2.1.1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội tỉnh Đồng Tháp
Đồng Tháp là một trong 13 tỉnh, thành thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đầu nguồn sông Tiền chảy vào biên giới Việt Nam, địa giới của tỉnh được phân chia thành 2 phần rõ rệt: là vùng Đồng Tháp Mười và vùng đất phù sa nằm giữa sông Tiền và sông Hậu. Diện tích tự nhiên của Tỉnh là 3.374 km2 (diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 258.892 ha), có 436.885 hộ dân
(trong đó có 35.835 hộ nghèo) với dân số 1.684.216 người, mật độ dân số trung
bình là 499 người/km2, với dân tộc Kinh chiếm 99,3% dân số, các dân tộc còn
lại như dân tộc Hoa, Khơme chiếm 0,7% dân số, đại bộ phận dân cư sinh sống ở địa bàn nông thôn và chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc, thị xã Hồng Ngự và 9 huyện gồm: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh, Tháp Mười, Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành và có 144 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm: 119 xã, 17 phường và 8 thị trấn.
Về vị trí địa lý, tỉnh Đồng Tháp, phía Bắc giáp với tỉnh Prâyveng, vương quốc Campuchia, (có chiều dài đường biên giới Quốc gia là 48,7 km, trên tuyến biên giới có 02 cửa khẩu quốc tế là của khẩu Dinh Bà thuộc huyện Tân Hồng và cửa khẩu Thường Phước thuộc huyện Hồng Ngự và 05 cặp của khẩu phụ); phía Nam giáp với tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ; phía Tây giáp với tỉnh An Giang; phía Đông giáp với tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang.
Về vị trí kinh tế: (1) Đồng Tháp nằm giữa vùng kinh tế trọng điểm phía
Nam và vùng kinh tế động lực Cần Thơ - An Giang - Cà Mau - Kiên Giang, chịu sự tác động về 2 phía của 2 trung tâm lớn là thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ; (2) vị trí lệch khỏi trục Quốc lộ 1A từ thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và (3) địa giới của Tỉnh bị chia cắt bởi sông Tiền, có thể nói mức độ giao lưu kinh tế và thu hút đầu tư vào lĩnh vực công, thương nghiệp của Tỉnh tương đối thấp so với các tỉnh thuộc vùng phía Bắc sông Tiền. Tuy nhiên, nhờ vào vị trí nằm sát thượng lưu sông Tiền với các tuyến giao thông thủy bộ qua biên giới Việt Nam - Campuchia, tỉnh Đồng Tháp lại có nhiều thuận lợi về kinh tế đối ngoại hướng ra các nước Đông Nam Á và là cửa ngõ của vùng tứ giác Long Xuyên hướng về vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Với vị trí địa lý, kinh tế như trên, kết hợp với điều kiện tự nhiên đặc thù (phần lớn diện tích thuộc vùng Đồng Tháp Mười, thủy vực rộng và đa dạng), hiện nay Đồng Tháp là tỉnh nằm trong vùng trọng điểm về sản xuất lương thực - thực phẩm của cả nước, đứng thứ ba cả nước (sau Kiên Giang và An Giang) về tổng sản lượng lúa trên 3 triệu tấn/năm; thủy sản được coi là thế mạnh thứ 2 sau cây lúa và là tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng cá tra xuất khẩu.
Tốc độ tăng trưởng GRDP (theo giá so sánh 2010) năm 2016 đạt 6,38%, trong đó khu vực Nông – Lâm – Thủy sản tăng 3,33%, khu vực Công nghiệp – Xây dựng tăng 6,69% và khu vực Dịch vụ tăng 9,12%. GRDP bình quân đầu người năm 2016 ước tính đạt 34,8 triệu đồng (theo giá thực tế) tăng 6,75% so với năm 2015. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2016 ước đạt 4.738 tỷ đồng. Chi ngân sách địa phương năm 2016 ước đạt 8.677 tỷ đồng.
Năm 2011, Tỉnh đã triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, trong đó chọn 30 xã/tổng số 119 xã làm điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới.
Năm 2013 Tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, theo hướng nâng
cao giá trị gia tăng, trong đó tỉnh chọn 5 mặt hàng chủ lực để tổ chức tái cơ cấu sản xuất đó là lúa gạo, cá tra, hoa kiểng, xoài, con vịt, nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững; nâng cao thu nhập, đời sống của dân cư nông thôn; bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng nông thôn mới.