Những ngày ngồi ô-tô đi dọc đất nước Malaysia, trong đó có việc đi qua nhiều miền quê, cánh du lịch bụi bọn tôi thỉnh thoảng vẫn bắt gặp những nghĩa trang nho nhỏ. Không hề lộng lẫy xa hoa, mà ngược lại các nghĩa trang ấy rất đơn giản. Nếu so với mức sống của dân thì thật quá ư tiết kiệm, trong khi đó vẫn không làm mất đi vẻ nghiêm trang thành kính là cái không khí mà các nghĩa trang nhất thiết phải có.
Mấy năm trước, đi xe lửa từ Bắc Kinh về Nam Ninh, Trung Quốc, cũng nhớ là không có chỗ nào thấy nghĩa trang quá chói lọi nguy nga mà lại lộn xộn đến mức phải kinh ngạc... như của dân mình.
Vâng, sở dĩ chúng tôi để ý chuyện người, cái chính là vì chuyện xứ mình. Mấy năm nay nhiều nơi có phong trào đua nhau xây lăng cho tổ tiên thật to thật đẹp. Cũng đá hoa, đá mài. Cũng mái cong mái uốn. Cũng họa tiết hoa văn chìm nổi. Và thường thì tất cả những yếu tố gọi là hiện đại ấy để cạnh nhau chỉ toát ra vẻ đắp điếm lòe loẹt mà lại chắp vá lủng củng, không những giữa ngôi mộ mới tân trang đó với các mộ chung quanh chẳng ăn nhập gì với nhau, mà cũng chẳng ăn nhập gì với tập quán ngàn đời của dân tộc.
Trong chiến tranh, Quảng Trị là nơi diễn ra nhiều trận đánh lớn. Nghe nói là tính ra số người nằm dưới đất Quảng Trị còn đông hơn dân số đang sinh sống. Có cái lạ là xứ Quảng Trị đó - một trong những tỉnh nghèo nhất trong cả nước - cũng hình là nơi có những lăng mộ được xây tốn kém tới cả trăm triệu.
Cái lối săn sóc tới người đã chết theo kiểu như trên thật ra đã có từ lâu. Từ trước 1940, trên báo Ngày nay, nhà văn Thạch Lam đã có lần ghi lại một nhận xét khá sâu sắc của một người nước ngoài. Người này nói rằng dân Việt hình như mải lo cho người chết mà quên cả người sống.
Từ thực tế ngày hôm nay, tôi nghĩ ngược lại: khoe khoang rầm rộ như thế ắt là vì người sống chứ đâu có vì người chết. Một khi đã mang tính cách một sự tô vẽ giả tạo thì nhất thiết sẽ nảy sinh phản cảm.
Vào những dịp tuần rằm mùng một, nhìn cảnh người đi cúng lễ ở các đền chùa, nhiều người tự hào cho rằng dân mình biết tôn trọng quá khứ và có niềm tin sâu nặng ở thế giới bên kia. Với óc hoài nghi sẵn có, M, bạn tôi, cãi lại: Anh thử nghĩ xem người nghèo có mấy khi đi đền đi chùa vênh vang như thế? Mà toàn dân có của đấy chứ. Tôi ngờ đến quá nửa trong đó là quan chức tham nhũng với lại cánh buôn gian bán lận, vừa làm vừa sợ tội nên chạy lễ đến đây để hối lộ thần thánh mong gỡ tội.
Tôi chưa biết cãi lại làm sao chỉ biết rằng so với mấy chục năm trước, mặc dầu đền chùa bây giờ đông nghịt nhưng không có được không khí thành kính của thời thịnh trị. Còn như để trả lời câu hỏi tại sao người ta cúng cáp
ghê thế chắc chắn phải có một vài nhà nghiên cứu văn hóa làm những cuộc điều tra khoa học. Nếu xem xét nghiêm chỉnh, không chừng sự thật sẽ thuộc về anh bạn hay hoài nghi của tôi!
Có lần đọc báo thấy nói ở một vùng nọ trên Lạng Sơn những người có thế lực rào những khu đất để chờ bán cho người chết. Tức là một hình thức kinh doanh địa ốc xuất hiện, có điều ở đây mặt hàng kinh doanh là lăng mộ.
Tôi không oán những người kinh doanh đó. Thấy làm gì kiếm được tiền là người ta làm. Có người yêu cầu nên còn người phục vụ. Tôi muốn nghĩ đến những người sẽ đổ xô đến với các “chung cư” dành cho người chết để tỏ là mình biết sống. Phú quý sinh lễ nghĩa cái đó có một phần. Nhưng theo tôi cái chính là sự hoang vắng tiêu điều trong lòng người. Có thế thì đám người sẵn của kia mới lấy sự hơn người giả tạo làm niềm kiêu hãnh.