Quan điểm cơ bản

Một phần của tài liệu tư tưởng hồ chí minh về dân vận và sự vận dụng vào công tác vận động nông dân ở tỉnh quảng bình trong những năm đầu thế kỷ xxi (Trang 70 - 73)

Về vận động nông dân, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX chỉ rõ:

Đối với giai cấp nông dân, ra sức bồi dưỡng sức dân ở nông thôn và phát huy vai trò giai cấp nông dân trong sự nghiệp đổi mới, tập trung sự chỉ đạo và các nguồn lực cần thiết cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, phát triển nông thôn; thực hiện tốt các chính sách về ruộng đất, phát triển nông nghiệp toàn diện, tiêu thụ nông sản hàng hoá, bảo hiểm sản xuất và bảo hiểm xã hội; phát huy lợi thế từng vùng, giúp đỡ vùng khó khăn; phân bố dân cư theo quy hoạch, phát triển ngành nghề, giải quyết việc làm, xoá đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống, nâng cao dân trí, xây dựng nông thôn mới [14, tr.125].

Quán triệt quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác vận động quần chúng nói chung, về công tác vận động nông dân nói riêng, chúng tôi thống nhất công tác vận động nông dân ở tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn hiện nay cần được nhấn mạnh một số quan điểm cơ bản sau:

- Quan điểm thứ nhất: Công tác vận động nông dân phải được tiến hành gắn liền với việc tăng hiệu quả kinh tế - xã hội ở nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và nâng cao đời sống, ổn định xã hội; được tiến hành trên các mặt chính trị, kinh tế, xã hội và bằng nhiều phương pháp khác nhau: giáo dục, thuyết phục, nêu gương, hỗ trợ, động viên, khuyến khích, lấy lực lượng các hộ sản xuất kinh doanh giỏi làm đầu tàu, lôi cuốn cả giai cấp nông dân đi lên.

Bởi lẽ, mục tiêu của công tác vận động nông dân trong giai đoạn hiện nay là xây dựng giai cấp nông dân về mọi mặt để xứng đáng là lực lượng cơ bản trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần đắc lực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Vì vậy, cần coi trọng việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân;

khuyến khích, giúp đỡ nông dân phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, đẩy mạnh thực hiện chương trình xoá đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, giải quyết các vấn đề xã hội; giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc trong sản xuất của nông dân; quan tâm vấn đề ăn, ở, vệ sinh môi trường, giảm tỷ lệ tăng dân số, xây dựng gia đình nông dân ấm no, hạnh phúc.

- Quan điểm thứ hai: Để phát huy lực lượng to lớn của nông dân, nhất thiết phải có sự hỗ trợ của Nhà nước, trong sự liên minh chặt chẽ giữa giai cấp nông dân với giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức, nhưng không thể làm thay giai cấp nông dân mà phải để giai cấp nông dân tự làm thông qua các hình thức hợp tác, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau.

- Quan điểm thứ ba: Cần làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức theo quan điểm của Đảng coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, là khâu đột phá của sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. Vì vậy, các ngành, các cấp phải quan tâm đến giai cấp nông dân, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, nông thôn một cách đồng bộ, toàn diện, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho nông dân.

Trong điều kiện thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường hiện nay, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp xuất hiện không ít vấn đề mà từng bộ phận nông dân đơn lẻ không thể giải quyết được, đòi hỏi có sự liên kết, hợp tác giữa các nhà: nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp. Nhà nước cần thực hiện chính sách trợ giá, bảo hiểm sản xuất, bảo hiểm xã hội và những chính sách xã hội khác; đồng thời giúp đỡ nông dân về vốn, kỹ thuật, các dịch vụ cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm, phát triển công nghiệp chế biến, các ngành nghề thủ công...

- Quan điểm thứ tư: Phát huy nội lực của giai cấp nông dân phải đi đôi với bồi dưỡng giai cấp nông dân.

Đây là đòi hỏi cấp bách của việc thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; người nông dân phải nắm được khoa học, kỹ thuật và phải được đào tạo nghề thì mới có thể phát huy tốt vai trò của mình trong giai đoạn hiện nay. Bởi vậy, cần có các giải pháp để nâng cao trình độ dân trí cho nông dân; phổ cập kiến thức khoa học kỹ thuật cho nông dân. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới thông tin, tuyên truyền ở cơ sở; đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hoá mới, xây dựng nông thôn đoàn kết, đậm đà tình làng, nghĩa xóm.

Tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng nhận thức con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đường lối đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình nhiệm vụ cách mạng, truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm, thành quả của công cuộc đổi mới; giáo dục đạo đức, lối sống, bản sắc văn hoá dân tộc; lên án những thói hư, tật xấu trong xã hội và trong nông thôn.

- Quan điểm thứ năm: Công tác vận động nông dân là trách nhiệm của Đảng, của Nhà nước, của Hội Nông dân và các tổ chức chính trị xã hội và không chỉ dừng lại ở hộ gia đình mà phải đến với từng người.

Cách mạng Việt Nam đã khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng, và của công tác vận động nông dân. Đảng đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn về công tác vận động quần chúng nhân dân nói chung, vận động nông dân nói riêng; tổ chức cho nông dân đóng góp ý kiến xây dựng chủ trương, chính sách, nhất là các chính sách về nông nghiệp, nông thôn, nông dân; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ Hội Nông dân; phân công cán bộ có năng lực, phẩm chất phụ trách Hội; đề cao trách nhiệm, vai trò tiên phong, gương mẫu của những cán bộ, đảng viên tham gia sinh hoạt và hoạt động Hội; định kỳ làm việc giữa cấp uỷ Đảng và Ban Chấp hành Hội Nông dân cùng cấp; lãnh đạo các ban ngành và các đoàn thể cùng phối hợp tiến hành công tác vận động nông dân.

Đề cao trách nhiệm của chính quyền trong công tác vận động nông dân, cán bộ, công chức của chính quyền phải “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; tận tuỵ phục vụ nông dân; đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống quan liêu cửa quyền; thực hiện nghiêm chỉnh Quy chế Dân chủ cơ sở; tổ chức việc tiếp dân,...

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong công tác vận động nông dân, Mặt trận và các thành viên Mặt trận tiến hành vận động nông dân theo chức năng, nhiệm vụ của mình và phải phối hợp với Hội Nông dân tạo thành sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị.

- Quan điểm thứ sáu: Công tác vận động nông dân trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là sự kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của công tác vận động nông dân trong cách mạng dân tộc, dân chủ và sự nghiệp xây dựng CNXH trước đổi mới; đồng thời phê phán những biểu hiện lệch lạc, bảo thủ, kìm hãm công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hiện nay.

Một phần của tài liệu tư tưởng hồ chí minh về dân vận và sự vận dụng vào công tác vận động nông dân ở tỉnh quảng bình trong những năm đầu thế kỷ xxi (Trang 70 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)