XỬ LÝ CÁC CƠ SỞ GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG NGHIÊM TRỌNG Điều 116 Xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Một phần của tài liệu DT-Luat-BVMT-gui-xin-y-kien-cac-DDBQH (Trang 53 - 54)

Điều 116. Xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

1. Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là cơ sở có hành vi thải nước thải, khí thải, bụi, chất thải rắn, tiếng ồn, độ rung ở mức độ nghiêm trọng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tiêu chí xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

2. Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật còn phải được đưa vào danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng kèm theo biện pháp xử lý phù hợp.

3. Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục và biện pháp xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc phân cấp cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

4. Việc rà soát, phát hiện cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được tiến hành hàng năm và theo trình tự sau đây:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ lập danh sách và biện pháp xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc quyết định theo phân cấp.

b) Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập danh sách và biện pháp xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

c) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục và biện pháp xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc quyết định theo phân cấp.

d) Quyết định xử lý đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải được thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi cơ sở có hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và công khai cho cộng đồng dân cư biết để kiểm tra, giám sát.

5. Trách nhiệm tổ chức thực hiện xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức xử lý đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.

b) Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

c) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc thẩm quyền quản lý.

d) Hàng năm, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ kiểm điểm, đánh giá kết quả triển khai thực hiện xử lý ô nhiễm triệt để, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

6. Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong thời gian thực hiện xử lý triệt để phải áp dụng ngay các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm. Danh mục và biện pháp xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được cấp có thẩm quyền quyết định phải kèm theo các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm của từng cơ sở. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể việc áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm.

7. Nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; ưu đãi, hỗ trợ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tiến hành xử lý triệt để.

8. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thanh tra, kiểm tra việc xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên phạm vi cả nước; theo dõi, tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Mục 2

Một phần của tài liệu DT-Luat-BVMT-gui-xin-y-kien-cac-DDBQH (Trang 53 - 54)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(87 trang)
w