Tục ném bát hương xuống hồ nước sông ngòi để linh hồn ông bà tổ tiên được mát mẻ vốn có từ lâu đời và từ nhiều làng quê kéo lan đến tận Hà Nội. Trong một bài phiếm luận, Tô Hoài kể có lần dạo chơi phố phường cuối năm tới Hồ Gươm, ông bắt gặp một người đàn bà ra tận gần giữa hồ mò mẫm gì đó. Thì ra bà ta mò bát hương cũ, lấy lên, cọ sạch rồi mang bán như đồ mới.
Ngày nào cũng phải qua cầu Chương Dương, tôi chứng kiến cảnh ném bát hương và bàn thờ xuống sông Hồng thường xuyên hơn và công khai hơn.
Cầu Chương Dương vốn là con đường để dân các tỉnh cung cấp rau và gà vịt cho Hà Nội. Buổi sáng vào thành phố, còn trưa là thời điểm quay ra. Buôn bán vội vã lúc về có cái gì thừa ném luôn xuống sông, hình như không ai băn khoăn nhiều.
Đến như cảnh ném bát hương và các loại tro cùng bàn thờ xuống sông thì được người ta làm có ý thức hơn. Có cả những người từ tận phía tây, phía nam thành phố cũng lặn lội tìm đến sông Hồng bằng được.
Những chiếc xe máy ấy thường hai người đèo nhau, người ngồi sau ôm trong tay có khi là một đùm to tướng có khi là những tấm gỗ để thờ. Tới khoảng giữa cầu, chỗ dự tính sông sâu nhất, xe dừng lại. Cái gói đồ đã chuẩn bị kia được ném xuống sông. Và người ta còn đứng một lúc nhìn theo, chứ chưa chịu về ngay.
Nhiều lần chứng kiến cảnh ấy, tôi vẫn không sao quen nổi. Chắc những người kia nghĩ đơn giản: con sông thì rộng lớn đến thế, nhà mình chỉ góp thêm một cái bát với tấm gỗ nho nhỏ, có thấm thía gì?!
Đó là cách nghĩ của cái thời xã hội còn thiên nhiên thiên bẩm. Cốt được việc mình, còn không cần biết tác hại ra sao. Và nghĩ rằng ai cũng làm thế, tội gì mình không làm, không làm chỉ thiệt.
Một lý do nữa khiến cho người ta mạnh dạn làm, làm một cách hồn nhiên sung sướng. Là làm vậy tức làm được một việc tử tế đối với gia đình. Giả sử lúc đó có ai ngăn cản người ta sẽ lý sự giản đơn rằng không ai có quyền cấm người khác trở thành người con hiếu thảo cả.
Cớ biết đâu hiếu thảo đấy mà cũng... dã man đấy.
Chợt nhớ lại truyện Con ngựa già của Nguyễn Công Hoan. Truyện tả cảnh người ta chôn sống một con ngựa già ra sao. Con ngựa vốn tận tụy ấy chết rất thương tâm. Ấy vậy mà vẳng lên trong truyện rất nhiều tiếng cười. Khốn khổ, đám lính có làm việc này bao giờ đâu, bởi vậy họ làm rất vụng về, vừa làm vừa lăn ra mà cười với nhau. Con ngựa càng cuống quýt đau đớn thì người ta càng cười to.
Dường như Nguyễn Công Hoan muốn nói: Sự thiếu hiểu biết khiến nhiều khi con người làm những việc tệ hại một cách vô tâm. Chôn sống con ngựa, họ đã có một hành động dã man mà họ không biết.
Trong việc ném các thứ đồ thờ xuống sông, chúng ta cũng đang tìm cách giết dần con sông, nghĩa là làm một việc dã man không kém.
Không ít trường hợp khác, người ta nhân danh một mục đích tử tế - ở đây là sự hiếu thảo - làm những chuyện dã man tương tự. Một người quen tôi trên Sóc Sơn có đứa con gái ngồi đèo sau xe máy trên đường cao tốc Thăng Long Nội Bài, xe bị dính đinh ai đó rải để bẫy. Không kịp phanh, cháu bị ngã và vào viện thì xác định là chấn thương sọ não.
Sau hỏi lại mới biết chuyện này xảy ra cũng đã nhiều lần, và trong những người làm cái việc độc ác kia có những người rất nghèo.
Cá biệt có người khai là anh ta làm việc ấy vì đang cần tiền mua thuốc cho một bà mẹ ốm. Tức động cơ là hiếu thảo với mẹ.
Ngay cả khi lời khai kia là đúng sự thật nữa thì tôi nghĩ hành động vẫn có gì bất nhẫn, không bà mẹ tử tế nào muốn con làm cái việc gọi là thất đức đó cả.
Còn một việc nữa. Nhiều gia đình Hà Nội hiện nay hễ có tang là tổ chức rất linh đình. Nhà chật thì chiếm dụng ngay hè phố, bất chấp cả đường đi lại. Mở loa thật to và thuê những băng khóc sẵn mở suốt ngày đêm. Ai vào viếng có loa oang oang giới thiệu danh tính chức vụ.
Nhìn những nhà chung quanh mà thấy thương. Họ quằn quại chịu đựng. Theo tôi, lối làm ma ầm ĩ để trương ra cả bàn dân thiên hạ cùng biết như thế này thật ra là di lụy của nếp sống lỗi thời. Ở quê, không gian rộng rãi yên lặng làm thế còn được. Nay giữa thành phố hiện đại, nhà cửa xe cộ ken chặt con người đã rõ là không hợp. Bởi chúng ta chưa nghĩ ra một cách làm khác nên phải theo nếp cũ vậy. Nhưng tôi tưởng nên lưu ý nhau rằng phải đặt mình trong không khí chung của phố xá để đỡ làm phiền mọi người.
Bạn tôi kể có lần gia đình có đứa con nhỏ bị ốm quấy khóc suốt đêm, giữa lúc ấy nhà hàng xóm có tang, loa mở hết cỡ rót vào cửa. Ôm con mà sốt lòng
sốt ruột. Nhưng đành bấm bụng chịu không dám mở mồm ra đề nghị người ta mở loa be bé một chút. Vì biết thời này có ai nghĩ về hậu quả việc mình làm với người khác? Và một khi có dịp phô trương lòng hiếu thảo thì chẳng ai chịu từ bỏ.