1.3.1.1. Ngân hàng Grameen ở Bangladesh
Cơ chế hoạt động của ngân hàng Grameen cho phép bất cứ người nông dân nào không có đất canh tác, thu nhập dưới 2500taka/năm (tương đương 100 USD) đều được vay vốn, không cần phải thế chấp, cầm cố tài sản để đảm bảo nợ vay. Mức tiền vay thấp nhất là 500 taka (tương đương 200 USD). Cho vay theo lãi suất thị trường. Hoạt động của ngân hàng Grameen rất kiên trì mục tiêu phục vụ và khai thác triệt để những đặc điểm của người nghèo, khơi dậy tính tích cực từ bản năng vượt nghèo của họ.
Ngân hàng Grameen hoạt động cho vay thông qua tổ (hay nhóm). Mỗi nhóm gồm 5 người, cư trú trong cùng một làng, có điều kiện kinh tế gần giống nhau, cứ khoảng 5 đến 6 nhóm tự liên họp thành một trung tâm. Mỗi nhóm bầu một nhóm trưởng và một thư ký. Trưởng nhóm và thư ký phải giữ mối liên hệ thường xuyên với ngân hàng, nêu yêu cầu vay vốn của thành viên, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích và trả nợ. Các thành viên có mặt tại các cuộc họp hàng tuần. Mỗi kỳ họp phải nộp tiền tiết kiệm, ít nhất là một taka, số tiết kiệm này gởi vào tài khoản tiết kiệm của nhóm mở tại ngân hàng. Nhờ vậy, số hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo bằng các khoản vay nhỏ từ ngân hàng Grameen tăng lên ngày một nhiều. Điều ngạc nhiên cho giới nghiên cứu lý luận và thực tiễn là nợ khó đòi của ngân hàng Grameen chiếm tỷ lệ thấp nhất trong số các ngân hàng hoạt động trên lãnh thổ Bangladesh.
Kinh nghiệm quản lý rủi ro của ngân hàng Grameen đó là:
- Ngân hàng này duy trì một hệ thống quy định của mình không giống như quy định của Ngân hàng Trung ương Bangladesh và nó phụ thuộc vào sức ép (dư luận) xã hội giữa các thành viên trong nhóm để làm giảm tỷ lệ nợ xấu. Sự kết hợp giữa sự hỗ trợ của các thành viên với áp lực trả nợ tạo cho người vay có động cơ để thực hiện các điều kiện của khoản vay.
- Hệ thống nhóm là quy định đầu tiên, quy định thứ hai là các giám đốc trung tâm (cấp dưới của chi nhánh và là cấp trên cấp nhóm) thường xuyên đi thực địa và giám sát khoản vay. Các giám đốc trung tâm này cũng đặc biệt quan trọng trong việc lựa chọn người vay, phê duyệt cho vay nhóm và giám sát các dự án vay vốn tăng thu nhập. Ngoài ra, giám đốc chi nhánh cũng tăng cường giám sát, hạn chế rủi ro trong quá trình xử lý phê duyệt cho vay.
- Grameen Bank II (mô hình chuyển đổi của Grameen Bank bắt đầu từ năm 1999) đã đưa ra nhiều loại vốn cho vay linh hoạt bên cạnh các loại vay cơ bản (vốn vay cơ bản có thời hạn đến 1 năm, lãi suất cố định và trả góp hàng tuần) với nhiều loại thời hạn cho vay khác nhau và cũng trả nợ theo tuần. Để được vay vốn linh hoạt, người vay phải trả nợ các khoản vay cơ bản rất tốt. Điều này giúp cho tỷ lệ hoàn trả nợ tổng thể của Grameen đạt đến mức 98%.
- Grameen Bank II còn thực hiện một hệ thống nhận biết những khoản nợ có vấn đề, nợ xấu. Những khoản nợ có định trả theo tuần không trả trong thời hạn 6 tháng sẽ không được chuyển thành khoản cho vay linh hoạt. Ngân hàng lập dự phòng mất vốn với tỷ lệ là 50% cho các khoản chưa trả gốc và lãi. Nếu nợ không trả trong vòng một năm thì ngân hàng xóa nợ 100%.
trở thành chủ sở hữu của ngân hàng là một thành công của Grameen Bank. Người vay tích cực đóng góp vốn, có trách nhiệm hoàn trả nợ vay và có thêm nguồn lực khi xảy ra rủi ro, ngân hàng cũng hạn chế được rủi ro khi người vay không trả được nợ thì đã có một phần nguồn tiết kiệm của họ để thanh toán.
- Grameen Bank II còn phát triển kinh doanh bảo hiểm khoản vay để có thể đưa ra một phương pháp vừa quản lý rủi ro vừa đa dạng hóa nguồn thu. Điều này cũng cho phép thu hồi tất cả các khoản vay trong trường hợp người vay bị chết.
1.3.1.2. Ngân hàng Bank Rakyat Indonesia (BRI)
BRI là Ngân hàng thương mại Nhà nước của Indonesia, có một số đối tượng khách hàng mục tiêu tương tự như của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, một số thì giống như của NHCSXH Việt Nam. BRI là kết quả hợp nhất của 2 ngân hàng Nhà nước, có mục đích cung cấp tín dụng và các sản phẩm tiết kiệm phục vụ tầng lớp trung lưu ở vùng nông thôn Indonesia, dưới cơ chế mới BRI có mục đích cung cấp dịch vụ ngân hàng nông thôn và thúc đẩy phát triển nông nghiệp.
BRI cũng đã rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính, thất bại do một chính sách gọi là hướng dẫn chung (BIMAS). Trước đó, BRI có tỷ lệ nợ quá hạn tăng liên tục, nguyên nhân chủ yếu là do cán bộ đơn vị cấp Desa (cấp quận, huyện) không quản lý được, không được lựa chọn và phê duyệt cho vay. Trách nhiệm phê duyệt và thu nợ do các cán bộ khác nhau thực hiện; không ai chịu trách nhiệm về chất lượng khoản vay và tỷ lệ hoàn trả (theo đó, nhân viên Bộ Nông nghiệp lựa chọn người vay, BRI giải ngân các khoản tín dụng ưu đãi cho khách hàng được Bộ Nông nghiệp cấp giấy chứng nhận). Tỷ lệ nợ khó đòi cao do hàng loạt vụ mất mùa, ngoài ra BRI còn chịu áp lực về chỉ tiêu được giao dẫn đến càng tăng dư nợ thì tiềm ẩn rủi ro càng cao. Lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi thấp (lãi suất cho vay dưới mức lạm phát); chênh lệch lãi không đảm bảo trang trải chi phí hoạt động; lãi suất thấp cũng dẫn đến cho vay cả những nông dân giàu, không phải là khách hàng mục tiêu. Lãi suất tiền gửi không thu hút khách hàng và Chính phủ phải thường xuyên rót vốn và bù lỗ; Báo cáo tài chính không được thực hiện đầy đủ ở cấp đơn vị...
Sau quá trình chuyển đổi, BRI đã thực sự vượt qua giai đoạn khủng hoảng. BRI hiện nay cung cấp đầy đủ các dịch vụ ngân hàng và đều hoạt động có lãi. Mỗi đơn vị chi nhánh đều độc lập về tài chính, trở thành trung tâm sinh lời, trách nhiệm của cán bộ dựa trên kết quả lợi nhuận, có chính sách thưởng cho cán bộ, có chính sách khuyến khích khách hàng trả nợ đúng hạn, phạt nếu không đúng hạn. Lãi suất cho vay cao hơn lãi suất lạm phát và theo lãi suất thị trường, lãi suất tiền gửi theo lãi suất thị trường, không có trợ cấp của Chính phủ, mỗi đơn vị của BRI tự chịu trách nhiệm về lỗ, lãi. Tỷ lệ nợ xấu của BRI hiện nay giảm đáng kể. BRI trở nên nổi tiếng về tính chuyên nghiệp với việc tập trung phát triển lấy tiêu chí khách hàng làm trọng tâm trong lĩnh vực kinh doanh vừa và nhỏ và trong địa bàn nông nghiệp, nông thôn. BRI hiện là một trong những định chế tài chính vi mô lớn nhất và hoạt động hiệu quả nhất trên thế giới.
Chiến lược quản lý rủi ro rủi ro tín dụng của BRI bao gồm nhiều cấu phần khác nhau trong đó có các nội dung sau:
- Giảm rủi ro tín dụng bằng việc lựa chọn người vay có hiệu quả, giám sát, kiểm soát và đôn đốc thu hồi nợ tốt.
- Lập dự phòng đầy đủ đối với khoản nợ nghi ngờ.
- Đa dạng hóa rủi ro.
1.3.1.3. Tổ chức Tài chính dân sinh quốc gia Nhật Bản (NLFC)
NLFC là tổ chức tài chính trực thuộc Bộ Tài chính và sở hữu toàn bộ về mặt luật pháp của Chính phủ Nhật Bản. Mục đích của NLFC là tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ của Nhật Bản là những doanh nghiệp không đủ khả năng tiếp cận với vốn vay các Ngân hàng thương mại tư nhân của Nhật Bản. NLFC là tổ chức tài chính chính sách. Tổ chức này cung cấp những khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới khởi sự, không yêu cầu thế chấp tài sản cũng không yêu cầu có sự bảo lãnh của bên thứ ba. NLFC còn liên kết chặt chẽ với các tổ chức tài chính trên địa bàn nhằm tạo ra cơ hội việc làm và hồi phục nền kinh tế vùng miền; liên tục tăng hiệu quả hoạt động sự vững mạnh trong điều hành hoạt động, sự minh bạch thông qua một chương trình tự đổi mới của doanh nghiệp. Với chương trình tự đổi mới này, NLFC tăng hiệu quả trong hoạt động cho vay và quản lý rủi ro, trong khi vẫn phải liên tục đầu tư vào các đối tượng doanh nghiệp thiểu số (doanh nghiệp nhỏ) và tăng cường sự minh bạch.
NLFC lập ra một “Chính sách quản lý” của mình trên cơ sở nguyên tắc quản lý là để thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao và hoạt động của bản thân tổ chức mình phù hợp với chính sách này. Ngoài ra, NLFC còn coi mục tiêu của “Chính sách quản lý” như là “Mục đích quản lý” và bắt buộc tuân theo chu kỳ gọi là Chu kỳ Kế hoạch - Thực hiện - Kiểm soát đánh giá. về thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, NLFC cung cấp những khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp mới khởi sự để họ có vốn mở rộng sản xuất tận dụng cơ hội kinh doanh, tư vấn cho khách hàng các biện pháp cơ cấu lại khoản vay để có thể tạo ra sự ổn định trong kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ cá nhân cần vốn cho mục đích giáo dục. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng bằng các biện pháp linh hoạt, NLFC còn hỗ trợ, tạo mối liên hệ chặt chẽ trong cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương, mối liên hệ với Phòng thương mại, các tổ chức tài chính trong vùng; cung cấp các dịch vụ tài chính và tài trợ kịp thời để khách hàng đối phó với rủi ro do thiên tai, các trường hợp phá sản có ảnh hưởng trên quy mô lớn; tư vấn cho khách hàng tiếp cận dễ dàng với dịch vụ này. Ngoài ra, NLFC còn phát triển dịch vụ hỗ trợ khách hàng đầu tư vào ứng dụng công nghệ thông tin, một mặt nhằm quản lý chính khách hàng của mình, thu thập thông tin phục vụ quản lý dữ liệu và nghiên cứu phát triển, mặt khác giúp khách hàng tiếp cận các dịch vụ khác thông qua ứng dụng công nghệ tin học.
NLFC đặt biệt áp dụng chặt chẽ và nghiêm khắc kỹ thuật thẩm định tín dụng, bắt buộc cả nhà quản lý và cán bộ nhân viên phải tuân thủ những nguyên tắc này. Nhằm kiểm soát rủi ro, NLFC xây dựng hệ thống liên kết với hệ thống ngân hàng, đảm bảo sự minh bạch về thông tin thông qua dịch vụ tư vấn, các trang web, các phương tiện thông tin đại chúng.
Có thể nói chính sách nghiêm ngặt về thẩm định và thông tin minh bạch, sự hỗ trợ đa dạng về dịch vụ và linh hoạt về lợi ích của các doanh nghiệp và lợi ích chung của đất nước, NLFC đã tạo dựng cho mình một thương hiệu, sự tín nhiệm và đặc
biệt là sự bền vững về tổ chức và tài chính cho bản thân mình. Sau hàng chục năm phải nhờ sự bù lỗ của Chính phủ, NLFC đã có lợi nhuận và phát triển ổn định, hạn chế tối đa rủi ro. Bất cứ một doanh nghiệp đã từng được NLFC cho vay và hỗ trợ thì được coi là một sự đảm bảo để các Ngân hàng thương mại đầu tư cho vay với quy mô vốn lớn hơn.