể

còn có Ao Tiên với huyền thoại đầy tính nhân văn, có sông Năng với động Puông và thác Đầu Đẳng kì vĩ gắn liền với hồ Ba Bể trở thành khu danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở khu vực miền núi phía Bắc nước ta. Quần thể hồ và các dòng sông, con suối, núi rừng, hang động gắn liền với hệ động thực vật phong phú cùng với các truyền thuyết, phong tục, văn hóa, lễ hội trong vùng đã tạo nên một trong những vùng di sản thiên nhiên vật thể và phi vật thể đẹp vào bậc nhất ở phía bắc nước ta.

2.1.1.2. Các yếu tố kinh tế - xã hội

Tỉnh Bắc Kạn tái lập, Ba Bể trở thành huyện nghèo nhất của tỉnh, cơ sở hạ tầng yếu kém, kinh tế - xã hội chậm phát triển, đời sống nhân dân có nhiều khó khăn, nhất là bộ phận cư dân vùng cao, vùng sâu và xa. Kinh tế của huyện chủ yếu là sản xuất nông lâm nghiệp. Tuy nhiên còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường thường xuyên có những biến động gây bất lợi đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Do địa bàn rộng nhiều đồi núi, dân cư thưa thớt, trình độ sản xuất rất hạn chế chủ yếu bằng công cụ thủ công và sức người, nên năng suất lao động thấp, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao, hạn chế khả năng đầu tư cho con cái học tập, phấn đấu. Mặt bằng dân trí thấp là yếu tố tác động lớn nhất trong việc đảm bảo qui định về trình độ học vấn cho đối tượng kết nạp Đảng.

Đời sống kinh tế thấp, giao thông đi lại khó khăn đã dẫn tới chỗ con người bị biệt lập, đóng khung trong làng, khó có điều kiện giao lưu với thế giới bên ngoài để mở mang tầm nhìn, kể cả đảng viên, tạo nên tính trì trệ trong nhận thức, ít có điều kiện nghĩ đến phấn đấu cho hoạt động chính trị làm cho họ chỉ quan tâm đến kinh tế gia đình, hạn chế đến công tác xã hội, công tác đoàn thể; thiếu ý chí phấn đấu trong học tập, nâng cao trình độ, gây khó khăn rất lớn trong công tác tạo nguồn phát triển đảng viên, nhất là đối tượng ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Khu vực Trung tâm huyện tuy có kinh tế năng động hơn so với các xã vùng sâu, vùng xa. Song thực tế cho thấy, kinh tế ở khu vực này có bước phát triển, nhưng phần hưởng lợi nhiều hơn chủ yếu vẫn thuộc về người Kinh sống trên địa bàn, còn người dân tộc thiểu số bản địa tuy cũng được hưởng lợi nhưng không nhiều, do chưa phát huy và tận dụng được tiềm năng, lợi thế vốn có mang lại, đã phần nào ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của quần chúng người dân tộc thiểu số, gây không ít khó khăn cho việc giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho họ.

Cùng với cả nước, trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tác động sâu sắc, mạnh mẽ và toàn diện đời sống của nhân dân ở trong huyện. Sự tác động đó từng bước đã làm thay đổi nhận thức của người dân, từ chỗ tập tục sản xuất lạc hậu nhỏ lẻ tự cung tự cấp sang chỗ mạnh dạn trong sản xuất, đầu tư, thay đổi tập tục canh tác, nền kinh tế thị trường đã giải phóng được tiềm năng của người lao động, sản xuất được bung ra và đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.

Các yếu tố kinh tế - xã hội có mặt thuận lợi và cả những khó khăn trong công tác phát triển đảng viên, đáp ứng với yêu cầu mới của Đảng. Thực tế trong những năm qua, công tác phát triển đảng viên cơ bản đạt về số lượng, tinh thần cách mạng của đa số quần chúng nhân dân trong huyện được phát huy dựa trên tinh thần tự hào với các yếu tố xã hội, lịch sử mà các tầng lớp cha ông trên địa bàn huyện đã dày công xây dựng. Với truyền thống cách mạng đó đã tạo được nhiều thuận lợi trong công tác phát triển đảng viên. Bên cạnh đó, việc duy trì tỷ lệ kết nạp đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo là rất khó khăn. Một bộ phận người dân là đồng bào dân tộc thiểu số có nhận thức còn hạn chế, trình độ học vấn thấp, không đủ điều kiện để phát triển đảng; chất lượng của một số đảng viên ở các xã đồng bào dân tộc thiểu số còn rất thấp.

2.1.1.3. Các yếu tố truyền thống cách mạng và văn hoá, tâm lý

Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Ba Bể luôn tự hào về truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của quê hương. Trong thời kỳ vận động Cách mạng Tháng Tám, Ba Bể là một trong những huyện có cơ sở, phong trào cách mạng sớm, là huyện thành lập được chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn, Ba Bể đã đập tan các cuộc tiến công của phát xít Nhật vào vùng giải phóng, giữ vững chính quyền cách mạng, bảo vệ an toàn cuộc hành trình của lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Cao Bằng qua Ba Bể về Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) để chỉ đạo cuộc chuẩn bị tổng khởi nghĩa cho kịp thời cơ.

Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Đảng bộ Ba Bể ra đời đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi công cuộc kháng chiến kiến quốc của Đảng; bảo vệ và giải phóng quê hương, đập tan các cuộc hành quân xâm lược của thực dân Pháp, góp phần vào giải phóng Bắc Kạn; là hậu phương kháng chiến, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc Ba Bể tiến hành cuộc vận động tiễu phỉ, củng cố chính quyền, đẩy mạnh sản xuất, phát triển văn hóa giáo dục, ra sức đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến của dân tộc đi đến thắng lợi.

Phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng của mình, giáo dục thế hệ trẻ nhận thức đầy đủ, trân trọng và phát huy truyền thống cách mạng, tiếp bước cha anh, tu dưỡng rèn luyện trở thành đảng viên là mục tiêu cao đẹp của tuổi trẻ quê hương cách mạng. Đây là nhân tố tích cực, mạnh mẽ cần được khơi dậy và phát huy.

Ba Bể là huyện có nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống, các dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, phong tục tập quán riêng, trình độ văn hóa giữa các dân tộc không đồng đều, mức sống kinh tế và văn hóa tinh thần cũng có những biểu hiện khác nhau, điều kiện tự nhiên phức tạp, khí hậu khắc nghiệt,

kết cấu hạ tầng yếu kém,... đã tạo nên rất nhiều khó khăn trong giao lưu, học tập, phấn đấu vươn lên của con người, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhân dân các dân tộc thiểu số trong toàn huyện có nhiều bản sắc văn hoá tốt đẹp, được hun đúc trong quá trình lịch sử, rất cần được phát huy trong quản lý và phát triển xã hội. Đối với quần chúng các dân tộc thiểu số một khi tin Đảng là tin đến cùng, một lòng một dạ đi theo Đảng; nhưng khi đã mất niềm tin thì rất khó lòng lấy lại. Đây là một thách thức không nhỏ trong bối cảnh hiện nay. Phải nhận thức rõ rằng, trong quá trình lịch sử, phần lớn các vùng dân tộc thiểu số ở huyện Ba Bể trở thành khu căn cứ cách mạng, căn cứ kháng chiến là nhờ có nhân dân che chở, tin yêu. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, đứng trước những thách thức, niềm tin của nhân dân người dân tộc thiểu số đối với Đảng không còn như trước nữa, nhất là khi nhìn vào những tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên bị thoái hóa, biến chất tham nhũng, lãng phí ... như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã nhận định. Điều đó đòi hỏi phải gắn công tác phát triển đảng viên với cả quá trình khôi phục niềm tin của quần chúng. Ngoài ra, tính mộc mạc, chân tình, cộng thêm dân trí thấp, cũng dễ bị các thế lực thù địch kích động, lợi dụng, tạo rào cản đối với quá trình tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng, xây dựng nguồn kết nạp đảng viên.

Mỗi dân tộc có ngôn ngữ riêng của mình, nó vừa là biểu hiện bản sắc tộc người, vừa là rào cản đối với quá trình tiếp thu những giá trị văn hoá của các dân tộc khác. Trình độ ngôn ngữ rất hạn chế khả năng phản ánh những phạm trù lý luận, những thông tin về xã hội công nghiệp là một rào cản cho quá trình tuyên truyền, giáo dục những kiến thức lý luận, với những phạm trù trừu tượng, những vấn đề cần tư duy khái quát cao đối với quần chúng, kể cả quần chúng ưu tú kết nạp Đảng.

Phấn đấu để trở thành đảng viên phải là một quá trình tự giác, với ý chí tiến thủ mạnh mẽ, hoàn toàn đối lập với tâm lý tự ti, ỷ lại, thiếu chí tiến thủ cố hữu vốn ngự trị từ lâu đời trong một bộ phận không nhỏ ở người dân tộc thiểu số. Đây là môi trường cho sự nảy nở của chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà điều này hoàn toàn đối lập với tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản và cả chủ nghĩa dân tộc chân chính. Đi đôi với tự ti lại là tự trọng, tự ái. Khi không bằng lòng thì dễ tự ái, nhưng lại không phản ứng bằng hành động, bằng lời nói, mà tích tụ, dồn nén, để rồi khi bùng phát dễ chuyển sang trạng thái cực đoan chủ nghĩa. Điều đó gây khó khăn rất lớn trong giáo dục, bồi dưỡng, kèm cặp quần chúng để kết nạp đảng viên.

Nhân dân các dân tộc thiểu số ở huyện Ba Bể vẫn còn mang nặng phong tục tập quán lạc hậu, trở thành rào cản cho sự trưởng thành về chính trị, mà sinh đông con là một ví dụ. Trong nhiều trường hợp quần chúng kết nạp Đảng có đủ hầu hết các tiêu chuẩn để trở thành đảng viên, nhưng chỉ vì đông con đã gây khó khăn khi kết nạp, buộc nhiều cơ sở phải vận dụng nếu không muốn nơi đó tồn tại tình trạng "trắng" đảng viên.

Một phần của tài liệu Ths CTH công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số ở huyện ba bể, tỉnh bắc kạn hiện nay (Trang 29 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(101 trang)
w