- Những hạn chế, thiếu sót:
Thứ nhất: Những đóng góp của Hội trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân trên địa bàn Tỉnh còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Hội. Hệ thống tổ chức của Hội từ Tỉnh đến thôn, ấp, Ủy viên Ban Chấp hành các cấp đến chi Hội chưa phát huy hết tiềm năng và tính chủ động, sáng tạo. Tuy có những đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển nông nghiệp nhưng vai trò của Hội Nông dân trong việc xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn mờ nhạt.
Thứ hai: Nội dung, phương thức hoạt động của Hội còn chậm đổi mới, nhiều nơi hoạt động Hội còn mang tính hành chính. Hoạt động Hội chưa thể hiện rõ vai trò tập hợp, tổ chức nông dân tham gia có hiệu quả vào các chương
trình phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn; đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nông dân; chưa phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bức xúc trong nông dân để tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền có biện pháp giải quyết kịp thời. Tình trạng “hành chính hoá” trong hoạt động của một bộ phận cán bộ Hội ở các cấp chưa giảm; còn thụ động, phụ thuộc, trông chờ vào sự chỉ đạo của cấp uỷ và sự điều hành của chính quyền.
Thứ ba: Khả năng tuyên truyền, vận động của cán bộ Hội cơ sở, nhất là chi, tổ Hội một số nơi còn hạn chế; công tác tuyên truyền có lúc, có nơi chưa thường xuyên và chưa đi vào chiều sâu, hình thức chưa phong phú, đa dạng, chưa thu hút. Hoạt động tuyên truyền của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn Tỉnh chủ yếu là vận động "chay" nên sức cuốn hút bị hạn chế. Quyền lợi của nông dân khi trở thành hội viên Hội Nông dân chưa đủ mạnh để cuốn hút nông dân tích cực tham gia các phong trào do Hội phát động. Công tác tuyên truyền cho nhân dân, nhất là cư dân nông thôn còn chưa “đủ tầm”. Do đó chưa phát huy được đầy đủ vai trò chủ thể của người dân. Nhiều nơi vẫn hiểu nội dung của Chương trình xây dựng nông thôn mới là “Dự án đầu tư”, từ đó thụ động trông đợi sự hỗ trợ của Chính phủ. Còn một bộ phận cán bộ, hội viên, nông dân chưa nhận thức rõ về vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới (do dân làm, dân trực tiếp hưởng lợi) nên còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ Nhà nước đầu tư.
Thứ tư: Tổ chức Hội một số nơi chưa thể hiện rõ vai trò của mình là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hội viên nông dân, chưa mạnh dạn trong công tác tham mưu đề xuất, thiếu chủ động và chưa kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, những tâm tư nguyện vọng và bức xúc trong nông dân để báo cáo đề xuất cấp ủy, chính quyền giải quyết. Vai trò giám sát, phản biện và các kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước về các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn hạn chế.
Thứ năm: Công tác quy hoạch, xây dựng Đề án nông thôn mới của xã
theo 19 tiêu chí được coi là điều kiện tiên quyết của Chương trình. Tuy nhiên đến nay, công tác này triển khai còn lúng túng và chậm.
Thứ sáu: Phát triển sản xuất, tăng thu nhập được coi là gốc của xây dựng nông thôn mới nhưng đang là vấn đề khó nhất trong thực hiện tiêu chí này của Chương trình. Đa số cán bộ chỉ đạo (cả cấp tỉnh, huyện) cũng đều lúng túng, không biết làm gì để chuyển biến được sản xuất “cái gì cũng có nhưng đều rất nhỏ bé”, cần phải chuyển đổi mạnh để dần bước sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Thứ bảy: Nguồn lực cần thiết cho xây dựng nông thôn mới là rất lớn. Chính phủ đã đưa ra công thức hướng dẫn là vốn đóng góp từ dân khoảng 10%, từ doanh nghiệp 20%, từ tín dụng 30% và từ Ngân sách là 40%. Trong đó, giai đoạn đầu vốn ngân sách đóng vai trò rất quan trọng, có ý nghĩa tạo đà và tạo niềm tin để huy động các khoản đóng góp khác. Tuy nhiên, vốn ngân sách trung ương hiện còn rất thấp. Nhận thức được vai trò của đầu tư tư nhân là rất quan trọng đối với xây dựng nông thôn mới, Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/NĐ-CP về chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nhưng sau 5 năm triển khai thực hiện, sự biến chuyển không đáng kể. Các doanh nghiệp đều chưa mặn mà, chưa tin tưởng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Thứ tám: Trong cơ cấu đầu tư xây dựng nông thôn mới, đa phần các xã đều lo tập trung vào xây dựng hạ tầng (có nơi chiếm đến 95% tổng nguồn lực), thường ít chú ý đến đầu tư cho sản xuất và văn hóa.
Đó là những trở ngại lớn trong việc thực hiện triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Đồng Tháp nói riêng cả nước nói chung. Do vậy, để đẩy nhanh tốc độ đạt được các mục tiêu đề ra của Chương trình thì phải khẩn trương nghiên cứu tháo gỡ, không chỉ đối với những vấn đề thực tiễn cụ thể ở mỗi địa phương mà còn cần phải có nghiên cứu, giải quyết triệt sâu sắc hơn từ khía cạnh cơ sở lý luận.