Các tiêu chí đánh giá chính sách tiền lương hiệu quả

Một phần của tài liệu CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG đối với CÔNG CHỨC cấp xã ở VIỆT NAM (Trang 54 - 57)

6. Kết cấu của luận án

2.3. Các tiêu chí đánh giá chính sách tiền lương hiệu quả

* Đảm bảo công bằng trong trả lương cho công chức cấp xã

Đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá chính sách tiền lương. Trong việc xác lập và vận hành hệ thống chính sách tiền lương, Chính sách tiền lương không những có quan hệ chặt chẽ và tác động qua lại với các chính sách khác của Nhà nước mà nó còn có tác động trực tiếp tới lợi ích của rất nhiều đối tượng, không chỉ là những người đang tham gia vào lực lượng lao động mà cả những người đã hết hoặc chưa đến tuổi lao động. Một dấu hiệu nhỏ của sự bất công bằng xuất hiện, ngay lập tức sẽ phá hỏng tất cả ý nghĩa của cả một chính sách. Do đó, nguyên tắc đầu tiên mà chính phủ đặt ra trong việc xác định và vận hành hệ thống chính sách tiền lương đó là tiền lương phải đảm bảo công bằng giữa những người lao động, đảm bảo phản ánh đúng hiệu quả làm việc của mỗi người.

Bình đẳng thể hiện ở chỗ bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng chính sách tiền lương, bình đẳng trong lao động và lương thưởng, bình đẳng trong việc thực hiện các hình thức kỷ luật, khen thưởng, trợ cấp người lao động.

Công bằng cần được xác định ở cả hai phương diện là công bằng bên trong và công bằng bên ngoài. Công bằng bên trong là công bằng giữa những người lao động (công chức) trong cùng một tổ chức theo mức độ phức tạp của từng vị trí chức danh, hiệu quả làm việc của mỗi người. Theo đó, người công chức giữ chức danh cao (đòi hỏi mức độ phức tạp công việc cao, tính trách nhiệm công việc đòi hỏi cao) thì phải được trả lương cao hơn và ngược lại. Bên cạnh đó, người công chức làm việc có hiệu quả cao thì phải được trả lương cao hơn và có chế độ khuyến khích nâng lương phù hợp. Bên cạnh đó, cũng cần phải đảm bảo cả công bằng bên ngoài, tức là công bằng về tiền lương, thu nhập của công chức với mức lương trên thị trường, mức lương trả cho công chức phải tương xứng với giá trị sức lao động mà họ đóp góp và phải đảm bảo tương quan với mức lương của cùng vị trí trên thị trường.

Do đó, để trả lương hiệu quả cho công chức cấp xã, trước hết chính sách tiền lương phải đảm bảo công bằng giữa những người công chức cấp xã trong cùng hệ thống trả lương. Đó là tiền lương phải được trả như nhau cho những công việc như nhau (cùng mức độ phức tạp công việc), không phân biệt tuổi tác, giới tính hay dân tộc,... Đồng thời, trả lương phải có sự phân biệt theo mức độ phức tạp công việc và hiệu quả công việc. Người công chức làm công việc phức tạp và hiệu quả cao phải được trả lương cao tương ứng với những đóng góp, cống hiến của mình, tránh tình trạng trả lương bình quân chia đều, làm triệt tiêu động lực lao động của những công chức đảm nhận những công việc phức tạp, trách nhiệm cao và có nhiều cống hiến cho nền công vụ. Bên cạnh đó, cần đảm bảo tiền lương, thu nhập trả cho công chức cấp xã đảm bảo tương quan với các vị trí tương đương ở khu vực khác (khu vực sản xuất kinh doanh, khu vực đơn vị sự nghiệp, hay khu vực lực lượng vũ trang, …).

* Đảm bảo tiền lương của công chức cấp xã phải gắn với vị trí việc làm và trình độ chuyên môn

Tiền lương muốn đảm bảo công bằng cần phải gắn với vị trí việc làm và trình độ chuyên môn. Trước hết, cần phải gắn với vị trị việc làm bởi vị trí việc làm khác nhau thì mức độ phức tạp công việc khác nhau, yêu cầu về trách nhiệm khác nhau. Từ đó đỏi hỏi người công chức cấp xã phải có trình độ chuyên môn, các kỹ năng phù hợp để có thể đảm nhiệm được vị trí công việc việc được giao. Do đó, khi xây dựng hệ thống chính sách tiền lương trả cho công chức cấp xã cần xác định vị trí việc làm và đánh giá mức độ phức tạp của từng vị trí việc làm để xếp lương và trả lương cho công chức phù hợp với vị trí việc làm đảm nhận theo nguyên tắc vị trí việc làm càng phức tạp, trách nhiệm đòi hỏi cao thì phải được trả lương cao hơn và ngược lại. Bên cạnh đó, cần xác định khung năng lực hoặc trình độ chuyên môn đòi hỏi tưng ứng cho từng vị trí việc làm để làm cơ sở cho việc xếp lương và trả lương cho công chức cấp xã. Có như vậy mới thu hút và giữ chân được lao động giỏi, lao động có tài vào làm việc trong nền công vụ, đảm nhận các vị trí phức tạp trong hệ thống công vụ cấp xã.

* Đảm bảo tính hiệu quả trong trả lương

Một hệ thống chính sách lương có hiệu quả thì hệ thống lương phải gắn với hiệu quả làm việc, tiền lương phải phản ánh được hiệu quả làm việc. Đối với công

chức cấp xã, việc trả lương cho công chức cấp xã được coi là hiệu quả nếu tiền lương phản ánh đúng với hiệu quả thực thi công vụ của công chức cấp xã, người làm nhiều, làm hiệu quả phải được trả lương cao hơn và ngược lại. Do đó, chính sách tiền lương đối với công chức cấp xa bên cạnh việc xây dựng được hệ thống bảng lương theo vị trí việc làm thì cần phải xây dựng được hệ thống đánh giá hiệu quả thực thi công vụ của công chức và ứng dụng kết quả đánh giá hiệu quả thực thi công vụ của công chức vào trả lương. Có như vậy, tiền lương mới phản ánh đúng hiệu quả thực thi công vụ và kích thích công chức cấp xã nỗ lực trong thực thi công vụ, tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao đạo đức công vụ để thực thi hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

* Đảm bảo mức sống đối với bản thân và gia đình người làm công ăn lương phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế

Mức sống ở đây được hiểu là các nhu cầu tối thiểu ăn mặc, ở, đi lại đều ở mức mà đại bộ phận người lao động phải chi trả cho bản thân và người ăn theo. Đây là nguyên tắc giúp tiền lương – khoản thu nhập chủ yếu của người lao động có thể đảm bảo cuộc sống cho bản thân và gia đình người lao động. thiếu nguyên tắc này, người lao động sẽ không muốn làm việc bởi dù có làm việc tốt đến đâu thì cuộc sống của bản thân và gia đình họ vẫn sẽ không được đảm bảo (nhu cầu sinh lý, nhu cầu đầu tiên của mỗi người lao động khi đi làm). Đối với công chức nói chung và công chức cấp xã nói riêng cần phải đảm bảo mức sống cao hơn mức sông trung bình của xã hội. Để đảm bảo nguyên tắc này hàng năm, Chính phủ thường xuyên nghiên cứu mức độ trượt giá, lạm phát và tốc độ phát triển để nâng mức tiền lương tối thiểu, điều chỉnh mức lương đối với người nghỉ hưu và hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước.

* Đảm bảo tính khuyến khích, tạo động lực cho công chức cấp xã

Công chức cấp xã là những người làm trong nền công vụ, những người đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước. Vì vậy, chính sách tiền lương công chức cấp xã cần phải có đủ sức khuyến khích và tạo động lực cho người người công chức, khiến họ có thêm sự hứng khởi trong công việc, các giá trị vật chất theo đó

được tạo ra nhiều hơn, đem lại nguồn lợi cho đất nước. Không những thế, khi được tạo động lực làm việc, người công chức có cơ hội thể hiện hết các khả năng vốn có của bản thân, con người được phát triển toàn diện về mọi mặt. Điều này thể hiện quan điểm công bằng và khuyến khích người lao động của Chính phủ: Những người công chức làm việc tốt sẽ được công nhận và khuyến khích phát triển. Để tăng khả năng khuyến khích, tạo động lực lao động, tiền lương phải được trả xứng đáng với những đóng góp, cống hiến của người công chức, phải phán ảnh đúng hiệu quả làm việc của mỗi người.

Một phần của tài liệu CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG đối với CÔNG CHỨC cấp xã ở VIỆT NAM (Trang 54 - 57)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(180 trang)
w