Trong xã hội ngày nay, giao tiếp xã hội là điều mà ai cũng phải đối mặt, nhất là những người trẻ tuổi mới bước chân vào xã hội, ngày nào cũng phải giao tiếp với rất nhiều người. Sử dụng ngôn ngữ khéo léo, thân thiện chính là cách quan trọng để xóa bỏ tâm lí đề phòng của đối phương và kéo gần khoảng cách giữa hai bên. Còn đối với những người làm công việc tiếp thị - bán hàng, ngoài việc sử dụng sự đặc sắc của sản phẩm để thu hút khách hàng, điều quan trọng nhất là phải dùng ngôn ngữ
thuyết phục khách hàng. Chỉ có cách nắm vững tâm lí khách hàng, vận dụng ngôn ngữ khéo léo để khiến khách hàng cảm thấy bạn đang nghĩ cho họ thì họ mới vui vẻ giao tiếp với bạn. Vì thế, những người trẻ tuổi phải nắm được kĩ năng, khiến cho mỗi câu nói ra đều có sức thuyết phục.
Giao tiếp thân thiện để tiếp cận mục tiêu
Khi giao tiếp với khách hàng, ngôn ngữ phải thân thiện, chỉ có cách khiến khách hàng cảm thấy bạn đứng về phía họ, thì bạn mới có thể hiểu nhu cầu của đối phương, hiểu tâm lí đối phương và kịp thời dự đoán phản ứng của họ. Lúc này bạn có thể khéo léo tiếp cận mục tiêu, từng bước đạt mục đích cuối cùng là có thể giao tiếp với khách hàng.
Một khách hàng đi tới khu đồ chơi, cầm chiếc máy bay điều khiển từ xa lên và ngắm nghía. “Xin chào, con chị mấy tuổi rồi?” Nhân viên bán hàng lễ phép thăm dò thông tin.
“12 tuổi.”
Câu trả lời của khách hàng khiến người nhân viên bán hàng rất vui. Sau khi có được thông tin, cô đã xác định được cách thực hiện mục tiêu nên lập tức tiếp lời: “12 tuổi, đây chính là độ tuổi để chơi loại máy bay này”.
Cô vừa nói vừa bật công tắc món đồ chơi, cầm điều khiển lên và cho khách hàng thấy cách nó hoạt động, cô cũng đồng thời giới thiệu về chức năng món đồ chơi: “Chơi loại máy bay này, con chị có thể rèn luyện ý thức lãnh đạo từ nhỏ”. Khoảng vài phút sau, khi hoàn thành nhiệm vụ giới thiệu sản phẩm, quả nhiên khách hàng đã nêu ra thông tin mới: “Bao nhiêu tiền?”
“280 nghìn đồng.” “Đắt quá!”
Sau đó, người nhân viên bán hàng nhanh nhẹn lấy hai quả pin mới lắp vào và nói: “Tặng chị thêm hai cục pin nữa.” Vừa nói, cô vừa để hộp máy bay cùng hai quả pin vào túi và đưa cho khách hàng.
Cuộc giao tiếp này được thực hiện trong thời gian rất ngắn nhưng mang lại kết quả tốt đẹp. Nhân viên bán hàng đã biết cách khai thác đề tài về tác dụng của sản phẩn và việc đảm bảo chất lượng để thu hút khách hàng, hành động nhanh nhẹn cùng ngôn ngữ thân thiện đã khiến khách hàng cảm thấy cô đang nghĩ cho họ. Như vậy, cô đã thực hiện được mục tiêu của mình.
Chừa đường lui cho cả hai phía
Là một nhân viên bán hàng, bị khách hàng từ chối là chuyện rất bình thường. Không chỉ vậy, một số thương vụ lớn còn bắt đầu từ chính sự từ chối. Muốn trở thành một nhân viên bán hàng ưu tú, bạn không thể rút lui trong thời điểm quan trọng này, hãy vận dụng khả năng ngôn ngữ của bạn để rút ngắn khoảng cách giữa hai bên. Cách làm chính xác nên là vui vẻ chấp nhận sự từ chối của đối phương, khi khách hàng từ chối, họ thường hay nói “Để tôi suy nghĩ thêm”. Lúc này, là một nhân viên bán hàng giỏi, bạn nên nắm bắt và lợi dụng câu nói “Để tôi suy nghĩ thêm”, hãy phát huy năng lực, nỗ lực đạt được thành công trong việc bán hàng.
Khi gặp khách hàng nêu lí do là phải suy nghĩ thêm, một nhân viên bán hàng ưu tú sẽ dùng ngôn ngữ thân thiện và nói: “Tôi rất vui khi nghe anh nói phải suy nghĩ thêm, anh vẫn rất có hứng thú với sản phẩm của chúng tôi. Anh xem, sản phẩm này rất có ích cho cuộc sống của anh …”, “Có thể do tôi nói chưa rõ nên anh chưa thể quyết định mua sản phẩm mà còn phải suy nghĩ thêm. Vậy hãy để tôi nói chi tiết hơn để giúp anh cân nhắc…”, “Anh muốn tìm người bàn bạc thêm đúng không? Tôi hiểu ý anh, anh muốn mua, nhưng mặt khác anh cũng để ý tới suy nghĩ của người khác, không muốn bị người khác cho rằng mình lựa chọn sai. Thực tế, nếu anh không muốn mua, anh sẽ không cần mất thời gian suy nghĩ vấn đề này”. Như vậy, bạn sẽ loại bỏ được lí do “Để tôi suy nghĩ thêm”, hãy sử dụng cách nói thân thiện trên lập trường của khách hàng để thuyết phục người đó, đừng nghĩ tới việc họ từ chối, như vậy không những có thể củng cố tâm lí muốn mua hàng của đối phương, mà còn có thể tạo đường quay lại cho cả hai bên. Khi khách hàng nói “Để tôi suy nghĩ thêm”, nếu bạn trực tiếp bày tỏ “Được thôi, vậy anh cứ suy nghĩ đi rồi nói tiếp”, như vậy chắc chắn bạn sẽ thất bại.