QUY CHUẨN KỸ THUẬT MÔI TRƯỜNG VÀ TIÊU CHUẨN MÔI TRƯỜNG

Một phần của tài liệu DT-Luat-BVMT-gui-xin-y-kien-cac-DDBQH (Trang 59 - 62)

MÔI TRƯỜNG

Điều 126. Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường

1. Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia bao gồm quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh, và quy chuẩn kỹ thuật về chất thải và quy chuẩn kỹ thuật về phế liệu nhập khẩu.

2. Quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh bao gồm: a) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với đất;

b) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với nước mặt và nước dưới đất; c) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với nước biển ven bờ;

d) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với không khí;

đ) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với âm thanh, ánh sáng, bức xạ; e) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với tiếng ồn, độ rung.

3. Quy chuẩn kỹ thuật về chất thải bao gồm:

a) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật về nước thải công nghiệp, dịch vụ, nước thải từ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nước thải sinh hoạt và hoạt động khác;

b) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật về khí thải công nghiệp; khí thải từ các thiết bị dùng để xử lý, tiêu hủy chất thải sinh hoạt, công nghiệp, y tế và từ hình thức xử lý khác đối với chất thải;

c) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật về khí thải đối với phương tiện giao thông, thiết bị chuyên dụng;

d) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật về chất thải nguy hại. 4. Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường khác.

Điều 127. Nguyên tắc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường

1. Đáp ứng mục tiêu bảo vệ môi trường; phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường.

2. Có tính khả thi, phù hợp với mức độ phát triển kinh tế - xã hội, trình độ công nghệ của đất nước và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

3. Phù hợp với đặc điểm của khu vực, vùng, ngành sản xuất.

4. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường của địa phương phải nghiêm ngặt hơn so với quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia.

Điều 128. Nội dung quy chuẩn kỹ thuật môi trường

1. Cấp độ quy chuẩn.

2. Các thông số về môi trường và các giá trị giới hạn. 3. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng quy chuẩn. 4. Quy trình, phương pháp chỉ dẫn áp dụng quy chuẩn. 5. Điều kiện bảo đảm khi áp dụng quy chuẩn.

6. Phương pháp đo đạc, lấy mẫu, phân tích.

Điều 129. Yêu cầu đối với quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh

1. Quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh quy định giá trị giới hạn cho phép của các thông số môi trường phù hợp với mục đích sử dụng thành phần môi trường, bao gồm:

a) Giá trị tối thiểu của các thông số môi trường bảo đảm sự sống và phát triển bình thường của con người, sinh vật.

b) Giá trị tối đa cho phép của các thông số môi trường có hại để không gây ảnh hưởng xấu đến sự sống và phát triển bình thường của con người, sinh vật.

2. Thông số môi trường quy định trong quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường phải chỉ dẫn cụ thể các phương pháp chuẩn về đo đạc, lấy mẫu, phân tích để xác định thông số đó.

Điều 130. Yêu cầu đối với quy chuẩn kỹ thuật về chất thải

1. Quy chuẩn kỹ thuật về chất thải phải quy định cụ thể giá trị tối đa các thông số ô nhiễm của chất thải bảo đảm không gây hại cho con người, sinh vật.

2. Thông số ô nhiễm của chất thải được xác định căn cứ vào tính chất độc hại, khối lượng chất thải phát sinh và sức chịu tải của môi trường tiếp nhận chất thải.

3. Thông số ô nhiễm quy định trong quy chuẩn kỹ thuật về chất thải phải có chỉ dẫn cụ thể các phương pháp chuẩn về lấy mẫu, đo đạc và phân tích để xác định thông số đó.

Điều 131. Ban hành và công bố áp dụng quy chuẩn kỹ thuật môi trường

1. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành và công nhận quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia, địa phương phù hợp với quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, quy định lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia phù hợp với sức chịu tải của môi trường và chứng nhận hợp quy.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố, quy định lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương phù hợp với sức chịu tải của môi trường sau khi được sự đồng ý của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Việc điều chỉnh quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia, địa phương được thực hiện năm (05) năm một lần; trường hợp cần thiết, việc điều chỉnh một số quy chuẩn kỹ thuật không còn phù hợp, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật mới có thể thực hiện sớm hơn.

5. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia, địa phương phải được công bố để tổ chức, cá nhân biết và thực hiện.

Điều 132. Tiêu chuẩn môi trường

Tiêu chuẩn môi trường bao gồm:

1. Tiêu chuẩn cơ bản quy định những đặc tính, yêu cầu bảo vệ môi trường. 2. Tiêu chuẩn thuật ngữ quy định tên gọi, định nghĩa đối với các đối tượng trong hoạt động bảo vệ môi trường.

3. Tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật quy định về mức, chỉ tiêu, yêu cầu đối với đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

4. Tiêu chuẩn phương pháp thử quy định phương pháp lấy mẫu, phương pháp đo, phương pháp xác định, phương pháp phân tích, phương pháp kiểm tra, phương pháp khảo nghiệm, phương pháp giám định các mức, chỉ tiêu, yêu cầu đối với đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

5. Tiêu chuẩn ghi nhãn, bao gói, vận chuyển và bảo quản quy định các yêu cầu về ghi nhãn, bao gói, vận chuyển và bảo quản sản phẩm, hàng hóa liên quan đến bảo vệ môi trường.

Điều 133. Các loại tiêu chuẩn môi trường

Hệ thống tiêu chuẩn và ký hiệu tiêu chuẩn môi trường của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm:

1. Tiêu chuẩn quốc gia, ký hiệu là TCVN. 2. Tiêu chuẩn cơ sở, ký hiệu là TCCS.

Điều 134. Xây dựng, thẩm định và công bố tiêu chuẩn môi trường

1. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xây dựng dự thảo, đề nghị thẩm định và công bố tiêu chuẩn quốc gia về môi trường.

2. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định dự thảo và công bố tiêu chuẩn quốc gia về môi trường.

Một phần của tài liệu DT-Luat-BVMT-gui-xin-y-kien-cac-DDBQH (Trang 59 - 62)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(87 trang)
w