“Nắng, nắng rất dữ, cái nắng cháy da làm mất đi vẻ đẹp riêng của những con người xứ lạnh”.
“Bình minh không còn màn sương phảng phất bay qua cành cây ngọn cỏ”.
“Những dải hoa hồng hoang sơ, đẹp một vẻ đẹp kiêu sa, trước kia bốn mùa khoe sắc trên nhiều con đường ngõ xóm, nay không còn nữa”.
“Những cây thông cổ thụ bị dọn sạch”.
“Trong các mảnh vườn riêng của từng gia đình ở đây, các loại sâu bọ kỳ lạ xuất hiện”.
“Nhiều người vào đây từ sau 1975 bắt đầu nhớ lại Đà Lạt ngày họ mới vào, nhớ tới Đà Lạt ngày xưa mà họ mơ ước”.
Trên đây là sự thay đổi môi trường Đà Lạt được bạn đọc Tuổi Trẻ viết trong số báo ra ngày 7.3.2007.
Sự thay đổi ở đây vậy là gây ấn tượng đậm và thật đáng lo ngại: đó là những biến động ở tận bề sâu của môi sinh, biến đổi về mặt khí hậu.
Đọc lên ai mà chẳng thấy đau lòng.
So với Đà Lạt, tình hình thay đổi các thành phố trong cả nước chưa nguy hiểm bằng. Có vẻ tình trạng ô nhiễm và sự biến đổi cảnh quan ở đấy là chấp nhận được. Ta dễ bỏ qua.
Nhưng chúng ta đã nhầm.
Đọc một tài liệu nghiên cứu về môi trường, tôi thấy một nhà khoa học bảo rằng cái đáng sợ nhất là những sự cố trường diễn, tức là những thay đổi theo hướng thoái hóa, tác động rất lớn, song rỉ rả mỗi ngày một chút, nên dễ lọt lưới, và khi nghĩ ra thì đã muộn.
Ví dụ như ở Hà Nội. Hà Nội rãnh nước đen ngòm chảy bên lề đường phố cổ và chuột chết vứt cho xe kẹp. Hà Nội nhà xây cái cao cái thấp, cái lai tàu cái lai tây, lô nhô loạn xị và cây xanh bị triệt hạ để lấy chỗ bán hàng. Hà Nội nắng hanh đường quẩn đất bụi. Hà Nội những tầng nước ngầm trong lòng đất bị tàn phá, một số giếng đào lên nước không dùng được. Hà Nội người ném rác hàng ngày xuống sông Hồng. Hà Nội không còn vỉa hè và thanh niên không biết thế nào là niềm vui đi bộ.
Chỉ cần so với Hà Nội 1954, hoặc Hà Nội trước 1975 thôi thì đã có bao điều tốt đẹp mất đi mà nếu thành tâm yêu Hà Nội người ta phải lấy làm tiếc. Và lo lắng nữa.
Báo chí gần đây có nhiều bài đả động đến những biến động nho nhỏ. Hoặc là rầy nâu tấn công Cao Lãnh, thị xã của tỉnh Đồng Tháp. “Rầy bay đầy đường như trấu, rầy bu đen kín các bức tường. Rầy đi thành từng đám như một lớp sương, người đi đường không thể đi được nên tấp vào quán để trốn rầy”. Hoặc là muỗi ở quận Bình Thạnh TPHCM “cứ khi trời sập tối là muỗi dày ken đặc, 10 phút quơ được một muỗng canh muỗi” (Nông thôn ngày nay, 19.3.2007).
Đó chính là dấu hiệu của những sự cố trường diễn. Sự thay đổi của khí hậu - như ta thấy phần nào ở Đà Lạt - chính là kết quả của những đổi thay ngấm ngầm như vậy.
Nhìn rộng ra, người ta còn nói rằng tình hình ô nhiễm khói bụi ở khu vực Thái Bình Dương khiến cho nơi đây ngày càng xuất hiện nhiều hơn những cơn bão lớn...
Từ chuyện môi trường cây cối sâu bọ, tôi còn nghĩ đến những biến động sâu xa ở con người. Tình trạng trường lớp tồi tàn, bàn ghế không hợp lứa tuổi khiến cho tỷ lệ học sinh cận thị ngày mỗi cao. Xe máy chen chúc trên đường, phố xá ồn ào, khiến con người giờ đây “ăn sóng nói gió” hơn bao giờ hết. Những khó khăn trong cuộc sống gậm nhấm mỗi ngày một ít, sự bươn trải kéo dài, giờ đây chả thấy ai nhường ai, nghĩ mãi về người quen không biết ai đáng gọi là dịu dàng hiền hậu.
Thậm chí nét mặt con người nữa.
Những khi đang đi gặp phải đèn đỏ, tôi nhìn chung quanh, sao thấy mặt mũi người nào trên đường cũng căng thẳng và đầy chất sát phạt. Tham vọng ghê gớm. Khao khát khắng định. Ham hố sống, hưởng thụ... Tôi chưa tìm ra được chữ nghĩa cho chính xác, nhưng hình như có tất cả những cái đó trên nhiều khuôn mặt tôi gặp hàng ngày, quen cũng như lạ.
Lại nhớ những con người của cái thời tiền chiến đọc được trong những truyện ngắn Thạch Lam, Thanh Tịnh, hoặc hiện lên trong tranh Nguyễn Phan Chánh. Lại nhớ những bức ảnh chân dung tập thể bày ở các bảo tàng hoặc trong một số sưu tầm ảnh đây đó. Có phải là chúng ta đã thay đổi đến khó ngờ. Thời gian mang lại cho con người rất nhiều nhưng cũng lấy đi rất nhiều. Không thể luyến tiếc, nhưng phải nhớ rằng nhiều cái tốt đẹp đã bị đánh mất.