TỔ CHỨC ĐỜI SỐNG NÔNG DÂN SAO ĐÂY?

Một phần của tài liệu Chấn thương tâm lý thời hiện đại (Trang 111 - 113)

Thỉnh thoảng lại thấy râm ran chuyện buồn về các cô gái Việt Nam, nhất là các cô gái nông thôn, lấy chồng ngoại quốc. Họ bị hành hạ đủ điều. Bị

ngược đãi một cách oan uổng. Nghe chuyện này nhiều người lại được dịp gạt nước mắt thông cảm.

Tôi không phải loại gỗ đá gì, nghe cũng thấy thảm.

Nhưng tôi lại cũng biết rằng vào lúc này đây bao cô gái khác đang làm công việc tương tự. Tại sao ư? Tại vì tình cảnh của họ ở làng xóm là hoàn toàn tuyệt vọng. Họ còn đi, và đám em họ sẽ đi nữa.

Muốn tránh cái điều đau đớn đó, lẽ ra chúng ta phải tìm nguyên nhân để giải quyết từ gốc, mà phương án lớn nhất là nâng cao trình độ sống và cả đời sống tinh thần của lớp thanh niên mới lớn.

Câu chuyện về nông dân mất đất hiện nay cũng nên nhìn nhận tương tự. Tôi biết ở đây có lỗi của một số cấp chính quyền. Họ tùy tiện giải quyết lấy đất để xây dựng, làm khu kinh tế, và len vào đó là chuyện tham nhũng. Rồi ngay trong nông dân cũng có chuyện vụng trộm mua đi bán lại với nhau. Tất cả dẫn đến tình cảnh một số nông dân không còn phương tiện làm ăn sinh sống.

Nhưng theo tôi đây chưa phải là vấn đề chính của nông thôn hiện nay. Có một sự thực đáng lo lắng hơn: đó là tình trạng người nông dân không muốn làm ruộng nữa. Năng suất không lên. Thu nhập từ hạt thóc quá thấp. Và việc này đã kéo dài quá lâu, kéo dài trong lúc đời sống xã hội chuyển động rầm rập, khiến họ không sao an tâm.

Thanh niên lao ra thành phố làm thuê làm mướn. Nói chung là lớp người năng động và thông minh nhất của nông thôn tìm mọi cách để xa rời mảnh đất..

Nếu không mất đất vào các khu công nghiệp thì trước sau họ cũng đặt mảnh đất đang có vào vòng tay của tình trạng lạc hậu và sự quên lãng.

Mảnh đất mà cha ông họ mơ ước, nay họ không thấy thiết tha nữa. Có mà cũng như không có!

Tôi không phải là một chuyên gia nghiên cứu về nông thôn. Nhưng chỉ ở Hà Nội, nghe chuyện ô-sin trong gia đình và hàng xóm, nói chuyện với mấy người đẩy xe hàng rong trên đường và dừng lại ở các xóm liều tạm bợ..., tôi tin rằng mình không nói liều.

Cái lỗi lấy đất bừa bãi của nông dân kể cũng đã lớn lắm.

Nhưng theo tôi các lỗi lớn hơn của cả chúng ta là không giúp cho người nông dân bước vào đời sống hiện đại một cách đàng hoàng, hợp lý.

Giúp như thế nào? Là làm cho người nông dân có thông tin để hiểu cái xu thế thời đại và con đường mà họ sẽ phải trải qua. Là giúp cho họ làm chủ số phận của mình mà không trở thành nạn nhân của công cuộc hiện đại hóa.

Đây không phải là công việc riêng của các cấp chính quyền địa phương mà là việc chung của nhiều người. Của cả những người dân thành thị. Của các nhà quản lý lẫn các nhà nghiên cứu. Nhất là của những người hiểu biết về con đường hiện đại hóa của các nước trên thế giới.

Giữa năm 2007, chính tai tôi được nghe nhà kinh tế Lê Đăng Doanh kể là ở Đài Loan, khi lấy đất của nông dân trao cho các loại công ty sản xuất và kinh doanh, người ta buộc công ty phải bán cổ phần cho nông dân, và coi như giữ tiền hộ họ, tiền lãi ở đấy một phần đáng kể giúp họ bảo đảm sinh kế lâu dài.

Ồ tuyệt quá, tôi vừa nghe đã nghĩ kinh nghiệm hay thế sao ở mình không làm nhỉ.

Nhưng vừa nói lại với một người bạn, liền bị anh ta chỉnh cho ngay:

- Hão huyền! Làm thế các công ty bị ràng buộc, mà chính quyền chẳng được lợi gì. Công ty cũng không muốn làm mà chính quyền cũng không muốn làm.

Rồi anh lại xoay qua một khía cạnh khác:

- Thử đặt mình vào tâm lý ông nông dân nhà mình mới thấy hết rắc rối. Mấy ai nghĩ rộng là mình sẽ sống sao trong thời đại hội nhập. Trước mắt họ chỉ nhìn vào đồng tiền. Nếu không dùng tiền chơi bời mua sắm thì cũng dùng để làm vốn buôn vặt. Họ thừa tự tin trong việc này. Chứ mua cổ phần của các công ty đến làm ăn ở quê hương họ ấy ư, còn lâu! Đến lúc thất cơ lỡ vận, nghĩ ra con đường đúng thì đã muộn!

Phân tích một hồi, hóa ra trách nhiệm là ở nhiều phía. Mà trách nhiệm lớn nhất vẫn thấy là trên vai chính quyền các cấp. Nông dân có thể nghĩ lầm chứ chính quyền thì không thể.

Nhưng để giải quyết đúng đắn chuyện này, còn mất thời gian mò mẫm, và tất cả các phía đều bắt chúng ta chờ đợi.

Quay trở lại chuyện mấy cô gái tìm cách lấy chồng Hàn Quốc hoặc Đài Loan. Nên nhớ rằng việc nhân duyên với họ bao hàm cả việc kiếm sống, mà cả hai đều là tự nguyện. Vậy cấm thế nào bây giờ?

Anh bạn tôi, cuối câu chuyện, khóa lại bằng một câu có vẻ vô cảm, nhưng là thực tế:

- Khi không thay đổi được hoàn cảnh, tốt hơn hết là chấp nhận cho xong. Chứ đã biết là không ngăn chặn được tình trạng này từ gốc, mà thỉnh thoảng lại nổi cơn sụt sùi thương xót, cho phép nói thật nhé, thấy buồn cười lắm!

Một phần của tài liệu Chấn thương tâm lý thời hiện đại (Trang 111 - 113)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)