Khéo léo yêu cầu mức lương khi phỏng vấn xin việc

Một phần của tài liệu Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ (Trang 68 - 70)

Khi phỏng vấn xin việc, chúng ta không thể né tránh vấn đề lương bổng. Mức lương của một người có liên quan tới năng lực, khả năng và sự cống hiến của người đó. Do đó khi trả lời câu hỏi về vấn đề tiền lương, bạn không thể trả lời qua loa, phải có sách lược và phải chuẩn bị kĩ lưỡng từ trước. Khi đơn vị tuyển dụng chưa hiểu nhiều về bạn, nếu yêu cầu lương quá cao sẽ khó được chấp nhận, còn nếu yêu cầu lương thấp bạn sẽ bị thiệt thòi. Do đó, trước khi đưa ra yêu cầu về mức lương, bạn phải làm được một số điều sau đây:

(1) Trước khi phỏng vấn, phải tìm hiểu mức lương trung bình cho công việc bạn đang ứng tuyển, tìm hiểu về chính sách của công ty.

(2) Chủ động nêu ra mức lương bạn hi vọng có được.

(3) Cố gắng tìm hiểu xem tiền lương mà đơn vị tuyển dụng trả cho bạn là cố định hay có sự biến động.

(4) Trước khi phỏng vấn, nên tìm hiểu về các chế độ trợ cấp, phúc lợi của công ty.

Sau khi tìm hiểu và nắm được những điều trên, bạn có thể bắt đầu nói về vấn đề tiền lương với đơn vị tuyển dụng. Nhưng phải nói thế nào cho khéo léo?

Trong quá trình thỏa thuận mức lương với đơn vị tuyển dụng, nếu đơn vị tuyển dụng muốn bạn đưa ra yêu cầu, bạn có thể nói về mức lương mong muốn. Điều này yêu cầu bạn phải có sự tính toán chính xác, hiểu được tiêu chuẩn của chức vụ mình đang xin vào và hình thành nên một con số áng chừng. Đồng thời, bạn không được quên các khoản phúc lợi như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, trợ cấp đi lại, chế độ tăng lương…

Giả sử khi phỏng vấn, người phỏng vấn hỏi mức lương ở công ty cũ của bạn là bao nhiêu, bạn nhất định phải trả lời thận trọng. Tốt nhất nên nói với đối phương: “Mức lương cũ không quan trọng, quan trọng là năng lực làm việc của tôi.” Nếu lương cũ của bạn quá thấp, việc trả lời thẳng thắn sẽ không có lợi cho bạn.

Thỏa thuận về tiền lương không giống các loại thỏa thuận khác, bạn luôn muốn nâng cao điều kiện của mình trong khi đối phương tìm cách hạ thấp nhất có thể. Làm cho bầu không khí trở nên căng thẳng sẽ không mang lại điều gì có lợi. Nếu đối phương có ý muốn hạ thấp mức lương yêu cầu của bạn, hãy tìm cách chuyển chủ đề sang kế hoạch làm việc, cách thức làm việc nếu bạn được tuyển dụng. Điều này sẽ giúp giải tỏa không khí căng thẳng. Lúc này, bạn nên thể hiện năng lực và suy nghĩ của mình về công việc trong tương lai nhằm gây ấn tương tốt với đối phương, ngoài ra, bạn cũng đồng thời khéo léo đưa ra yêu cầu về mức lương của mình.

Mọi công ty đều hi vọng các ứng viên có hứng thú với công việc họ xin vào, chứ không đơn thuần đi làm vì kiếm tiền. Vì thế, chỉ cần người tuyển dụng cảm thấy không bị thiệt khi tuyển bạn thì việc trả lương cao cũng không khó khăn gì. Bạn có thể nói về khả năng, kinh nghiệm của mình, đề nghị lãnh đạo giao cho bạn nhiều nhiệm vụ hơn, thậm chí nâng cao chức vụ để tạo ra cơ hội được tăng lương.

Mức lương lí tưởng là mức lương mà cả người xin việc và công ty tuyển dụng đều chấp nhận, người ứng tuyển nên thể hiện sự linh hoạt. Sau khi thỏa thuận về chế độ tiền lương, nhất định phải viết điều khoản này vào hợp đồng làm việc.

Ý thức kinh tế của con người ngày càng mạnh mẽ, người xin việc thời nay không giống như trước đây, thường ngại ngùng khi đề cập tới mức lương mong muốn. Rất nhiều người lấy mức lương làm tiêu chuẩn quan trọng để xin việc, thậm chí còn là tiêu chuẩn đầu tiên. Tuy nhiên, không nên bỏ qua yếu tố môi trường công việc và việc bạn có thể hiện được giá trị của mình hay không, nếu không, cuộc phỏng vấn chắc chắn sẽ thất bại.

CHƯƠNG 8

Một phần của tài liệu Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ (Trang 68 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(188 trang)