LẤY TƯƠNG LAI LÀM TIÊU CHUẨN

Một phần của tài liệu Chấn thương tâm lý thời hiện đại (Trang 107 - 109)

Có một dạo Đỗ Việt Khoa trở thành một trong những tên tuổi vào hạng được nhắc nhở tương đối thường xuyên trên đài trên báo và cả nơi đầu miệng mọi người. Vâng, nổi tiếng thật bởi anh đã làm cái việc người khác không dám làm. Đó là tố cáo những trò gian lận ở một hội đồng thi của tỉnh Hà Tây. Trong lá thư anh Khoa nói với lớp trẻ có đoạn “Tôi kêu gọi các em học sinh và các thầy cô giáo: Hãy lên tiếng cùng tôi chấm dứt tiêu cực này. Đừng dối mình, hay im lặng mãi thế. Năm nay nếu các em trượt nhiều, đừng vội trách thầy. Các em hãy chịu thiệt một chút. Sang năm, các em sẽ được thi lại mà. Các em mất 1-2 năm thôi, quá ngắn ngủi so với cuộc đời một con người. Nhưng 1-2 năm đó rất quý: Hàng chục thế hệ sau sẽ không bị làm hỏng nữa. Nền giáo dục sẽ trở về đúng nghĩa của nó. Tính trung thực của thầy trò ta mới không bị đánh cắp nữa. Hãy ủng hộ thầy!” (Mạng VietNamnet 24.6.2006)

Có thể đọc ra từ vụ thầy Khoa hôm nay nhiều chuyện, riêng tôi chú ý một điểm là những cách nghĩ cách ứng xử khác nhau đối với tương lai.

Cả nền giáo dục như một con bệnh trầm trọng, ở nhiều địa phương chưa đi thi mà cả thầy lẫn trò đều thừa biết rằng nếu nghiêm ra thì trượt nhiều lắm, rút cuộc thi cử là một thứ thủ tục để kẻ có quyền thì bán bằng, kể cần tiến thân thì mua bằng.

Trước cái thực tế ngổn ngang đó ta nên làm thế nào?

Nhiều người nghĩ, thôi đã hỏng thì cho hỏng luôn thể, thiên hạ đầy những hàng giả, thêm một ít bằng giả của bọn tôi có thấm thía gì? Trong tình cảnh hỗn loạn này, chúng tôi sẽ sống ra sao nếu thi trượt?

Tức là người ta chỉ nghĩ chuyện trước mắt, còn tương lai thế nào, tính sau. Thậm chí có thể hy sinh cả tương lai cho hiện tại cũng được.

Nhưng vẫn có một cách nghĩ khác. Hãy tính cả cuộc đời dài dặc của mỗi con người. Lẽ nào ta sẽ gian dối suốt đời sao?! Vậy hãy thử chịu đựng một phen. Dám trượt, dám thua. Trượt để quay về học cho ra học. Thua để thắng. Không những được cái bằng mà còn được những con người. Thầy Khoa thuộc loại thứ hai.

ít nhất cũng có một điểm đáng ghi nhận: Hóa ra lúc nào cũng còn người tốt, cụ thể là còn những người tin rằng chúng ta có thể sống tốt hơn, chứ không “cù nhầy” với nhau mãi thế này. Mà chỗ khác nhau giữa nhiều người hiện nay là ở tầm nghĩ. Do thiếu tự tin, do thiển cận mà một số người sẵn sàng làm việc xấu và ủng hộ cái xấu. Còn chỉ cần nghĩ xa ra một chút, ta sẽ thấy cuộc đời là ở trong tay ta, sống tốt không phải chỉ là ước ao mà hoàn toàn là chuyện có thể, nếu chúng ta muốn.

Lại phải trở lại với nhà văn Nga Tchekhov (1860-1904), tác giả của những Con hoạt đầu, Anh béo và anh gầy, Người trong bao... Ông đặc biệt dị ứng với cuộc sống tầm thường quanh mình. Với ông cả những kẻ chỉ có ước mơ tầm thường cũng đáng ghét. Có lần ông bảo các vị ơi, cứ sống thế này thì nhắm mắt sao nổi! Một ý tưởng lớn mà ông muốn làm lây truyền trong người đọc: cuộc sống là thiêng liêng lắm, cái chính là lòng tự trọng, là cái khát khao tốt đẹp ở mỗi con người bình thường; nếu còn giữ được cái đó thì một hai người có thể thua, nhưng cả xã hội sẽ thắng.

Một phần của tài liệu Chấn thương tâm lý thời hiện đại (Trang 107 - 109)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)