Sự cải thiện truyền thông

Một phần của tài liệu Vu-Thi-Thanh-Thuy-CHQTKDK3 (Trang 44 - 46)

II. TÍCH HỢP CHUỖI CUNG ỨNG

4. Lợi ích của tích hợp chuỗi cung ứng

4.1. Sự cải thiện truyền thông

Quản trị chuỗi cung ứng tiếp tục đối diện với những thách thức mới, và đang thay đổi nhanh chóng chưa từng có trước đây. Có lẽ sự thay đổi dễ nhận thấy nhất đó là việc sử dụng công nghệ. Một vài những thay đổi này xuất hiện một cách trực tiếp vào việc dịch chuyển sản phẩm; chẳng hạn như việc nhận diện điện tử các kiện hàng thông qua hệ thống mã vạch, hệ thống vệ tinh định vị và kiểm tra sự di chuyển của các xe tải và hệ thống hướng dẫn tự động; nhưng tác động lớn nhất đó chính là truyền thông.

Trong những năm vừa qua, công nghệ đã thay đổi đáng kể công tác truyền thông. Tiến bộ đầu tiên đi kèm với máy fax cho phép gởi các bản pho to dữ liệu điện tử giữa các vị trí địa lý cách xa nhau chỉ trong vòng vài giây hơn là trong nhiều ngày. Hạn chế của máy fax là dữ liệu hoặc văn bản được soạn thảo ở máy vi tính phải được in ra, sau đó cung cấp cho máy fax, truyền qua đường dây điện thoại đến một người nào đó sẽ đọc văn bản và nhập thông tin vào máy tính cá nhân của họ.

Đến thập niên 1990, chúng ta cảm nhận bước kế tiếp của tiến trình phát triển này cùng với kỹ thuật chuyển đổi dữ liệu điện tử (EDI). Điều này cho phép các máy tính từ xa có thể trao đổi dữ liệu mà không cần phải qua một phương tiện trung gian nào. Những người sử dụng đầu tiên đó chính là các siêu thị, thực hiện việc kiểm soát tồn kho một cách trực tiếp với hệ thống xử lý đơn hàng của nhà cung cấp. Các siêu thị kiểm tra các dữ liệu bán hàng của mỗi sản phẩm, và khi tồn kho thấp hơn mức bảo hiểm thì hệ thống sẽ tự động gởi thông điệp đặt hàng cho nhà cung cấp. Kỹ thuật này sử dụng EPOS - dữ liệu điểm bán hàng điện tử, làm giảm đáng kể các công việc giấy tờ, hạ thấp chi phí giao dịch, thúc đẩy việc truyền thông, giảm thiểu lỗi, làm cho hệ thống tích hợp hơn rất nhiều và tạo ra mối quan hệ kinh doanh chặt chẽ hơn.

Đến năm 1997 khoảng 2000 công ty ở Anh sử dụng EDI cho hoạt động kinh doanh với nhà cung cấp. Trong vòng những năm đến, thương mại điện tử trở nên phổ biến và phức tạp hơn nhiều. Việc phát triển nhanh chóng thư điện tử đã được thúc đẩy rất nhiều bởi thương mại điện tử, kinh doanh điện tử…Chuyển đổi hiệu quả thông tin đặc biệt hữu ích đối với hoạt động thu mua và kết quả là chúng ta chứng kiến sự phát triển của thu mua điện tử dưới nhiều hình thức khác nhau. Hai hình thức phổ biến nhất chính là B2B (kinh doanh đến kinh doanh), nơi mà các doanh nghiệp mua nguyên vật liệu từ một doanh nghiệp khác) và B2C (kinh doanh đến khách hàng, nơi khách hàng cuối cùng mua sản phẩm từ một doanh nghiệp).

Đến năm 2002, khoảng 83% các nhà cung cấp ở Anh sử dụng B2B2, và giá trị toàn cầu của thương mại theo hình thức B2B vượt qua con số 2000 tỷ USD. Tiếp nối cho sự ra đời của EDI là sự phát triển của hai công nghệ tương ứng. Công nghệ đầu tiên đó chính là mã hóa chi tiết (item coding), mà ở đó mỗi bưu kiện nguyên vật liệu di chuyển đều đi kèm với một thẻ nhận diện. Thẻ này thông thường là mã vạch hoặc sọc từ có thể đọc thông tin một cách tự động khi kiện hàng hoặc nguyên liệu dịch chuyển theo lịch trình. Nhờ đó mà hệ thống hậu cần sẽ biết chính xác quá trình di chuyển của hàng hóa ở bất kỳ thời điểm nào, tạo thuận lợi cho việc quản lý, dịch chuyển, phân loại, củng cố, đóng gói và phân phối nguyên vật liệu.

Công nghệ thứ hai chính là chuyển tiền điện tử (EFT). Khi nguyên vật liệu đã được xác nhận là đến nơi phân phối, EFT sẽ tự động ghi nợ vào tài khoản của khách hàng và ghi có vào tài khoản của nhà cung cấp. Những điều này giúp cho việc hoàn tất cho quy

trình, với EDI thực hiện việc đặt hàng, mã hóa chi tiết để kiểm tra sự dịch chuyển của hàng hóa và EFT để thực hiện việc thanh toán.

Một phần của tài liệu Vu-Thi-Thanh-Thuy-CHQTKDK3 (Trang 44 - 46)